Thả cá giống xuống hồ chứa nước Sông Quao, xã Hàm Trí (huyện Hàm Thuận Bắc) để tái tạo NLTS. Ảnh: BTO
Nguồn lợi thủy sản (NLTS) là tài nguyên sinh vật vô cùng quý giá, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và đời sống của người dân. Vì vậy, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Thuận qua các thời kỳ đã luôn quan tâm, chú trọng công tác phục hồi, tái tạo và bảo vệ NLTS, bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái và môi trường sống của các loài thủy sản
Cấp thiết
Với vị trí địa lý thuận lợi, có bờ biển dài 192 km, diện tích vùng nội thủy rộng trên 20.000 km2, nguồn lợi biển của Bình Thuận vốn nổi tiếng phong phú gồm nhiều loài cá, hải đặc sản có giá trị kinh tế cao, là nguồn sống của cư dân vùng biển, đảo và có đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, hệ thống hồ, đập thủy lợi trong tỉnh được đầu tư qua nhiều thời kỳ với dung tích chứa khoảng 342 triệu m3, diện tích mặt nước rộng hàng nghìn ha, không chỉ đáp ứng nhu cầu nước cho sản xuất, sinh hoạt mà còn tạo ra môi trường sống thuận lợi cho nhiều giống loài thủy sản nước ngọt sinh trưởng, phát triển.
Tuy nhiên, những năm gần đây, do ý thức của người dân, hoạt động đánh bắt thủy, hải sản ngày càng gia tăng, sự xâm hại của các loài thủy sản ngoại lai và tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái, nơi cư trú, sinh sản, di cư của nhiều loài thủy sản, nhiều loài bị khai thác quá mức, không có khả năng phục hồi, thậm chí có nguy cơ tuyệt chủng. Vì vậy, việc thả giống thủy sản bổ sung và phát triển NLTS trong tự nhiên là một vấn đề cấp thiết đòi hỏi các cấp, các ngành và toàn thể người dân cùng chung tay, góp sức thực hiện.
Nhiều hoạt động
Theo Sở NN&PTNT Bình Thuận, những năm qua, Sở đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy sản, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo tồn, bảo vệ NLTS. Song song đó, đã vận động và phối hợp với các doanh nghiệp, hội nghề nghiệp thủy sản và chính quyền địa phương tổ chức thả giống tái tạo NLTS vào ngày 1/4 hàng năm – Ngày truyền thống ngành thủy sản. Qua đó, tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng, doanh nghiệp và xã hội trong công tác tái tạo và bảo vệ NLTS.
Đặc biệt, ngày 1/4/2017, Tổng cục Thủy sản (nay là Cục Thủy sản) và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ký kết “Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2017 – 2020”. Theo đánh giá tổng kết 4 năm, nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực đã được triển khai, huy động được đông đảo người dân, tăng ni, phật tử trong phóng sinh, thả giống tái tạo NLTS với khoảng 192 tấn và 127 triệu con giống thủy sản các loại được thả xuống vùng nước tự nhiên, trong đó có nhiều loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm và nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế, đóng góp chung vào công cuộc tái tạo, phục hồi NLTS, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa trong toàn xã hội. Từ những kết quả đạt được, nhằm phát huy và tăng cường sự hợp tác, ngày 20/12/2021, Tổng cục Thủy sản và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2021 – 2025, tập trung vào 2 hoạt động chính là phối hợp trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản và tuyên truyền về ý nghĩa của hoạt động phóng sinh các giống loài thủy sản, ý thức, trách nhiệm của các tăng ni, phật tử và người dân đối với hoạt động phóng sinh, bảo vệ NLTS.
>> Thời gian qua, các phật tử và người dân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cũng có các hoạt động phóng sinh các loài thủy sản như tục phóng sinh cá chép vào ngày 23/12 âm lịch; ngày Lễ Vu lan – rằm tháng 7 âm lịch và các ngày lễ lớn của Phật giáo hàng năm.
Diệu Châu
>> NINH THUẬN
6 tháng sản xuất giống thủy sản thuận lợi
6 tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất giống thủy sản thuận lợi. Sản xuất giống thủy sản trong kỳ ước đạt 21,6 tỷ con, tăng 4,5% so cùng kỳ; trong đó, tôm giống 21,3 tỷ con, tăng 4,5%. Để quản lý chất lượng tôm giống, ngành thủy sản tỉnh Ninh Thuận luôn tăng cường giám sát việc nuôi của các cơ sở; thực hiện thanh tra theo kế hoạch việc chấp hành các quy định của pháp luật tại nhiều cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh tôm giống trên địa tỉnh. Tôm giống Ninh Thuận hiện nay đã có thương hiệu được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp nhãn hiệu chứng nhận “Tôm giống Ninh Thuận” và đã tạo được uy tín trên thị trường toàn quốc.
NGUYỄN HẰNG
>> BẠC LIÊU
Tăng cường kiểm tra tôm giống nhập tỉnh
Từ đầu năm đến nay, lượng tôm giống xuất, nhập tỉnh Bạc Liêu là khoảng 8 tỷ con, trong đó xuất tỉnh khoảng 5 tỷ con (đạt 25% lượng giống sản xuất), còn lại nhập tỉnh. Tổng lượng xe vận chuyển tôm giống nhập tỉnh là 180. Ngành chức năng đã cấp 10.824 giấy chứng nhận kiểm dịch xuất tỉnh, tổng số lượng xe vận chuyển tôm giống xuất tỉnh có giấy chứng nhận kiểm dịch là 5.078. Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, nhằm tăng cường và nâng cao chất lượng tôm giống giúp người nuôi giảm rủi ro trong nuôi tôm, mỗi năm tỉnh tổ chức 2 – 3 đợt kiểm tra các phương tiện vận chuyển tôm giống nhập tỉnh, nhất là vào thời điểm người dân thả tôm nuôi. Trường hợp xe nào vận chuyển tôm giống nhập tỉnh không có giấy kiểm dịch sẽ bị tịch thu, tiêu hủy toàn bộ tôm giống theo quy định.
NGỌC HÂN
Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết