Vì sao thực thi pháp luật trong ngành thủy sản còn nhiều vướng mắc?

Adv thuysan247
Muốn tăng cường thực thi chính sách pháp luật trong ngành thủy sản, cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục liên quan đến xác định vùng nuôi trồng thủy sản, cụ thể hóa các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản. Đối với đánh bắt hải sản, cần đơn giản hóa quy trình cấp giấy xác nhận, chứng nhận cho khai thác hải sản này, đồng thời số hóa các hoạt động quản lý…

Nuôi trồng thủy sản khó đáp ứng quy chuẩn về nước thải.

Muốn tăng cường thực thi chính sách pháp luật trong ngành thủy sản, cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục liên quan đến xác định vùng nuôi trồng thủy sản, cụ thể hóa các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản. Đối với đánh bắt hải sản, cần đơn giản hóa quy trình cấp giấy xác nhận, chứng nhận cho khai thác hải sản này, đồng thời số hóa các hoạt động quản lý…

thuysan247.com

Đây là những ý kiến đóng góp được nêu ra tại hội thảo “Giải pháp tăng cường thực thi chính sách pháp luật về quản lý nuôi, chế biến thủy sản và kiểm soát khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định” diễn ra ngày 23/8, tại Cần Thơ, do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

QUYẾT LIỆT GIÁM SÁT TÀU CÁ

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, lĩnh vực thủy sản đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu cả nước 8-9 tỷ USD mỗi năm. Hiện nay, các quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý nuôi trồng và khai thác thủy sản đã khá đầy đủ và hoàn thiện. Cụ thể, đã có 3 Nghị quyết của Đảng đề cập đến phát triển kinh tế thủy sản, Luật Thủy sản và 14 văn bản hướng dẫn thực thi Luật được ban hành đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho ngành thủy sản.

"Đề nghị thúc đẩy quy trình cấp giấy xác nhận, chứng nhận cho khai thác hải sản này, quá trình số hóa chúng tôi cũng mong muốn thúc đẩy nhanh hơn từ địa phương để quy trình này không bị vướng mắc. Hiện nay khi các doanh nghiệp làm thủ tục chỉ chậm một chút hay sai một chút thôi là không cấp được giấy xác nhận, chứng nhận khi mà họ có lỗi liên quan đến vị trí giữa hải trình với vị trí của họ khi khai thác”.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP.

Tuy nhiên việc thực thi pháp luật về thủy sản vẫn còn gặp phải rất nhiều vướng mắc. Đáng chú ý là vấn đề tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu. “Thời gian qua Việt Nam có nhiều nỗ lực trong việc ngăn chặn, chấm dứt tình trạng vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Công tác giám sát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển được triển khai thực hiện qua hệ thống giám sát tàu cá đã được triển khai quyết liệt”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Thứ trưởng cho biết qua hai đợt thanh tra, kiểm tra thực tế tại Việt Nam và các cuộc làm việc trực tuyến phía EC đánh giá cao sự minh bạch, nghiêm túc và nhiều tiến bộ trong chống khai thác IUU. Việt Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện bốn nhóm khuyến nghị của EC về hoàn thiện khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác và thực thi pháp luật.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông tin: Mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản đạt từ 3 – 4%/năm, tổng lượng thủy sản xuất trong nước đạt 9,8 triệu tấn, trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt trên 7 triệu tấn, sản lượng khai thác thủy sản 2,8 triệu tấn và giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14 – 16 tỷ USD, giải quyết việc làm trên 3,5 triệu lao động.

Tầm nhìn đến năm 2045, thủy sản là ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; là trung tâm chế biến thủy sản sâu, thuộc nhóm ba nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản dẫn đầu thế giới.

Theo đánh giá từ Tổng cục Thủy sản, chế biến thủy sản đã phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn 2018 – 2022, các cơ sở chế biến thủy sản công nghiệp đã áp dụng công nghệ chế biến hiện đại, hiện có hơn 800 cơ sở chế biến thủy sản được phép xuất khẩu vào các thị trường. Trong đó, gần 700 cơ sở xuất khẩu vào thị trường EU. Việc triển khai thực hiện nghiêm các quy định đã giúp thủy sản của Việt Nam được gần 200 quốc gia ưa chuộng.

QUY CHUẨN CHƯA PHÙ HỢP VỚI NGÀNH THỦY SẢN

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết xuất khẩu thủy sản của Việt Nam 7 tháng năm 2022 ghi nhận con số cao kỷ lục 6,7 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến, xuất khẩu thủy sản sẽ lần đầu tiên vượt mốc trên 10 tỷ USD trong năm nay, tăng 12 – 15% so với năm 2021.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, trong hơn 5 năm qua, VASEP và các doanh nghiệp thành viên đã có nhiều văn bản kiến nghị cũng như họp, trao đổi với đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường về các bất cập, khó khăn liên quan đến QCVN (Quy chuẩn Việt Nam) nước thải chế biến thủy sản và quy chuẩn nước thải ao nuôi thủy sản.

Đối với ao nuôi thủy sản, ông Nam cho rằng hiện tại và cả dự thảo Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) do Tổng cục Môi trường đang chủ trì xây dựng dự kiến sắp ban hành thì nước thải từ ao nuôi thủy sản tập trung đang bị đưa vào chung QCVN nước thải công nghiệp, trong khi chăn nuôi lại có quy chuẩn riêng.

"Doanh nghiệp thủy sản đang gặp thách thức lớn và chưa tìm ra được công nghệ xử lý nước thải đạt quy chuẩn. VASEP kiến nghị Bộ Tài nguyên Môi trương xem xét sửa đổi để có một Quy chuẩn nước thải riêng và phù hợp cho nuôi trồng thủy sản".

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP.

“Nhiều chỉ tiêu không phù hợp cho nuôi trồng thủy sản, là mức yêu cầu đặt ra các thách thức lớn trong xử lý nước thải nông nghiệp nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng một cách không cần thiết và giảm tính cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam”, ông Nam nhấn mạnh.

Đối với chế biến thủy sản, ông Nam nêu vấn đề: QCVN 11:2015 về nước thải chế biến thủy sản đang áp dụng với chỉ tiêu phospho là 20ppm cột B và 10ppm cột A là ngưỡng không phù hợp và rất khó để đạt khi mà phospho đầu vào hệ thống nước thải chế biến thủy sản là cao 150-250ppm. Trong khi, công nghệ xử lý tối ưu hiện tại cũng chỉ giải quyết được 80% phosphor.

Theo dự thảo quy chuẩn nước thải công nghiệp (bãi bỏ QCVN-11/2015 về nước thải chế biến thủy sản) thì quy định về ngưỡng chỉ tiêu phospho đối với nước thải chế biến thủy sản sau xử lý lại tiếp tục bị đưa xuống quá thấp (chỉ 4-6ppm, so với mức 20ppm của QCVN-11/2015) và chưa xét đến yếu tố đặc thù của ngành cũng như chưa có giải pháp công nghệ để đáp ứng đặc thù nước thải của thủy sản (phospho hữu cơ đầu vào cao).

Tại hội thảo, các đại biểu đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ ngành có liên quan, kịp thời ban hành các quy định liên quan đến phương tiện kỹ thuật, thẩm quyền, chế độ chính sách đối với lực lượng kiểm ngưQuan tâm bố trí nguồn vốn trung và dài hạn cho phát triển hậu cần nghề cá cũng như kinh phí triển khai các nhiệm vụ về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định…

Phát biểu kết luận tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp, đề xuất, từ đó báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kiến nghị đến các cơ quan có liên quan để có giải pháp giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực thi chính sách pháp luật về nuôi trồng, chế biến và khai thác thủy sản.

Chương Phượng 

Nguồn: Theo https://vneconomy.vn/
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết