Giun phổi chuột. Ảnh: wikimedia.org
Một cuộc tổng kết mới về các nghiên cứu đã kéo dài hàng thập kỷ cho thấy hơn một chục loại động vật ngoài sên và ốc sên có khả năng gây ra bệnh giun phổi chuột cho con người.
Bệnh giun phổi chuột là gì?
Angiostrongylus cantonensis (còn được gọi là giun ký sinh ở phổi chuột), là một loài giun tròn ký sinh được truyền giữa chuột và động vật thân mềm (như sên lãi hoặc ốc sên) trong vòng đời tự nhiên của nó. Con người là vật chủ tình cờ không truyền bệnh cho người khác.
Có hơn 2.800 ca bệnh đã được báo cáo trong y văn đến từ khoảng 30 quốc gia. Hầu hết các trường hợp được chẩn đoán nhiễm phải bệnh này xuất hiện ở khu vực Đông Nam Á và lưu vực Thái Bình Dương, nhưng ký sinh trùng này cũng được tìm thấy ở Úc, một số khu vực của Châu Phi, Caribe, Hawaii và Louisiana.
A.cantonensis là giun gây bệnh cho người ở hệ thần kinh trung ương, chủ yếu bị tổn thương màng não đi kèm với gia tăng bạch cầu ái toan (là những tế bào bạch cầu được sản xuất từ tuỷ. Chúng lưu lại trong máu một vài giờ rồi di chuyển đến các mô và tồn tại ở đó trong vài ngày. Khi nghi ngờ bị ung thư, thường sẽ xét nghiệm nồng độ bạch cầu ái toan trong máu để kiểm tra và chẩn đoán bệnh chính xác hơn). Các biểu hiện đặc trưng của bệnh giống viêm màng não do vi khuẩn như: Sốt, đau đầu dữ dội, kèm nôn và buồn nôn, cứng gáy, co giật, liệt nhẹ hoặc lác mắt.
Những nguy hiểm khôn lường đến từ giun phổi chuột. Ảnh: omicsgroup.org
Hawaii là nơi mối liên hệ giữa ký sinh trùng và căn bệnh này được phát hiện lần đầu tiên bởi các nhà khoa học của Đại học Hawaii và chính phủ Hoa Kỳ vào đầu những năm 1960. Động vật trong nhà, đặc biệt là chó và ngựa, cũng có thể bị nhiễm ký sinh trùng giun phổi chuột có thể chủ yếu là do vô tình hoặc cố ý ăn phải ốc hoặc sên bị nhiễm bệnh. Cuối tháng 5/2019, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ đã xác nhận ba trường hợp nhiễm giun phổi chuột tại Hawaii. Ba người này đều là công dân Mỹ, không liên quan về mặt huyết thống.
Nghiên cứu về nguồn lây và khả năng mắc bệnh
Các nhà khoa học từ Đại học Hawaii và Đại học London đã tiến hành gần 140 nghiên cứu khoa học được công bố từ năm 1962 đến năm 2022 và tìm thấy khoảng 32 loài bao gồm tôm/tép nước ngọt, tôm càng, cua, giun dẹp, cá, rắn biển, ếch, cóc, ốc sên,..có thể hoạt động như vật mang ký sinh trùng giun phổi chuột (Angiostrongylus cantonensis). Trong số này, ít nhất 13 loài tôm/tép, cua, giun dẹp, cá, ếch, cóc, thằn lằn và rết có liên quan đến việc gây bệnh giun phổi chuột ở người.
Nhà nghiên cứu cho biết, giun phổi chuột có một vòng đời phức tạp bao gồm sên và ốc sên được gọi là vật chủ "trung gian" và chuột là vật chủ "cuối cùng" trong đó giun trưởng thành và sinh sản. Chuột bị nhiễm bệnh khi chúng ăn phải ốc sên hoặc sên bị nhiễm bệnh. Mọi người cũng bị nhiễm bệnh khi ăn phải ốc sên hoặc sên bị nhiễm bệnh, điều này có thể dẫn đến bệnh tật nghiêm trọng và đôi khi tử vong.
Vòng đời phát triển bệnh giun phổi chuột. Ảnh: vncdc.gov.vn
Tuy nhiên, con người cũng có thể bị nhiễm bệnh nếu ăn phải thứ gọi là “paratenic host” , còn được gọi là vật chủ mang mầm bệnh. Đây là những động vật bị nhiễm bệnh do ăn phải ốc sên hoặc sên bị nhiễm bệnh (nguyên nhân khiến cho tỷ lệ nhiễm bệnh gia tăng). Nhưng ở những vật chủ như vậy, giun sẽ không hoạt động, nhưng vẫn lây nhiễm.
Nếu một trong những vật chủ này, hoặc một phần của chúng được dùng làm thức ăn sống cho con người, khi đó sự phát triển có thể tiếp tục nhưng chỉ đến một thời điểm. Điểm đó là khi chúng ở trong não của người, nơi chúng di chuyển xung quanh và phát triển, nhưng sau đó sẽ chết. Tình trạng tổn thương não và viêm nhiễm lớn xảy ra khi chúng chết là nguyên nhân chủ yếu gây ra các triệu chứng của bệnh giun phổi ở chuột.
Mục tiêu của nghiên cứu là thu thập tất cả thông tin về “vật chủ paratenic” và vai trò của chúng trong việc lây truyền bệnh giun phổi ở chuột và gia tăng sự hiểu biết đến với người dân toàn cầu về sự đa dạng và vai trò của chúng trong việc truyền bệnh.
Biện pháp phòng ngừa
Các triệu chứng nhiễm giun phổi chuột kéo dài từ hai tuần đến hai tháng, thời gian ủ bệnh từ một đến ba tuần. Hầu hết bệnh nhân tự khỏi nhưng cũng có trường hợp đòi hỏi phải phẫu thuật.
Để đề phòng giun phổi chuột, Sở Y tế Hawaii khuyến cáo người dân rửa sạch các loại trái cây và rau quả trước khi ăn, đặc biệt để ý những con ốc sên nhỏ bám vào rau củ quả. Ngoài ra, cần có biện pháp hạn chế chuột xung quanh khu vực sinh sống.
Nhất Linh
Nguồn: Theo https://tepbac.com/ Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết