Thách thức cuối năm

Adv thuysan247
Đà tăng trưởng khá mạnh mẽ ngành thủy sản đã bị ngắt ngang từ quý IV. Thậm chí những tháng cuối năm này doanh số xuất khẩu tôm còn có thể thấp hơn cùng kỳ năm trước.

Đà tăng trưởng khá mạnh mẽ ngành thủy sản đã bị ngắt ngang từ quý IV. Thậm chí những tháng cuối năm này doanh số xuất khẩu tôm còn có thể thấp hơn cùng kỳ năm trước.

thuysan247.com

Tình hình đã được dự báo khá sớm, và không tránh khỏi. Không ít doanh nghiệp thủy sản rơi vào tình hình là bị đối tác hoãn giao đơn hàng đã ký kết; thậm chí hủy một số đơn hàng đã thỏa thuận; chậm chạp trong việc trao đổi kế hoạch kinh doanh năm sau…

Không riêng thủy sản, nhiều doanh nghiệp lĩnh vực khác như gỗ, giày da, may mặc… cũng trong hoàn cảnh tương tự. Các doanh nghiệp này thiếu đơn hàng khá trầm trọng, dẫn đến phải cắt giảm lao động. Gần tới Tết mà bị thất nghiệp, còn nỗi xót xa nào hơn cho người mất việc bất ngờ. Hàng tiêu dùng có thể chưa mua sắm vội, nhưng thực phẩm phải cần hàng ngày, chỉ là giảm thiểu thôi, cho nên cắt giảm lao động chưa diễn ra ở các doanh nghiệp thủy sản, cũng có chút an ủi điểm này.

Cái khó cho doanh nghiệp không đơn thuần là đơn hàng, là việc làm, là thu nhập người lao động khi Tết tới. Các doanh nghiệp có nhiều vốn có thể khó khăn chỉ dừng ở đây. Các doanh nghiệp ít vốn, lệ thuộc vốn vay ngân hàng thì khó khăn gấp bội. Không giao hàng theo kế hoạch, hàng tồn kho thì lấy đâu tiền trả nợ khi tới hạn. Giải pháp không ai muốn là phải chấp nhận giảm giá, chấp nhận bán rẻ để có cái chứng minh luân chuyển dòng tiền. Nhưng đó là vòng tròn đi xuống, khó khăn tài chính sẽ tránh được chút mắc mứu trước mắt nhưng hệ quả thì không lường, khi lạm phát và cạnh tranh quốc tế chưa hẹn điểm dễ thở hơn. Lỗ lã sẽ kéo dài… Tình hình này đã diễn ra ở cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2007 - 2008, hệ quả sau đó ít năm, khá nhiều doanh nghiệp thủy sản đã bỏ cuộc chơi, thậm chí có doanh nghiệp lớn.

Đối sách bây giờ không có bài bản nào thống nhất, tùy thuộc hoàn cảnh từng doanh nghiệp. Trước mắt là tập trung trao đổi, đàm phán khách hàng tìm cách giảm thiểu khó khăn, thiệt hại và có chia sẻ cho nhau. Tiếp theo, các doanh nghiệp nên bình tĩnh xem xét điểm mạnh, yếu của mình một cách thẳng thắn. Qua đó biết cách đi sắp tới sao cho hạn chế thiệt thòi và tăng ưu thế. Thí dụ xem xét sách lược thị trường (không đối đầu thị trường có đối thủ thể hiện quá mạnh so với mình), sản phẩm (lao động mình có kỹ năng tốt nhất cho sản phẩm nào thì có chú trọng quảng bá tiêu thụ sản phẩm đó chẳng hạn dù đây là giải pháp ngắn hạn và không cơ bản) và nhất là phải tinh gọn mọi mặt từ bộ máy, dây chuyền sản xuất, các định mức tiêu hao… Có nghĩa là coi trọng giảm giá thành sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh cho mình.

Vừa qua, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản đã hết lòng tiếp sức các doanh nghiệp thủy sản như kiến nghị xem xét hạn mức tín dụng, lãi suất… Hiệp hội cũng họp lo cho con tôm thông qua thu thập các đề xuất, kiến nghị từ doanh nghiệp tôm để chuyển đến cơ quan liên quan, nhằm rút ngắn thời gian nhanh nhất làm sao người nuôi tôm cải thiện tỷ lệ nuôi thành công. Qua đó sẽ giảm giá thành tôm nuôi, góp phần tăng sức cạnh tranh cho tôm Việt Nam, để ngành tôm tiếp tục đi lên…

Dù khó khăn, cả ngành thủy sản vẫn hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2022 đã đề ra. Nhưng với tình hình chung thế giới hiện nay cho thấy sự tăng trưởng, phát triển đang diễn ra không thể nói là bền vững. Độ co giãn chịu đựng khá mỏng, cho cả con cá tra lẫn con tôm, là hai sản phẩm chủ lực chiếm trên 60% tỷ trọng xuất khẩu ngành. Đây là một bài học các bên liên quan phải nhìn nhận và có hướng xử lý cho trước mắt lẫn dài hạn, không thể chậm hơn nữa.

TS. Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam

Nguồn: Theo BÁO ĐẠI BIỂU NHÂN DÂN
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết