Tăng thu nhập từ phụ phẩm

Adv thuysan247
Phụ phẩm từ ngành nông nghiệp có giá trị rất lớn, nếu ứng dụng công nghệ xử lý sẽ tạo ra nhiều sản phẩm giá trị cao, giúp tăng thu nhập cho nông dân. Dư địa chế biến sâu cho ngành này còn rất lớn và cần được nhà nước, doanh nghiệp quan tâm đầu tư

Phụ phẩm từ ngành nông nghiệp có giá trị rất lớn, nếu ứng dụng công nghệ xử lý sẽ tạo ra nhiều sản phẩm giá trị cao, giúp tăng thu nhập cho nông dân. Dư địa chế biến sâu cho ngành này còn rất lớn và cần được nhà nước, doanh nghiệp quan tâm đầu tư

thuysan247.com

Báo cáo điều tra sinh khối ở Việt Nam do Ngân hàng Thế giới thực hiện và số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2020 cho thấy tổng khối lượng phụ phẩm nông nghiệp là khoảng 156,8 triệu tấn.

Nguồn tài nguyên bị bỏ quên

Trong đó, lĩnh vực trồng trọt chiếm hơn 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ các loại cây trồng và phụ phẩm sau quá trình chế biến; lĩnh vực chăn nuôi khoảng 61 triệu tấn (phân gia súc, gia cầm…); lâm nghiệp khoảng trên 5,5 triệu tấn từ mùn cưa trong quá trình chế biến và vỏ cây sau thu hoạch; lĩnh vực thủy sản khoảng trên 1 triệu tấn từ quá trình chế biến…

Những năm gần đây, nhiều công ty chế biến thủy sản đã đầu tư công nghệ vào chế biến phụ phẩm mang lại giá trị cao. Chẳng hạn, tách chiết các hợp chất sinh học cho công nghiệp mỹ phẩm, dược phẩm (tách chiết chitin, chitosan từ vỏ tôm; collagen và gelatin từ da cá tra…); làm thức ăn chăn nuôi như bột protein, dầu cá, dịch protein thủy phân, làm phân bón hữu cơ…

Việt Nam là 1 trong 5 nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới, nguồn nguyên liệu chủ yếu tập trung tại ĐBSCL. Tuy nhiên, chỉ 55%-65% con tôm được sử dụng, trong khi phụ phẩm chiếm 35%-45% trọng lượng. Phụ phẩm này chứa các chất dinh dưỡng có thể ứng dụng cho nhiều ngành: đầu và vỏ tôm chứa tới 45% protein, 22% khoáng, 17% chitin, 8% lipid… Từ đầu và vỏ tôm có thể chiết xuất được nhiều nguyên liệu cơ bản như nguyên liệu thực phẩm (dầu tôm, nước mắm tôm…), polymer sinh học (chitin, chitosan…) và nhiều chất dinh dưỡng khác (peptide, khoáng, astaxanthin…).

Chú thích ảnh

Nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm của ngành thủy sản bằng công nghệ cao thì có thể thu về 4-5 tỉ USD/năm. (Ảnh minh họa)

PGS-TS Phạm Anh Tuấn, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, đánh giá hiệu quả khai thác, xử lý phụ phẩm nông - lâm - thủy sản tại Việt Nam chưa cao. Năm 2020, ngành chế biến phụ phẩm thủy sản ở nước ta mới đạt khoảng 275 triệu USD. Nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm gần 1 triệu tấn của ngành thủy sản bằng công nghệ cao thì có thể thu về 4-5 tỉ USD…

Vài năm trở lại đây, tỉnh Bến Tre đã tận dụng tốt phụ phẩm từ ngành chế biến dừa để biến thành sản phẩm có giá trị. Đơn cử, tỉnh đã đầu tư công nghệ để biến mụn dừa thành sản phẩm đất sạch, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Việc này đã hạn chế tình trạng gây ô nhiễm môi trường, nâng giá trị hữu dụng của mụn dừa khi đã trở thành sản phẩm đất sạch (giá bán trên thị trường hiện nay khoảng 18.000 đồng/kg). Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre, sản phẩm đất sạch này không chỉ dùng trồng rau an toàn và trồng hoa kiểng, phục vụ các khu nông nghiệp công nghệ cao mà còn có thể xuất khẩu.

Bên cạnh đó, các phụ phẩm trong nông nghiệp còn có thể dùng làm điện sinh khối. Các địa phương ở ĐBSCL đã có nhiều dự án điện trấu với tổng quy mô công suất khoảng 100 MW, gồm: Tiền Giang (2 dự án), Đồng Tháp (3), Cần Thơ (3) Kiên Giang (1), Hậu Giang (1).

Chế biến thành chính phẩm

Để gia tăng hiệu quả sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp kiến nghị nhà nước cần đổi mới về cơ chế, chính sách thông qua việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu trang thiết bị và công nghệ. Từ đó, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực thu gom, đóng gói, vận chuyển, bảo quản, chế biến các phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi nhằm kết nối chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp. Mặt khác, cần nghiên cứu phát triển, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới để áp dụng hiệu quả trong lĩnh vực xử lý, chế biến phụ phẩm nông nghiệp.

GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, dẫn chứng: "Hạt nhãn, hạt vải thiều… có rất nhiều công dụng mà chúng ta chưa khai thác hết. Hai loại hạt này không chỉ làm phân bón mà còn có thể chế biến làm thức ăn cho gia súc, thậm chí làm thực phẩm chức năng… Chúng ta đang để lãng phí chúng. Việc thu gom, tái sử dụng các loại phụ phẩm trong nông nghiệp không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn giúp nông dân có cơ hội làm giàu".

Trong khi đó, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, cho rằng hầu như các doanh nghiệp ở ĐBSCL chỉ bán gạo, chưa bán các phụ phẩm như: cám, tấm, vỏ trấu ra nước ngoài. Những phụ phẩm và phế phẩm này hoàn toàn có thể chế biến sâu thành chính phẩm và bán giá cao.

"Nếu phân bổ lại lợi nhuận, tổ chức lại sản xuất sao cho giảm giá thành, đồng thời tạo điều kiện đưa khoa học kỹ thuật phục vụ chế biến sâu phụ phẩm và phế phẩm thành chính phẩm thì hoàn toàn có thể giúp người dân trồng lúa tăng thu nhập thêm gấp 3 lần hiện nay" - ông Huỳnh Văn Thòn tin tưởng.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, thời gian tới, ngành cần tập trung để khai thác được hết tiềm năng, lợi thế từ phụ phẩm nông nghiệp. Trong đó, phải xác định phụ phẩm nông nghiệp không phải là thứ bỏ đi, mà đầu ra của lĩnh vực sản xuất này sẽ là đầu vào của lĩnh vực sản xuất khác, mang lại giá trị cao hơn và tạo thành chuỗi nông nghiệp tuần hoàn.

Thùy Linh (Theo báo Người lao động)

Nguồn: Theo Theo báo Người lao động
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết