Quý I/2023 đã ghi nhận tình trạng khó khăn lớn trong sản xuất và xuất khẩu thủy sản, khi sức mua của các thị trường tiếp tục suy giảm và ảnh hưởng của lạm phát trên thế giới ngày càng chi phối rõ ràng hơn tới thị hiếu và thói quen tiêu dùng của khách hàng toàn cầu. Các doanh nghiệp trong ngành này đang tích cực tìm kiếm thị trường mới cũng như mở thêm các thị trường ngách để tồn tại.
Sự suy giảm được dự báo trước
Ngay từ cuối năm 2022, các nhà chuyên môn và các doanh nghiệp cũng đã dự báo đến việc tiêu thụ sản phẩm thủy sản trên toàn cầu sẽ gặp nhiều khó khăn trong đầu năm 2023. Ngoài yếu tố chiến tranh ở châu Âu, lạm phát tại nhiều quốc gia thì việc các nước có xu hướng tích trữ sản phẩm thủy sản để đảm bảo an ninh thực phẩm cũng như đề phòng lạm phát cũng khiến cho nhu cầu nhập khẩu thủy sản “nguội dần” trong đầu năm 2023.
Thực tế cho thấy, trong tháng 3, giá trị xuất khẩu các mặt hàng thủy sản chủ lực giảm 8 – 39%; trong đó, xuất khẩu tôm giảm 39%, cá tra giảm 23%, cá ngừ giảm 33%, mực bạch tuộc giảm 8%. Tính đến hết quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 1,85 tỷ USD, giảm 27% so quý I/2022.
Quý I/2023 xuất khẩu thủy sản sụt giảm 27% so cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 1,85 tỷ USD, giảm sâu ở tất cả các sản phẩm và thị trường chính. Ảnh: Hoàng Nhã
Do lạm phát, chiến tranh khốc liệt và ngày càng gia tăng, chi phí sản xuất, nuôi trồng thủy, hải sản trên thế giới đều bị ảnh hưởng, đời sống khó khăn. Người dân các nước siết chặt chi tiêu, chọn hàng tiêu dùng phân khúc giá rẻ. Đơn cử tại thị trường Mỹ, giá trung bình nhập khẩu thủy sản trong tháng 1/2023 đã giảm hơn 9% so cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết tháng 2/2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ chỉ đạt 155 triệu USD, giảm 55% so cùng kỳ năm ngoái. Cũng trong quý đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc và Hồng Kông chỉ đạt gần 230 triệu USD, giảm 9% so cùng kỳ năm 2022.
Cạnh tranh gay gắt
Các doanh nghiệp cho biết, đầu năm 2023 xuất khẩu tôm hồi phục chậm một phần do phải cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ, Ecuador, Indonesia… các quốc gia nuôi và xuất khẩu tôm này đều đang phục hồi sản lượng, tăng cường xuất khẩu.
Ngành tôm Ấn Độ ngoài việc tăng cường tiêu thụ tại thị trường nội địa (có thể đạt tới khoảng 30% tổng sản lượng), hiện cường quốc này cũng đang ký kết các hiệp định thương mại tự do với Vương quốc Anh. Nga cũng có xu thế “mở cửa” đối với tôm Ấn Độ khi hơn 70 nhà máy của Ấn Độ được cấp phép xuất khẩu sang Nga.
Tôm Ecuador có giá thành thấp hơn tôm Việt Nam từ 20 – 30%, đồng thời có lợi thế về chi phí vận chuyển vào Mỹ nên đang trở thành một đối thủ tiềm năng của tôm Việt Nam tại thị trường này.
Tại thị trường Nhật Bản, trong tháng 1/2023, nhập khẩu tôm của Nhật Bản đạt 158 triệu USD, giảm 10% so cùng kỳ năm 2022. Mặc dù tôm Việt Nam vẫn đang chiếm giữ vị trí số một tại đất nước mặt trời mọc, song nhập khẩu tôm Ấn Độ đang tăng đáng kể. Tính tới 15/3/2023, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 74 triệu USD, giảm 35% so cùng kỳ năm trước.
Chi phí đầu vào tăng cao
Ngành tôm trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang gánh chịu vấn nạn chi phí tăng cao, khiến lợi nhuận của người nuôi và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ngành tôm Ecuador, một cường quốc nuôi tôm giá rẻ, nhưng trong năm 2022 chi phí đầu vào tăng 24% so năm 2021 khiến quốc gia này điêu đứng (do giá lúa mì tăng 71%, đậu tương tăng 45%, dầu cá tăng 105%).
Nuôi trồng, xuất khẩu tôm Việt Nam dù giá thành giảm nhiều so với những năm trước, nhưng vẫn còn cao hơn tôm Ấn Độ và Ecuador. Việc giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới tăng cao càng dễ làm “tổn thương” tới ngành thủy sản Việt Nam.
Xuất khẩu cá tra đầu năm đều giảm mạnh tại các thị trường, trong đó thị trường Mỹ giảm 81% so với tháng 1/2022. Các doanh nghiệp ngành cá tra cũng cho biết: “So với cùng kỳ năm ngoái, giá thức ăn đã tăng gần 10%, trong khi xuất khẩu cá tra giảm khoảng 15%”.
Ngày 15/3/2023, VASEP đã gửi công văn số 24/CV-VASEP tới Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT kiến nghị điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu khô đậu tương từ mức 2% về mức 0%, giúp các doanh nghiệp trong ngành giảm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên trường quốc tế.
Tháo gỡ khó khăn
Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản và VASEP đang giải quyết các khó khăn, bất cập trong việc thực hiện cấp Giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác (Giấy S/C), yêu cầu tăng cường thực hiện việc giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng (đặc biệt đối với cá ngừ, cá cờ kiếm), đảm bảo chính xác về thành phần loài, khối lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng của tàu cá theo quy định.
Đối với các sản phẩm thủy sản chủ lực, theo bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông của VASEP thì “xuất khẩu thủy sản có thể sẽ hồi phục dần từ quý II sau khi diễn ra các chương trình hội chợ quốc tế tại Mỹ và EU thu hút thêm các bạn hàng đến với Việt Nam”. Đại diện VASEP cũng kiến nghị: “Các cơ quan quản lý giúp tháo gỡ những khó khăn bất cập trước mắt cho doanh nghiệp để ổn định nguồn nguyên liệu và đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là chính sách và triển khai lãi suất ưu đãi cho bà con nông dân, ngư dân và doanh nghiệp chế biến thủy sản”.
Nhiều doanh nghiệp cho biết hiện nay tình trạng thiếu vốn và khó tiếp cận vốn vay ngân hàng khá phổ biến, trong khi cơ cấu vốn nguyên liệu của những công ty thủy sản nhỏ và vừa chiếm tới 80%. Việc hỗ trợ kịp thời nguồn vốn cho các doanh nghiệp thủy sản sẽ góp phần sớm ổn định việc đầu tư cho sản xuất, thu mua và chế biến nguyên liệu để đẩy mạnh xuất khẩu trong quý II/2023.
Nguyễn Anh
Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết