Dự án Cảng cá Tư Hiền (Phú Lộc)
Các dự án (DA) đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá được triển khai từ nguồn vốn bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, triển khai trên địa bàn tỉnh đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
UBND tỉnh đề xuất Trung ương, các bộ ngành bố trí nguồn vốn kết dư để tiếp tục đầu tư một số công trình nâng cấp hạ tầng thủy sản trên địa bàn.
Cảng cá “về đích”
Từ nguồn vốn bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, trên địa bàn tỉnh đã triển khai DA xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá với tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng, do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư.
DA gồm 3 DA thành phần: Cảng cá Thuận An kết hợp khu neo đậu tránh trú bão (TP. Huế) có tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng; Cảng cá Tư Hiền kết hợp khu neo đậu tránh trú bão (Phú Lộc) có tổng mức đầu tư 148 tỷ đồng và nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão Phú Hải (Phú Vang) với tổng mức đầu tư 32 tỷ đồng.
Đến ngày 31/12/2023, đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng 2 DA Cảng cá Thuận An kết hợp khu neo đậu tránh trú bão và DA Nâng cấp khu neo đậu tránh trú bão Phú Hải. Riêng đối với DA Cảng cá Tư Hiền kết hợp khu neo đậu tránh trú bão (Phú Lộc) đã cơ bản hoàn thành, hiện nay chủ đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục về giấy phép môi trường và công bố mở cảng.
Ghi nhận của PV cho thấy, tại Cảng Cá Thuận An, các đơn vị thi công đang tiến hành hoàn thiện một số hạng mục nhỏ còn lại. Trong quá trình thi công, khi chưa bàn giao đưa vào sử dụng, một số thiết bị đã bị hư hỏng do những đối tượng bên ngoài vào trộm cắp, phá hoại, chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu thi công sớm khắc phục.
Trước đó, để đảm bảo lưu thông cho tàu cỡ lớn khi vận chuyển hàng hóa ra vào cảng và trong tình huống cần tránh trú bão, tăng tính ổn định bền vững cho công trình và bổ sung lắp đặt thiết bị khí tượng thủy văn chuyên dùng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Sở NN&PTNT đã xin chủ trương UBND tỉnh cho phép điều chỉnh DA để sử dụng nguồn kinh phí dự phòng còn lại đầu tư thêm một số hạng mục.
Theo đó, sẽ nạo vét luồng tuyến khu neo đậu, luồng tàu ra vào cảng có chiều dài 740m từ cao độ âm 2,6- 3,4m (tăng 0,8m so với thiết kế ban đầu); xây nhà để xe, khu quản lý điều hành, lát gạch khu hạ tầng kỹ thuật…Đến nay, các hạng mục bổ sung đã hoàn thành.
“Đối với DA Cảng cá Thuận An, đã hoàn thành khối lượng theo hợp đồng, tỷ lệ giải ngân vốn đạt 98%. Công trình đi vào vận hành sẽ đảm bảo quy mô để tàu cập bến và xuất bến đạt công suất tối thiểu 20.000 tấn/năm, đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật theo quy định của EU, đáp ứng nhu cầu neo đậu, tránh trú bão cho 500 tàu thuyền các loại có chiều dài từ 6m trở lên (công suất từ 45 đến 300CV), nhằm hạn chế thiệt hại về người và phương tiện đánh bắt trong mùa mưa bão, phát triển bền vững nghề cá”, ông Thái Văn Phúc, Trưởng phòng Quản lý và Xây dựng công trình Sở NN&PTNT cho biết.
Bổ sung nguồn vốn kết dư
Theo UBND tỉnh, trong thời gian qua, từ nguồn vốn bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, trên địa bàn đã đầu tư các DA xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá với tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí có hạn nên còn nhiều hạng mục đầu tư chưa hoàn chỉnh, nhiều tuyến luồng bị bồi lấp không đảm bảo cho tàu thuyền ra vào các khu vực neo đậu. Cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá còn nhiều hạn chế và cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu cá còn manh mún, nhỏ lẻ.
Trước tình hình đó, cuối năm 2023, UBND tỉnh đã có văn bản đề xuất các bộ, ngành Trung ương xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ xin bổ sung cho tỉnh khoảng 350 tỷ đồng từ nguồn kết dư khoản tiền bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh để tiếp tục đầu tư một số công trình nâng cấp hạ tầng hậu cần nghề cá trên địa bàn.
Theo đó, sẽ triển khai các DA nâng cao năng lực khai thác giao thông đường thủy khu vực của Tư Hiền, huyện Phú Lộc với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 220 tỷ đồng. Theo Sở NN&PTNT, cửa biển Tư Hiền và tuyến luồng phía trong là cửa ngõ quan trọng thứ 2 nối vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai với Biển Đông, giúp bà con ngư dân vào, ra đánh bắt thủy sản, neo đậu tránh trú bão ở khu vực Cảng cá Tư Hiền kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão và Khu neo đậu tránh trú bão kết hợp bến cá Cầu Hai, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc. Tuy nhiên, hiện nay cửa biển và tuyến luồng bị bồi lấp không thể cho các tàu có công suất lớn vào ra, các tàu lớn trên 200CV sau khi đánh bắt đều phải chạy vào Đà Nẵng để bán sản phẩm, neo đậu tránh trú khi có mưa bão.
Ngoài ra, sẽ triển khai DA Nâng cấp khu neo đậu tàu thuyền và tránh trú bão xã Phú Thuận, huyện Phú Vang với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 50 tỷ đồng và DA Nạo vét tuyến luồng, tuyến thủy đạo phục vụ tàu thuyền vào khu neo đậu và ngăn lũ bảo vệ vùng nuôi trồng thủy sản ven phá khu vực huyện Phú Vang với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 80 tỷ đồng.
Chưa được bố trí vốn
DA Phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư là 170 tỷ đồng, do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư. Theo đó, DA gồm 2 hợp phần: Thả rạn nhân tạo khoảng 3km2 và hợp phần phục hồi, tái tạo rạn san hô khoảng 4ha đến 6ha. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được bố trí vốn. Do đó, nhằm sớm triển khai thực hiện DA, UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ KH&ĐT quan tâm, sớm phân bổ kinh phí cho DA để triển khai các bước tiếp theo.
Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN
Nguồn: Theo BÁO THỪA THIÊN HUẾ Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết. BQT Thủy Sản 247 Group. Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết