Sản phẩm cá tra đông lạnh sẽ được hưởng thuế EVFTA 0% sau 3 năm.
Thị trường Bắc Âu nhỏ, khó tính, chủ yếu nhập khẩu từ các nước xung quanh, nên thủy sản Việt Nam khó có cơ hội tăng kim ngạch nếu không nghiên cứu phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng, phù hợp với thị trường đích…
Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, Hiệp định thương mai tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã và đang tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm của Việt Nam đặc biệt về mặt hàng thuỷ sản về thuế nhập khẩu với các đối thủ, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam xâm nhập và mở rộng thị phần tại khu vực Bắc Âu.
So sánh với các nước khác xuất khẩu thủy sản vào EU, lợi thế rõ rệt với tôm sú, tôm chân trắng đông lạnh khi tôm sú được giảm từ mức thuế Chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) 4,2% về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Tôm chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm, trong khi Thái Lan và Ecuador không được hưởng GSP, không ký FTA, bị mức thuế cơ bản 12%.
Ấn Độ và Indonesia không có FTA chịu thuế GSP 4,2%. Sản phẩm cá tra đông lạnh đang hưởng thuế GSP 5,5% sẽ được hưởng thuế EVFTA 0% sau 3 năm, trong khi các nước Indonesia sẽ vẫn chịu thuế GPS 5,5% và Trung Quốc chịu thuế cơ bản 9%.
Đối với sản phẩm cá ngừ, Việt Nam sẽ có cơ hội tốt hơn sau 3 – 7 năm thuế được về 0%, tăng khả năng cạnh tranh với đối thủ lớn nhất là Thái Lan, đang bị áp thuế 18%-24%.
Đặc biệt, một số mặt hàng chế biến có thuế suất cơ bản cao (20%) sẽ giảm ngay về 0% như hàu, sò điệp, mực, bạch tuộc, nghêu, bào ngư…
Hầu hết các mặt hàng mực, bạch tuộc đông lạnh có mức thuế cơ bản từ 6 - 8% sẽ giảm ngay về 0%; các sản phẩm khác như surimi giảm từ 14,2% xuống 0%, cá kiếm từ 7,5% xuống 0% …
BẮC ÂU LÀ THỊ TRƯỜNG KHÓ TÍNH
Mặc dù có rất nhiều lợi ích khi xuất khẩu thuỷ sản sang khu vực này, nhưng theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, khó khăn trước còn rất lớn. Bên cạnh quy mô thị trường nhỏ, Bắc Âu lại là thị trường khó tính, các quy định rất khắt khe.
Hiện nay, thuỷ sản Việt Nam xuất khẩu vào khu vực này vẫn chủ yếu là hàng đông lạnh, nguyên liệu thô hoặc sơ chế qua, hàng có giá trị cao vẫn còn ít… nên chưa tận dụng được lợi thế về ưu đãi thuế quan do EVFTA mang lại.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp thủy sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đơn hàng bị hủy, chậm hoặc thiếu nguyên liệu.
Ngoài dịch bệnh, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung cầu cũng ảnh hưởng đến các hoạt động hậu cần và vận chuyển, gây ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang khu vực Bắc Âu.
Đặc biệt, tháng 10/2017, Việt Nam đã bị Ủy ban châu Âu cảnh cáo thẻ vàng vì không tuân thủ Quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, và không theo quy định (IUU).
Việc này đồng nghĩa với việc thủy hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị kiểm soát 100% thay vì kiểm soát theo xác xuất.
Kể từ khi bị thẻ vàng IUU, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU đã sụt giảm đáng kể. Ảnh hưởng trực tiếp nhất là các sản phẩm thủy sản khai thác, bao gồm cá ngừ, cá kiếm, nhuyễn thể, mực, bạch tuộc và ảnh hưởng gián tiếp là thủy sản nuôi trồng.
Nếu việc này không được khắc phục triệt để tháo gỡ thẻ vàng và tránh thẻ đỏ, thủy sản Việt Nam khó có thể tăng trưởng. Trong trường hợp xấu nhất, thủy sản Việt Nam bị thẻ đỏ sẽ là lệnh cấm xuất khẩu sang thị trường này.
AN TOÀN THỰC PHẨM LÀ YÊU CẦU NGHIÊM NGẶT NHẤT
Muốn vào thị trường Bắc Âu, Thương vụ Việt Nam tại Thuỷ Điển khuyến nghị, ngoài việc cung cấp đúng sản phẩm, doanh nghiệp còn phải tuân thủ rất nhiều các quy định của thị trường, như: các quy định về an toàn thực phẩm của Ủy ban châu Âu – đây được coi là một trong những tiêu chuẩn pháp lý nghiêm ngặt nhất về an toàn thực phẩm.
“Doanh nghiệp cần nghiên cứu các yêu cầu bắt buộc của thị trường trên các cổng thông tin chính thức của EU như Trade Help Desk, CBI”, Thương vụ chỉ rõ.
Tuy nhiên, hầu hết người mua ở Bắc Âu sẽ có các yêu cầu bổ sung về an toàn thực phẩm. Họ sẽ yêu cầu cơ sở sản xuất phải được chứng nhận bởi bên thứ ba. Điều này chắc chắn sẽ xảy ra trong bán lẻ, nhưng ngày càng thường xuyên hơn ở các chợ bán buôn và dịch vụ thực phẩm. Các tiêu chuẩn được yêu cầu phổ biến nhất là BRC và IFS.
Bên cạnh đó, nhà cung cấp phải được chứng nhận về tuân thủ xã hội bởi một bên thứ ba. Cũng giống như chứng nhận an toàn thực phẩm, chứng nhận tuân thủ xã hội chủ yếu liên quan đến các cơ sở chế biến.
Các chứng chỉ này liên quan đến quyền, sức khỏe và thu nhập của những người làm việc trong cơ sở sản xuất và cả trong chuỗi cung ứng rộng lớn hơn, như: tiêu chuẩn SA8000 về Trách nhiệm Xã hội (SAI) và Sáng kiến Tuân thủ Xã hội của Doanh nghiệp (BSCI).
Trái ngược với chứng nhận an toàn thực phẩm và tuân thủ xã hội, chứng nhận bền vững liên quan đến cơ sở chế biến cũng như địa điểm sản xuất chính mà từ đó cung cấp nguyên liệu thủy sản thô. Bất kể đó là tàu đánh cá hay trang trại cá, ngày càng có nhiều người mua ở châu Âu yêu cầu các cơ sở sản xuất chính phải được chứng nhận.
Ngoài ra, thị trường ngách bán lẻ cao cấp yêu cầu sử dụng công nghệ mới như truy xuất nguồn gốc hoặc blockchain và mức độ kiểm soát cao hơn nhiều đối với chuỗi cung ứng.
Đặc biệt, theo Thương vụ Việt Nam tại Thuỷ Điển, Covid-19 khiến mối quan tâm của người tiêu dùng đối với sức khỏe tại khu vực này tăng lên, liên quan đến câu chuyện đằng sau sản phẩm. Người tiêu dùng có nhu cầu về các sản phẩm đích thực, lành mạnh và bền vững. Điều quan trọng là những câu chuyện kể về sản phẩm là sự thật, không phải là một câu chuyện cổ tích.
“Hãy tưởng tượng hình ảnh lãng mạn của một người nông dân, sản xuất quy mô nhỏ hạnh phúc, người nuôi cá rô phi bền vững. Hãy tưởng tượng việc nhìn thấy hình ảnh này trên một gói hàng sẽ thu hút cảm xúc của người dùng cuối như thế nào, khi họ lựa chọn giữa loại này và loại khác”, Thương vụ Việt Nam tại Thuỷ Điển gợi mở.
Nguồn: Theo VnEconomy Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết