Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tích cực cho vay để sản xuất

Adv thuysan247
 Ngày 22/11/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Công văn 8253/NHNN-CSTT gửi các tổ chức tín dụng và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc tăng trưởng tín dụng năm 2022.

Ngày 22/11/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Công văn 8253/NHNN-CSTT gửi các tổ chức tín dụng và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc tăng trưởng tín dụng năm 2022.

thuysan247.com

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng còn hạn mức cân đối nguồn vốn, tích cực giải ngân tín dụng vào sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.

NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng còn hạn mức tăng trưởng tín dụng chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là những lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng phải đảm bảo thanh khoản ổn định, an toàn hoạt động ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

NHNN cho biết, tình hình thực hiện chi tiêu tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng cho thấy đến nay tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 11,5% so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2022 khoảng 14%. Do đó, vẫn còn dư địa để cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục tăng trưởng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Thông tin trên có thể là tia hy vọng cho các DN sản xuất kinh doanh trong đó có cộng đồng DN thủy sản trong bối cảnh đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn cả về thị trường tiêu thụ lẫn nguồn vốn để quay vòng sản xuất.

Tính tới tháng 10/2022, kim ngạch XK thủy sản của Việt Nam đạt 9,4 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù đang trên đường cán kỷ lục 10 tỷ USD nhưng XK thủy sản đang phải đối mặt với nhiều thách thức phía trước. Từ quý 4, đà tăng trưởng mạnh của XK thủy sản đã bị ngắt ngang. Kim ngạch XK các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ đều chững.

Tháng 10/2022, giá trị XK tôm Việt Nam ghi nhận giảm so với cùng kỳ năm 2021, giảm 16% đạt 360 triệu USD. Đây là tháng thứ ba, kể từ đầu năm nay, XK tôm ghi nhận giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, tháng 6 và 7, XK tôm giảm lần lượt 1% và 13%.

Đối với XK cá tra, dù kết quả luỹ kế 10 tháng đầu năm khá là tích cực, nhưng từ cuối quý 3, sang quý 4, tín hiệu sa sút của các thị trường đã phản ánh rõ trong doanh số XK cá tra. Theo đó, tháng 10, XK cá tra chỉ đạt 179 triệu USD, mức thấp nhất kể từ Tết nguyên đán và cũng tăng trưởng ít nhất kể từ đầu năm. Vẫn còn nhiều thị trường tăng NK cá tra nhưng cũng có nhiều thị trường bị sụt giảm về giá trị như: Mỹ giảm 11%, Canada giảm 3%, Colombia giảm 26%…

Đối với XK cá ngừ, sau nhiều tháng tăng trưởng tốt, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam chững lại trong tháng 10/2022. Giá trị XK trong tháng này chỉ tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021, đạt hơn 76 triệu USD, mức thấp thứ 2 kể từ đầu năm tới nay.

Lạm phát tại các thị trường tiêu thụ chính tăng cao, nhu cầu tiêu dùng thay đổi khiến đơn hàng thủy sản giảm, tỷ lệ tồn kho tăng, vòng quay vốn chậm. Trong khi đó, không chỉ các gói ưu đãi lãi suất khó tiếp cận, các ngân hàng thương mại lại cắt giảm hạn mức tín dụng khiến doanh nghiệp càng thêm khó khăn.

Từ giữa năm 2022 đến nay, nhiều chi nhánh của các ngân hàng thương mại tại các địa phương đã cắt giảm mạnh tín dụng với các doanh nghiệp thủy sản mặc dù hạn mức tín dụng của nhiều doanh nghiệp mới chỉ giải ngân được 60-80% nhưng không được giải ngân.

Điều này khiến nhiều doanh nghiệp lớn có nhu cầu vốn nhiều không đủ tiền để thu mua nguyên liệu thủy sản, vật tư cho sản xuất, doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, ảnh hưởng đến tăng trưởng và xuất khẩu của ngành.

Trong khi nhiều doanh nghiệp đang đối diện tình cảnh đói vốn thì việc tiếp cận hỗ trợ của Chính phủ như gói hỗ trợ lãi suất 2% lại không phải đơn giản. Theo Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, để nhận khoản vay hỗ trợ lãi suất, doanh nghiệp phải không có nợ xấu, có doanh thu, có lợi nhuận, có tài sản đảm bảo mới được tiếp cận.

Các giải pháp về vốn sản xuất và nâng mức tín dụng rất cần thiết với DN lúc này để có thể hoàn thành kế hoạch năm 2022 và duy trì đẩy mạnh phát triển sản xuất trong năm sau.

Nguồn: Theo vasep.com.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết