Ông Nguyễn Văn Tuấn đang phân loại tôm càng xanh. Ảnh: TTKNKG
Những năm gần đây nông dân trên địa bàn xã Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang đã chuyển sang nuôi kết hợp tôm sú, tôm càng xanh và cua trong cùng diện tích mặt nước đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là hộ ông Nguyễn Văn Tuấn, ấp Kinh, làng Đông.
Ông Tuấn cho biết, trước đây độc canh một đối tượng tôm sú trên diện tích 2 ha hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao, chưa đảm bảo cuộc sống gia đình. Nên từ 4 năm nay ông chuyển sang hình thức nuôi kết hợp “tôm sú – tôm càng xanh – cua” với mật độ thưa (quảng canh), giai đoạn đầu sử dụng thức ăn tự nhiên có sẵn trong ao là chính, tới giai đoạn sau mới bổ sung thức ăn. Nhờ vậy mà “tôm sú – tôm càng xanh – cua” đều lớn nhanh, ít khi xảy ra dịch bệnh.
Bình quân 2 ha mặt nước ông Tuấn thả nuôi khoảng 20.000 con tôm sú, 2.000 con cua biển và 30.000 con tôm càng xanh giống. Thức ăn cho tôm sú, càng xanh và cua biển sử dụng chủ yếu là mồi cá phi, ốc đinh, hến… Ngoài ra sử dụng men vi sinh định kỳ nhằm để tạo thức ăn tự nhiên cho tôm. Sau thời gian 3 tháng nuôi, mô hình bắt đầu thu hoạch theo hình thức thu tỉa thả bù (trung bình 1 – 2 tháng/lần thả) và thời gian thu hoạch cua kéo dài 2 – 3 tháng. Nhờ thả mật độ thưa tôm sú sau 3 tháng nuôi đạt kích cỡ 20 – 25 con/kg là thu hoạch đồng loạt bán với giá 220.000 – 250.000 đồng/kg, tổng thu từ tôm sú là trên 60 triệu đồng. Đối với cua biển, một tuần thu hoạch 1 lần và bán được 3 – 5 triệu đồng và cho thu nhập trên 40 triệu đồng. Tôm càng xanh sau hơn 6 tháng nuôi cho thu hoạch mang về thu nhập cũng được 80 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, ông Tuấn thực lãi hơn 140 triệu đồng/năm từ nguồn bán tôm sú, tôm càng, cua.
Theo Phòng NN&PTNT huyện An Biên: Nhiều năm nay, đa số bà con nuôi thủy sản kết hợp theo hình thức “tôm sú – tôm càng xanh – cua” đã đem lại hiệu quả kinh tế khá bền vững, góp phần tăng thu nhập, ổn định và phát triển kinh tế của địa phương. Hiện nay tổng chi phí sản xuất cho 1 vụ nuôi là 20 – 30 triệu đồng/ha, sau khi thu hoạch, trừ các khoản chi phí thì lợi nhuận mang lại rất khả quan từ 60 – 70 triệu đồng. Trong đó, tôm sú chiếm 40%, cua 30% và tôm càng xanh 30%.
Hiện nay, đối với hình thức nuôi này, người dân cũng đã quan tâm tìm hiểu khoa học – kỹ thuật, tăng cường quản lý vào sản xuất thực tế, áp dụng các hình thức nuôi tôm – cua sinh thái, thân thiện với môi trường; Nhờ đó, tạo ra nguồn sản phẩm sạch, có giá thương phẩm cao hơn, đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu dùng. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Biên khuyến cáo các hộ nông dân phát triển mạnh mô hình nuôi tôm sú kết hợp các loài thủy sản khác trên vùng đất tôm- lúa để đảm bảo hiệu quả bền vững, góp phần tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích.
Ngọc Diệp
Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết