Lươn, đặc sản quen thuộc đã trở thành sản phẩm xuất khẩu giá trị cao tại tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Kim Anh.
Lươn, đặc sản quen thuộc trở thành sản phẩm xuất khẩu giá trị cao tại Hậu Giang thời gian qua, nhờ xây dựng mối liên kết bền chặt giữa doanh nghiệp và nông dân.
Nuôi lươn không phải là mô hình mới ở khu vực ĐBSCL. Hiện có nhiều hình thức nuôi lươn như: Nuôi trong can nhựa trên sông, nuôi trong bể bạt và gần đây nhất là mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng phục vụ xuất khẩu phát triển mạnh tại Hậu Giang.
Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang, toàn tỉnh hiện có gần 1.000 hộ nuôi lươn, trong đó mô hình nuôi lươn không bùn chiếm trên 26%, tập trung chủ yếu tại huyện Vị Thủy, Châu Thành A, TP. Vị Thanh… nhưng đa phần nuôi ở quy mô nhỏ lẻ nên chi phí đầu tư cao, đầu ra thiếu ổn định.
Để thúc đẩy phát triển mô hình sản xuất đầy tiềm năng này, mới đây, một doanh nghiệp đã đứng ra liên kết nông dân xây dựng trang trại, cung cấp lươn giống, chuyển giao kỹ thuật và thu mua lươn cho nông dân phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang các thị trường EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Ông Nguyễn Minh Đức, cố vấn kỹ thuật Công ty TNHH MTV Tâm Đức (Công ty Tâm Đức), đơn vị đang thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm lươn cho hay, hiện doanh nghiệp đang liên kết với 200 hộ dân, trên quy mô diện tích khoảng 2 ha để nuôi lươn không bùn đạt tiêu chuẩn, phục vụ xuất khẩu. Trung bình mỗi năm, công ty cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 tấn lươn.
Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đầu tư xây dựng trang trại lươn giống quy mô 12.000 mét vuông, vừa sản xuất lươn giống, vừa nuôi lươn thịt để làm mô hình hướng dẫn cho nông dân. Nhiều nông dân tham gia mô hình đánh giá, việc liên kết với doanh nghiệp giúp nông dân nhàn hơn rất nhiều, không lo đầu ra cho sản phẩm.
Các sản phẩm lươn của Công ty Tâm Đức được đóng gói xuất khẩu đến các thị trường quốc tế. Ảnh: Kim Anh.
Trong năm 2021, Công ty thực hiện thu mua và xuất khẩu 50 tấn lươn thịt. Từ đầu năm đến nay nhu cầu tiêu thụ gia tăng cao, sản lượng đơn vị cung cấp cho các thị trường xuất khẩu đã đạt 40 tấn lươn thịt. Sản phẩm được xuất theo hình thức cắt khúc, làm sạch đóng gói nguyên con, phi lê lươn, phi lê cánh bướm đáp ứng đa dạng nhu cầu của thị trường.
Nói về kỹ thuật nuôi lươn không bùn, ông Đức chia sẻ, vốn đầu tư cho mô hình không quá cao, bà con nông dân có thể tận dụng tối ưu diện tích sẵn có, hạn chế tối đa vấn đề ảnh hưởng môi trường, đặc biệt là phù hợp với đại đa số nông dân.
“Với diện tích bể xi măng khoảng 20m2 được ngăn ra từ 2 - 3 bể nuôi, bà con có thể thả 5.000 lươn giống. Với diện tích này có thể cho ra 1 tấn lươn thịt mỗi năm. Ngoài ra, nguồn thức ăn chủ yếu của lươn 100% là thức ăn công nghiệp, không sử dụng hóa chất kháng sinh cấm, bên cạnh đó có thể sử dụng thêm thuốc sinh học và thảo dược." Ông Đức cho hay.
Ông Đức nói thêm, điểm đặc biệt của mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng, nông dân có thể chủ động được con giống, đảm bảo sạch bệnh, quản lý được nguồn nước trong bể nuôi, kiểm soát chặt chẽ, an toàn từ khâu đầu vào đến đầu ra sản phẩm.
Trại ươn lươn giống của Công ty Tâm Đức tại TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Kim Anh.
Xét về hiệu quả kinh tế, thông tin từ Công ty Tâm Đức, giá thu mua lươn xuất khẩu cho bà con nông dân cao hơn giá thị trường khoảng 30%. Với diện tích bể nuôi 20 mét vuông nông dân có thể thu về lợi nhuận từ 40 - 50 triệu đồng.
Chia sẻ về ý tưởng xây dựng mô hình, ông Đức phấn khởi cho biết thêm, xuất phát từ thực tế lươn mang hàm lượng giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe. Trong khi hiện nay nguồn lươn từ tự nhiên ngày càng trở nên cạn kiệt dần, từ năm 2009 ông bắt đầu nghiên cứu cho lươn sinh sản nhân tạo, từ đây số lượng lươn nuôi cũng phát triển ngày càng nhiều. Muốn giải quyết được đầu ra cho người dân nuôi lươn, nâng cao giá trị sản phẩm phải nghĩ đến thị trường xuất khẩu.
Hiện Công ty Tâm Đức đang tiếp tục công tác đẩy mạnh, xúc tiến thương mại tìm kiếm thêm đối tác để phát triển hình ảnh thương hiệu lươn Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, đơn vị đang tiến hành các thủ tục đăng ký thương hiệu lươn Hậu Giang, dự kiến hoàn thành trong năm 2022.
Việc thành công đưa con lươn đi tiêu thụ ở nhiều thị trường trên thế giới đã mở ra kỳ vọng lớn, thúc đẩy ngành nuôi trồng thủy sản Hậu Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung phát triển. Đặc biệt là khẳng định mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị phát triển nông nghiệp Việt Nam.
Nguồn: Theo nongnghiep.vn Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết