Thu hoạch tôm nuôi sử dụng chế phẩm sinh học tại tỉnh Sóc Trăng.
Ngành Thủy sản ÐBSCL những năm qua đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu nông sản của cả nước, đồng thời giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tuy nhiên, trong bối cảnh xu hướng tiêu dùng thay đổi, nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản đặt ra các yêu cầu mới: vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường… Và trong bối cảnh đó, việc ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN), đặc biệt là công nghệ 4.0 được các chuyên gia đầu ngành, nhà quản lý khẳng định là giải pháp tối ưu giải quyết các bài toán đặt ra.
Yêu cầu từ thực tiễn
Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề KH&CN trong phát triển bền vững thủy sản vùng ÐBSCL vừa diễn ra, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh những thành quả đạt được, phát triển nuôi trồng thủy sản cũng mang đến nhiều tác động tiêu cực: ô nhiễm từ thức ăn và chất thải trong quá trình nuôi trồng; mặn hóa và suy thoái đất; làm cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước ngầm; tàn phá sinh cảnh, nguồn lợi tự nhiên… Thực tế này đặt ra yêu cầu phát triển nuôi trồng thủy sản phải gắn với quản lý và bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên; không làm suy thoái môi trường; phù hợp về kỹ thuật, hiệu quả về kinh tế và được xã hội chấp nhận.
Ông Long Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Long Mạnh, tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Việc áp dụng KH&CN vào sản xuất tôm biển cho ra đời nhiều mô hình nuôi tôm tiên tiến, thâm canh, siêu thâm canh. Từ đó, đưa sản lượng tôm tăng gấp 1.000 lần so với mô hình nuôi truyền thống. Trước đây, sản lượng tôm của Bạc Liêu trung bình chỉ 200 kg/ha/năm đến hôm nay các mô hình nuôi tôm siêu thâm canh cho sản lượng lên đến 200 tấn/ha/năm. Tuy nhiên, các mô hình nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh đặt ra vấn đề phải nghiên cứu các công nghệ xử lý chất thải, đặc biệt công nghệ xử lý chất thải thành phân hữu cơ phục vụ trồng trọt; cải tiến công nghệ giám sát, quan trắc môi trường nước ao nuôi với độ bền và độ chính xác cao hơn. Bên cạnh đó, các công nghệ mới phải liên tục cập nhật để thay thế công nghệ (thiết bị) bị lạc hậu nhằm giảm nguyên, nhiên liệu và hạn chế rủi ro trong sản xuất.
Trước những yêu cầu từ thực tiễn, nhiều công nghệ mới cũng như các xu hướng phát triển thủy sản trong tương lai đã được trình bày, giới thiệu. Ðơn cử, hệ thống nuôi thủy sản tuần hoàn của AKVA với camera, hệ thống cảm biến tự động điều khiển chất lượng nước, máy cho ăn tự động sử dụng trong nuôi lồng trên biển hoặc trong đất liền; thiết bị bay không người lái cho phép quản lý các trang trại, lồng nuôi biển thông qua việc sử dụng công nghệ cảm biến; ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp phát hiện các vấn đề về nguồn nước cảnh báo người nuôi trước khi xảy ra thiệt hại, tổn thất; ứng dụng IoT thu thập dữ liệu, giám sát cá và môi trường nước, dự đoán dịch bệnh, ghi nhận các biến động theo thời gian trong hệ thống nuôi giúp điều chỉnh kịp thời, làm giảm tổn thất…
Hợp tác phát triển bền vững
Theo PGS.TS Phạm Thanh Liêm, Khoa Thủy sản, Trường Ðại học Cần Thơ, phát triển bền vững ngành Thủy sản gắn với 3 trụ cột: đảm bảo kỹ thuật, môi trường và kinh tế - xã hội. Trong đó, đảm bảo kỹ thuật cần cải tiến quy trình kỹ thuật, giảm tác động môi trường; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin và internet vạn vật (IoT) vào quá trình nuôi trồng. Về đảm bảo môi trường, người nuôi cần sử dụng hợp lý tài nguyên, giảm phát thải; bảo tồn nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh học và sinh cảnh. Ðối với đảm bảo kinh tế - xã hội liên quan đến việc giải quyết các vấn đề về thể chế, chính sách; trách nhiệm an sinh động vật…
Hướng đến phát triển bền vững ngành Thủy sản ÐBSCL trong tương lai, nhiều địa phương cũng bày tỏ nhu cầu liên kết hợp tác với các nhà khoa học, viện trường để tìm ra giải pháp, công nghệ mới ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản. Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: TP Cần Thơ đã có Kế hoạch số134/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Chương trình hợp tác giữa TP Cần Thơ và Trường Ðại học Cần Thơ giai đoạn 2020-2025; Kế hoạch số 198/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2030. Trên nền tảng này, thành phố mong muốn Trường Ðại học Cần Thơ có thể hỗ trợ thành phố ở các khâu: sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản, môi trường và quản lý dịch bệnh, công nghệ chế biến sâu… Theo đó, 2 bên có thể hợp tác, hỗ trợ nhau cùng thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu như dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống cá tra; nuôi trồng thủy sản tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ số trong quan trắc môi trường và cảnh báo dịch bệnh; sản xuất chế phẩm sinh học, chất dinh dưỡng bổ sung vào thức ăn nâng cao hiệu quả nuôi thủy sản hạn chế dịch bệnh…
Cũng liên quan đến vấn đề liên kết, hợp tác, ông Long Văn Nghĩa, nhấn mạnh: "Ðể việc ứng dụng thành tựu KH&CN vào thực tế sản xuất đạt được kết quả như mong muốn phải gắn kết giữa các nhà: nhà sản xuất, nhà khoa học và nhà quản lý. Ðây là 3 nhân tố không thể tách rời nhau và có mối quan hệ mật thiết với nhau. Bởi nếu nhà khoa học sáng chế, nghiên cứu ra công nghệ mà nhà sản xuất không mặn mà ứng dụng thì sáng chế, nghiên cứu không thể đi vào thực tiễn. Mặt khác nếu nhà sản xuất mong muốn ứng dụng KH&CN nhưng nhà quản lý không tạo điều kiện cũng như có giải pháp khuyến khích hỗ trợ thì hiệu quả ứng dụng KH&CN cũng sẽ không đạt được như kỳ vọng".
Nhiều ý kiến cho rằng, những năm qua ÐBSCL tập trung phát triển diện tích, sản lượng thủy sản. Giờ đây, với các yêu cầu đa dạng từ thị trường, các địa phương trong vùng cần đẩy mạnh phát triển công nghệ chế biến thủy sản. Bởi đây là hướng đi giúp người nuôi, doanh nghiệp chế biến tạo ra nhiều sản phẩm chế biến tinh, sâu; mang tính đặc trưng của địa phương và mang lại giá trị gia tăng cao.
Nguồn: Theo Báo Cần Thơ Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết