Thị trường tôm toàn cầu: Chạy đua gia tăng giá trị

Adv thuysan247
Hơn một thập kỷ qua, nhiều nước không ngừng mở rộng sản xuất tôm và tăng lợi nhuận; nhưng ngày nay tất cả đang đối mặt tình trạng cung vượt cầu và lạm phát. Mở rộng diện tích nuôi và xuất khẩu ồ ạt, trong khi nhập khẩu và tiêu thụ đình trệ buộc nhiều nước phải thay đổi chiến lược sản xuất.

Theo các chuyên gia, ngành tôm của các nước châu Á phải đổi mới chiến lược để duy trì lợi thế cạnh tranh. Ảnh: Undercurrentnews

Hơn một thập kỷ qua, nhiều nước không ngừng mở rộng sản xuất tôm và tăng lợi nhuận; nhưng ngày nay tất cả đang đối mặt tình trạng cung vượt cầu và lạm phát. Mở rộng diện tích nuôi và xuất khẩu ồ ạt, trong khi nhập khẩu và tiêu thụ đình trệ buộc nhiều nước phải thay đổi chiến lược sản xuất.

thuysan247.com

Ecuador chạm giới hạn tăng trưởng

Ecuador, một trong những nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới đã liên tục tăng khối lượng xuất khẩu tôm từ năm 2010. Dù tốc độ phát triển tương đương Ấn Độ vào đầu giai đoạn này, nhưng trong vài năm qua, tốc độ tăng trưởng của ngành tôm Ecuador như vũ bão.

Nông dân Ecuador đã tăng sản lượng bằng cách sử dụng tôm post có khả năng kháng bệnh và tăng trưởng nhanh. Cùng đó, sử dụng ao ương để rút ngắn chu kỳ sản xuất, bổ sung hệ thống sục khí và máy cho ăn tự động vào ao nuôi tăng trưởng nên nâng cao mật độ thả nuôi; đồng thời phát triển các vùng nuôi mới. Sự cải tiến diễn ra song song với các diễn biến thuận lợi bên ngoài suốt một thập kỷ qua, như sự bùng phát hội chứng tôm chết sớm (EMS) tại châu Á, và nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc đối với tôm nguyên con (HOSO).

Trong khi sản lượng trung bình của tôm Ecuador hiện chỉ khoảng 6 tấn/ha/năm, các trại nuôi năng suất nhất tại Ecuador đã áp dụng toàn bộ mô hình canh tác mới và đạt sản lượng đầu ra 15 tấn/ha/năm. Các trại này đều duy trì 3 – 4 vụ nuôi mỗi năm với sản lượng 4,5 tấn/ha/vụ. Một số trang trại quy mô trung bình khó đạt được kết quả trên nhưng cũng đang nỗ lực nâng cao năng suất trung bình lên ít nhất 10 – 12 tấn/ha/năm. Xu hướng hợp nhất trong lĩnh vực nông nghiệp cũng góp phần tăng năng suất tôm Ecuador.

Ngày nay, hầu hết các ao nuôi tôm tại Ecuador có mật độ 30 – 35 PL/m2, cao hơn nhiều trang trại ở Ấn Độ. Nhưng nông dân Ấn Độ đã phải trả một giá rất đắt khi tăng mật độ thả nuôi trong các hệ thống không phù hợp và cảnh báo nông dân Ecuador cũng sẽ đi vào vết xe đổ. Vẫn chưa có thông tin thống kê cụ thể về sức tải của các ao nuôi tôm tại Ecuador, nhưng sự bùng phát tảo độc gần đây có thể là dấu hiệu cho thấy việc mở rộng sản xuất của ngành tôm nước này đang đi quá giới hạn. Các hãng xuất khẩu tôm Ecuador tham gia Hội chợ Thủy sản Bắc Mỹ vừa qua cho biết, đang gặp khó khi mất đi trợ cấp xăng dầu và đối mặt cạnh tranh gay gắt từ các nước láng giềng có chi phí lao động rẻ hơn như Venezuela.

Sức mua tôm HOSO suy yếu

Thị trường tôm toàn cầu diễn biến ra sao còn phụ thuộc vào mức độ hấp thụ của thị trường đối với sản lượng tôm tăng vọt, đặc biệt từ Ecuador. Nhiều câu hỏi đặt ra, liệu Ecuador tiếp tục phát triển thị trường tôm HOSO tại Trung Quốc và Nam Âu cũng như tiếp tục cạnh tranh ở mức độ nào trong phân khúc thị trường tôm giá trị gia tăng?

Thị trường chính của sản phẩm tôm HOSO vẫn là Trung Quốc; nhưng nhu cầu tiêu thụ tại đây giảm đáng kể trong đại dịch COVID-19. Ecuador không có nhiều thị trường khác để bán tôm HOSO trong khi khối lượng xuất khẩu tôm HLSO và tôm thịt sang Mỹ, châu Âu hay nhiều thị trường khác tăng vọt. Ngay khi nhu cầu của Trung Quốc tăng mạnh vào nửa cuối năm 2022, xuất khẩu tôm Ecuador sang Trung Quốc phục hồi trở lại; tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của nước này sang Mỹ, châu Âu lại đi xuống. Tháng 1/2023, Trung Quốc chiếm 62% tổng xuất khẩu tôm của Ecuador.

Trong khi sự phụ thuộc của Ecuador vào Trung Quốc để xuất khẩu tôm HOSO tăng trở lại và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường khác đã giảm, khối lượng xuất khẩu tôm của Ecuador không giảm. Sau tăng trưởng mạnh trong suốt COVID-19 (2020 – 2021), dù thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại vào năm 2022, xuất khẩu tôm Ecuador sang châu Âu và Mỹ vẫn tăng trưởng lần lượt 2% và 3%.

Trung Quốc chỉ phục hồi trở lại vào nửa cuối năm 2022, nếu thị trường này tiếp tục duy trì mức tiêu thụ hiện tại trong suốt năm 2023 thì Ecuador sẽ không phải tìm kiếm các thị trường khác để duy trì tăng trưởng. Tuy nhiên, sức mua của Trung Quốc cũng suy yếu khi giá tôm của Ecuador bắt đầu tăng do nhu cầu từ Mỹ và châu Âu cũng tăng từ tháng 4 trở đi. Nếu Trung Quốc dừng mua, các hãng xuất khẩu tôm Ecuador sẽ phải đẩy nhanh thâm nhập các thị trường khác và chật vật cạnh tranh với tôm Ấn Độ cùng các nguồn tôm châu Á khác.

Cuộc chiến giành thị phần

Mặc dù nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc với tôm Ecuador đang hạ nhiệt là cơ hội cho các hãng xuất khẩu khác, nhưng sự trỗi dậy của Ecuador – đối thủ cạnh tranh đáng gờm nhất trong 3 năm qua cho thấy ngành tôm của các nước châu Á phải đổi mới chiến lược để duy trì lợi thế cạnh tranh.

Gần đây ngành tôm Ấn Độ tích cực đa dạng hóa sản phẩm và hỗ trợ nông dân chuyển đổi đối tượng nuôi. Xuất khẩu tôm HLSO và tôm lột vỏ của Ấn Độ sang Mỹ bị ảnh hưởng nặng vào giai đoạn 2021 – 2022 do COVID-19. Nhưng khi nhận thấy xuất khẩu tôm HLSO và tôm lột vỏ giảm, Ấn Độ đã đẩy mạnh xuất khẩu tôm thịt chín. Sau khi đầu tư vào các nhà máy mới và chế biến tôm ăn liền trong vài năm qua, các công ty Ấn Độ như: Sandhya Aqua, Devi Fisheries, Devi Seafoods, Sandhya Marines và Choice Canning đã giành được thị phần tại thị trường tôm thịt chín của Mỹ đồng thời gây nhiều bất lợi cho tôm Việt Nam và Thái Lan. Tổng nhập khẩu tôm thịt chín của Mỹ đã tăng 6% so cùng kỳ năm ngoái lên 142.958 tấn; trong đó, xuất khẩu của Ấn Độ tăng 36% lên 56.854 tấn, tương đương thị phần 39%.

Ngoài tôm thịt chín, phân khúc thị trường tôm tẩm bột tại Mỹ cũng đang tăng trưởng. Từ năm 2021 đến 2022, khối lượng nhập khẩu tôm tẩm bột của Mỹ đã tăng 14% lên 70.000 tấn. Mặc dù, Ấn Độ còn khá mờ nhạt trong phân khúc tôm tẩm bột tại Mỹ, nhưng xuất khẩu sản phẩm này từ Ấn Độ đang tăng dần. Nekkanti Seafoods, một trong những hãng xuất khẩu thủy sản lớn nhất Ấn Độ đã mở một cơ sở mới để chế biến tôm tẩm bột vào cuối năm ngoái, trong khi đó doanh nghiệp Devi Fisheries cũng xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm giá trị gia tăng và dự kiến mở cửa vào cuối năm 2023.

Nhiều nước xuất khẩu tôm đều nhận thấy cần phải đa dạng hóa sản phẩm khi đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm tôm lột vỏ và nguyên liệu HLSO đông lạnh từ Mỹ Latinh. Thực tế là thị trường tôm thịt chín và tẩm bột tại Mỹ đang phát triển nên nhiều hãng tôm trong đó có Ấn Độ đã nhanh chóng thay đổi chiến lược sang các sản phẩm giá trị gia tăng. Nhờ lợi thế nguyên liệu rẻ hơn và chi phí lao động thấp hơn hầu hết các đối thủ châu Á khác, các hãng xuất khẩu tôm Ấn Độ có khả năng thâm nhập sâu hơn vào thị trường giá trị gia tăng.

Bên cạnh việc chuyển đổi sang sản phẩm giá trị gia tăng, các hãng xuất khẩu tôm Ấn Độ cũng khuyến khích nông dân gặp khó khăn với TTCT chuyển sang nuôi tôm sú. Dù vấp phải không ít sự phản đối và thách thức tìm kiếm thị trường cho tôm sú Ấn Độ, đây lại là một giải pháp để Ấn Độ có thể tránh phải đối đầu trực tiếp với Ecuador và thâm nhập sâu hơn vào các thị trường khác mà Ấn Độ có lợi thế cạnh tranh.

Tuấn Minh

(Theo Seafoodbusiness)

Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết