Thu hoạch hàu của Công ty Yamanaka tại tỉnh Miyagi, Nhật Bản. Ảnh: Yamanaka
Ngày 14/2/2023, Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thuỷ sản bền vững (ICAFIS) đã hợp tác với Công ty Yamanaka, tổ chức JICA của Nhật Bản tổ chức Hội thảo “Tiềm năng chuỗi giá trị hàu Việt Nam – Nhật Bản” nhằm chia sẻ và giới thiệu những nghiên cứu, phương pháp nuôi trồng và quản lý vệ sinh trong ngành nuôi hàu tại Việt Nam và Nhật Bản.
Ông Ihara Hidenori, Phó Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, cho biết từ tháng 6/2022, JICA và Công ty Yamanaka Inc (Nhật Bản) đã tiến hành khảo sát về tính khả thi của việc áp dụng công nghệ nuôi hàu sử dụng ăn sống và công nghệ quản lý vệ sinh để thúc đẩy ngành nuôi hàu tại tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam.
Đây là dự án nghiên cứu tính khả thi liên quan đến chuyển giao công nghệ nuôi hàu và xây dựng các tiêu chuẩn quản lý vệ sinh, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Thông qua dự án, Nhật Bản mong muốn lan tỏa kỹ thuật nuôi hàu có giá trị gia tăng và năng suất cao, giúp tăng thu nhập cho người dân nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam trong tương lai.
Cũng tại buổi Hội thảo, ông Shinji Takada, Chủ tịch HĐQT Công ty Yamanaka, cho biết Nhật Bản từng là quốc gia đứng đầu thế giới về ngư nghiệp, tuy nhiên những năm trở lại đây, Nhật Bản đã nhập khẩu tới hơn một nửa lượng thủy sản thực phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản để phục vụ nhu cầu xuất khẩu, một trong những sản phẩm được xuất khẩu nhiều những năm gần đây là hàu. Việc phát triển nuôi trồng hàu phục vụ nhu cầu ăn sống ngày càng phổ biến, do đó Nhật Bản mong muốn tìm kiếm các cơ hội hợp tác nâng cao năng suất và giá trị gia tăng cho nghề nuôi hàu tại Việt Nam thông qua phát triển công nghệ và nhận thức về vệ sinh thực phẩm.
Theo ông Shinji Takada, Việt Nam có nhiều lợi thế về môi trường để nuôi hàu kỹ thuật cao, tuy nhiên, hàu của Việt Nam hiếm khi được xuất khẩu và vẫn đang gặp những vấn đề như năng suất thấp, chưa có cơ sở hạ tầng nuôi hàu có khả năng chống chọi với thiên tai và có thể sản xuất hàu chất lượng cao để ăn sống. Trong khi đó, Nhật Bản có kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi hàu chất lượng cao có thể hỗ trợ Việt Nam cùng phát triển trong thời gian tới.
Đại diện Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II, ông Nguyễn Thành Luân cho biết biết những năm gần đây, chuỗi nuôi trồng hàu phát triển mạnh mẽ, một số nơi đã vượt qua quy hoạch vùng nuôi nhưng thiếu chế tài quản lý. Tuy nhiên, công nghệ nuôi thô sơ tác động xấu đến môi trường, mỹ quan, cần được cải thiện. Chuỗi nuôi hàu tại Khánh Hòa có lợi về chất lượng thịt nhưng liên kết còn lỏng lẻo.
Để khai thác tối ưu tiềm năng diện tích mặt biển và hài hòa với với các ngành khác, Việt Nam cần rà soát điều chỉnh quy hoạch vùng nuôi hàu, đồng thời đầu tư cải thiện giống, quản lý chất lượng sản phẩm; phát triển chế biến, phân phối để ngành nuôi hàu mang lại hiệu quả kinh tế cho các địa phương. Đồng thời, để áp dụng hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng nhu cầu sử dụng hàu làm thực phẩm ăn sống, xuất khẩu, cần sớm hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi hàu theo tiêu chuẩn sạch; xây dựng chuỗi liên kết từ trại giống, trại nuôi đến doanh nghiệp chế biến, nhà phân phối.
Minh Sương
Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết