Phòng trị bệnh đốm trắng đường ruột trên cá bớp

Adv thuysan247
Nghề nuôi cá bớp đang phải đối mặt với nhiều thách thức nhất là các nguy cơ về mầm bệnh. Trong đó, đốm trắng đường ruột là một bệnh khá nguy hiểm, gây nhiều thiệt hại cho người nuôi.

Nghề nuôi cá bớp đang phải đối mặt với nhiều thách thức nhất là các nguy cơ về mầm bệnh. Trong đó, đốm trắng đường ruột là một bệnh khá nguy hiểm, gây nhiều thiệt hại cho người nuôi.

thuysan247.com

Nguyên nhân

Tác nhân gây bệnh được xác định chủ yếu là do vi khuẩn Photobacterium damselae, nhiều nghiên cứu trước đây đều chỉ ra rằng đây là một vi khuẩn có khả năng gây chết cho cá bớp rất cao. Tùy vào nguồn phân lập và độ tuổi cũng như kích cỡ của cá, có thể dẫn đến sự khác biệt về độc lực của vi khuẩn phân lập được. P. damselae là trực khuẩn, bắt  màu hồng Gram âm, màu sẫm ở 2 đầu, ở phần thân nhạt màu hơn. Khuẩn lạc phát triển trên môi trường Tryptic soya agar (TSA) có dạng tròn, viền trơn bóng, lồi, khoảng 1 – 2 mm, màu trắng đục hoặc hơi hồng.

Đặc điểm dịch tễ

Bệnh thường gặp ở cá giống khi nhiệt độ nước giảm (Liu và cộng sự, 2003). Cá bệnh có thể chết sau 5 – 10 ngày với tỷ lệ chết rất cao từ 80 – 100%, và đã gây thiệt hại về kinh tế cho nhiều hộ nuôi ở các nước như: Nhật, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ. Ở Việt Nam, bệnh phân bố ở hầu hết các vùng nuôi trên cả nước. Theo một số tài liệu, bệnh đốm trắng nội tạng xuất hiện trên cá bớp kích cỡ 0,5 – 1 kg/con được nuôi lồng tại Khánh Hòa. Bệnh xuất hiện vào mùa mưa, mùa có nhiệt độ thấp trong năm.

Hình thái của vi khuẩn Photobacterium damselae quan sát dưới kính hiển vi. Ảnh: ST

Triệu chứng

Bệnh phát hiện đầu tiên tại Đài Loan vào tháng 7/2000, với các dấu hiệu lâm sàng giống như các bệnh khác của cá bớp, bao gồm: cá biếng ăn, chậm lớn, lở loét trên da. Đồng thời, những biểu hiện đặc trưng khác trong nội tạng cũng được biểu hiện rõ khi giải phẫu cá, như: xuất hiện các nốt trắng trên gan, thận, tỳ tạng với kích thước từ  0,5 đến 2 mm, hoại tử trong nội tạng, hoại tử tập trung ở lách và thận, gây nhiễm trùng và hoại tử rộng rãi, gây chết rải rác trên cá. 

Ngoài ra, vi khuẩn gây bệnh đốm trắng trên nội tạng cá bớp còn có thể gây bệnh trên người như nhiễm trùng dẫn đến hoại tử và có thể tử vong. Do vậy người nuôi cần hết sức cẩn thận tránh để vết thương hở tiếp xúc với cá bệnh, dụng cụ giải phẫu, môi trường nước nhiễm bệnh, dụng cụ vệ sinh khu vực bệnh.

Phòng trị

Hiện, bệnh chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu, khi phát hiện bệnh cần tăng sức đề kháng cho cá và sử dụng kháng sinh để hạn chế thiệt hại. Tiến hành cách ly cá bệnh, người nuôi có thể tăng cường sức đề kháng cho cá bằng cách bổ sung Vitamin C vào thức ăn. Theo một số tài liệu, khi thực hiện phân lập P. damselae ở một số trang trại NTTS ở Italia cho thấy, các chủng P. damselae phân lập có khả năng kháng với một số loại kháng sinh bao gồm: Ampicillin, Carbenicillin, Kanamycin, Cefalothin; trong khi đó lại mẫn cảm với các loại kháng sinh gồm: Chloramphenicol, Nitrofurantoin và Tobramycin. Do đó, có thể sử dụng một số loại kháng sinh cho ăn bao gồm Doxycycline và Rifamycin tỷ lệ 1:1, liều lượng sử dụng là 25 – 30 mg/kg cá/ngày. Cho cá ăn liên tục trong 7 ngày.

Tắm cá bằng Formalin. Nồng độ Formalin là 150 – 200 ml/m3 nước.

Phòng bệnh

– Chọn vị trí neo đặt lồng bè thích hợp, tránh đặt nơi vùng nước bị ô nhiễm. Chọn cá giống khỏe mạnh, không xây xát, dị hình, bệnh tật, không thả mật độ quá dày.

– Nguồn thức ăn chính được sử dụng trong nuôi cá biển là cá vụn, cá tạp. Đây chính là nguồn lây bệnh trực tiếp cho cá và làm ô nhiễm nguồn nước do thức ăn thừa gây ra. Cần quản lý thức ăn thật tốt và không sử dụng thức ăn đã ươn, thối.

– Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường, vệ sinh lồng bè, lưu thông dòng chảy, đảm bảo lượng ôxy hòa tan. Khi môi trường thay đổi, nước biển nhớt hoặc có váng, người nuôi cần có biện pháp vệ sinh, phòng ngừa bệnh ngay.

– Định kỳ 2 tháng/lần tắm cho cá một lần bằng dung dịch thuốc tím (KMNO4) nồng độ 5 ppm trong thời gian 15 – 20 phút.

– Khi phát hiện cá bệnh, cần nuôi cách ly, xác định rõ bệnh và có biện pháp chữa trị phù hợp. Nếu cá chết phải vớt lên và xử lý tiệt trùng, không vứt ra vùng nuôi nhằm tránh lây lan bệnh.

Nguyễn Hằng

Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết