Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú yêu cầu các chi nhánh NHNH tại khu vực ĐBSCL có cơ chế linh hoạt với các doanh nghiệp uy tín cần vốn lớn trong một số giai đoạn của mùa vụ nhưng thiếu hạn mức tín dụng.
Linh hoạt cho vay doanh nghiệp lúa gạo, thủy sản
Tại Hội nghị “Đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản vùng ĐBSCL” tổ chức tại TP Cần Thơ mới đây, các doanh nghiệp cho rằng, đặc điểm ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL có tính mùa vụ rất cao nên nhu cầu vốn của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng mang tính thời điểm.
Ông Ngô Minh Hiển – Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Thủy sản Năm Căn (Cà Mau) cho rằng, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng triển khai thực hiện chậm, với số giải ngân khoảng 5.500 tỷ đồng chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu trong bối cảnh doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Ngô Minh Hiển, thời vụ tôm ở ĐBSCL và đặc biệt là Cà Mau rơi vào các tháng 3-6, là thời gian doanh nghiệp rất cần tiền để thu mua.
“Tôm tép thu hoạch theo mùa vụ, doanh nghiệp mua cũng theo đó thu mua, nhưng ngân hàng thì theo hạn mức. Chẳng hạn cho tôi vay 100 tỷ, trong hạn mức đó tôi mua hết tiền thì nghỉ, nhưng đến vụ thì người nuôi tôm bán cho ai, bắt buộc bán cho thương lái, qua đại lý cấp 1, cấp 2, cấp 3. Như vậy, doanh nghiệp chịu một phần còn người nông dân vẫn thiệt thòi chính” – ông Hiển nói.
Doanh nghiệp lúa gạo, thủy sản đề nghị ngân hàng linh hoạt hơn trong cấp hạn mức tín dụng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Nhựt – Tổng Giám đốc Công ty CP Hoàng Minh Nhật (TP Cần Thơ) cho biết, hàng năm doanh nghiệp ông cung ứng khoảng 90.000 tấn gạo, tập trung cho thị trường cao cấp. Tình hình giá lúa gạo tăng đột biến vừa qua, tăng 20-40%, khiến nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp phải tăng tương ứng để đảm bảo công suất và sản lượng.
“Ví dụ bình thường 10.000 tấn gạo cần 100 tỷ đồng thì nay cần 140 tỷ đồng. Ngân hàng cần quan tâm để doanh nghiệp được tiếp cận nguồn tín dụng thuận lợi. Lúa gạo có tính chất thời vụ, do vậy cần có chính sách tín dụng đầy đủ và linh hoạt, lãi suất phù hợp. Bên cạnh đó, nhà nước quan tâm đầu tư cho giao thông để thuận lợi trong vận tải hàng hóa, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh.” – ông Nguyễn Minh Nhựt kiến nghị.
Ông Lê Thanh Hạo Nhiên – Giám đốc tài chính Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, dòng vốn đang bị thắt cổ chai, nông dân rất khó vay vì không có tài sản thế chấp. Do vậy, cần có chính sách hỗ trợ cho nông dân vay trên cơ sở họ có tham gia liên kết sản xuất, hợp đồng bao tiêu, đó là cơ sở chứng minh rằng họ có nguồn tiền quay về để trả cho ngân hàng. Hoặc có thể không cho vay bằng tiền mà bằng cách cung ứng vật tư nông nghiệp, thuốc, phân, giống cho nông dân.
“Trước mắt, chúng tôi cũng gặp vướng mắc về vốn vì có những đơn hàng lớn, trong năm nay ký một đơn hàng xuất khẩu mà doanh thu bằng cả năm 2022 của Lộc Trời. Với sự đột biến như vậy, nhu cầu về vốn là rất lớn, nên cần có sự hỗ trợ từ phía ngân hàng, dựa trên những đơn hàng lớn đã có để cấp thêm tín dụng” – ông Lê Thanh Hạo Nhiên nói.
Giải bài toán lệch pha cung cầu tín dụng
Phản hồi ý kiến của ông Ngô Minh Hiển - Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đề nghị Giám đốc NHNN Chi nhánh Cà Mau về kiểm tra lại việc chậm triển khai gói 15.000 tỷ đồng. “Vì đây là chính sách, phải nắm được cái này vì mình là quản lý tiền tệ trên địa bàn, có phương án xử lý và báo cáo lại sau 2 tuần. Các NHTM linh hoạt trong cho vay, theo hạn mức, mùa vụ để DN được vay vốn thu mua sản xuất…” – ông Đào Minh Tú yêu cầu.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng thời gian qua, NHNN đã có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện thông thoáng hơn cho các NHTM cung ứng các sản phẩm tín dụng một cách thuận lợi hơn. Đồng thời, ngoài các giải pháp linh hoạt, tăng hạn mức cho vay đối với các doanh nghiệp lúa gạo và thủy sản, thì cần “kích thích” khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực với thời hạn và lãi suất hợp lý; tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay; tích cực triển khai cho vay đối với các chương trình, chính sách tín dụng theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tại ĐBSCL cần theo dõi sát tình hình thu mua, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực trên địa bàn, đảm bảo hoạt động ngân hàng đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn tín dụng phục vụ thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản tại địa phương, không để xảy ra tình trạng ùn ứ nông sản do thiếu vốn ngân hàng…
Giang Lam - Ngọc Phạm
Nguồn: Theo BÁO KINH TẾ ĐÔ THỊ Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết. BQT Thủy Sản 247 Group. Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết