Cá linh non đã xuất hiện ở chợ cá An Giang.
Nước nổi tràn đồng mang theo nguồn thủy sản tự nhiên dồi dào, đặc biệt là nguồn cá linh vào đồng đã giúp người dân tỉnh An Giang, Ðồng Tháp có thêm thu nhập.
Nước về muộn nhưng có nước là có cá cho nên dọc theo các cánh đồng, bờ kênh, ngư dân kéo lưới, đặt dớn, kéo vó đánh bắt cá tôm; số khác đặt lợp bắt cua ếch, người thì chèo thuyền gỗ hái cây thủy sinh tạo nên bức tranh sinh động.
Niềm vui trên các cánh đồng
Ngày 2/10, Ðài Khí tượng-thủy văn tỉnh An Giang thông tin, mực nước cao nhất tháng 10 trên sông Tiền tại Tân Châu, sông Hậu chỉ khả năng trên báo động I là mức thấp nhất. Tuy vậy, người dân vẫn mừng vì có nước là có cá. Theo quy luật tự nhiên, hằng năm, cứ tháng 7 âm lịch, mùa nước nổi hay mùa lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về châu thổ mang theo phù sa, sản vật tự nhiên. Vào mùa này, tại một số vùng người dân các huyện An Phú, Tịnh Biên, Châu Phú, Tri Tôn, Phú Tân và thị xã Tân Châu không làm lúa mà mở đồng đón phù sa. Nhà nông và đồng ruộng nghỉ ngơi cho đến cuối tháng 10 âm lịch, nước rút đi để lại lớp đất màu mỡ, cỏ dại bị tiêu diệt, giúp vụ sau giảm tiền phân bón, thuốc phun xịt cỏ.
Nước ngập các cánh đồng kéo theo tôm cá vào trú ẩn sinh sôi, cây thủy sinh như bông súng, điên điển mọc nhiều giúp người dân có thêm thu nhập. Ðặc biệt, nguồn lợi thủy sản dồi dào là cá linh, với 1kg cá linh non trong đầu mùa có thể có giá hơn 100.000 đồng. Ðến tháng 11, cá linh lớn bằng ngón tay cái từ đồng bơi trở ra sông, ngư dân đua nhau đánh bắt bán cho các chợ cá, các cơ sở thu mua để ủ cá linh chế biến nước mắm hay chế biến cá linh đóng hộp. Vì thế, nhiều năm nay, hàng nghìn người đã có thu nhập ổn định từ nguồn lợi cá linh, gặp con nước đẹp họ có thể bắt nhiều cá tôm và tích lũy thêm vài chục triệu đồng. Ngược lại, năm nào nước không về, sẽ có nhiều người bị ảnh hưởng, như năm nay người nghèo đã lo lắng mất mùa cá tôm, thế rồi, đến ngày 12 tháng 8 âm lịch bất ngờ lũ tràn về.
Về những cánh đồng ấp Phú Hiệp, xã Phú Hữu, huyện An Phú, chúng tôi bắt gặp ông Nguyễn Văn Sị chèo thuyền gỗ đến các đụn cây, đám lục bình bắt ếch đồng. Ông Sị nói, ếch sống trong lục bình hay những đụn cây thường là ếch to cho nên giá cao. Ngư dân Phạm Văn Hận sống bằng nghề kéo đáy thì chia sẻ, một ngày kéo đáy có khi bắt được vài tấn cá linh và các loài cá khác. Cá linh mùa này to hơn ngón tay út, giá 1kg từ 20.000 đồng trở lên, ngày nào may mắn bắt được vài tấn cá linh là kiếm được vài chục triệu đồng.
Cánh đồng xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên là một trong “rốn cá” của vùng Tứ giác Long Xuyên đang vào mùa khai thác cá tự nhiên. Ngư dân Phạm Văn Quân cho biết, lúc trước, những tháng này anh sống bằng nghề kéo vó bắt cá trên đồng Nhơn Hưng nhưng năm nay nước ngập chưa sâu, chưa đặt vó được, vậy là anh chuyển qua kéo lưới. Quân cho biết, thả lưới lúc này bắt được nhiều cá mè vinh, cá linh, cá lóc…, năm nay lượng cá đồng không nhiều như trước nhưng bù lại giá cá cao, ngư dân sống tốt.
Chúng tôi ra chợ Cây Mít thuộc xã Nhơn Hưng là chợ cá linh lớn nhất nhì miền tây thì đã thấy cảnh bán mua sôi động. Bà Nguyễn Thị Hằng, sống bằng nghề mua bán cá tại chợ này cho biết, mấy tuần trước cá linh ít, các bạn hàng tranh nhau mua với giá cao, còn bây giờ nguồn cá nhiều, 1kg cá linh thu vào từ 20.000 đến 33.000 đồng, giảm vài nghìn đồng so với trước đó.
Lo sinh kế mùa nước nổi
Lũ về, chợ Tha La là chợ cá đồng, cá sông lớn nhất trong mùa nước nổi cũng nhộn nhịp theo. Năm nào cá ít thì chợ vắng tanh. Chợ Tha La thuộc xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Ðốc còn gọi là chợ âm phủ vì hoạt động về đêm, tầm 3 giờ cho đến gần 6 giờ cùng ngày là tan chợ. Giữa bóng đêm, ngư dân và bạn hàng rọi đèn pin xem cá, tôm, cua trả giá, nhiều nhất vẫn là cá linh. Từ đây, cá đồng và cá sông được phân bổ đến các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Ðêm ở chợ Tha La, chúng tôi gặp ngư dân tên Quang đang bán mớ cá lóc, cá linh, cá mè vinh. Anh Quang nói, ban đêm người ngủ là lúc cá đi kiếm mồi, do vậy ngư dân dầm sương đêm thả lưới. Lúc này có cá linh, cá đồng, thả lưới là có cá nhưng trong niềm vui, ngư dân như anh lo ngại khi biến đổi khí hậu bất thường kéo theo tôm cá ngày càng ít. Ông Nguyễn Văn Ba, sống bằng nghề đánh bắt cá tại thành phố Long Xuyên cho biết thêm, ngày xưa cứ ba năm lũ nhỏ là liền sau đó lớn nhưng từ năm 2012 trở lại thì quy luật này không còn nữa. Cá tôm tự nhiên giảm đã ảnh hưởng đến sinh kế của người nghèo. Ông Ba lo ngại, nếu các năm sau cũng cứ như thế, những người nghèo sẽ ngày càng khó khăn hơn.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Trang, ngụ xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú cho biết, những năm trước, mùa này hai vợ chồng đánh bắt cá nhưng rồi nguồn thủy sản tự nhiên sụt giảm. Vì thế từ năm 2020, vợ chồng chị thuê hai công đất để trồng cây điên điển. Chị Trang cho biết, hái bông điên điển bán mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng, hai vợ chồng chị đỡ phải lo toan cái ăn cái mặc.
Ðể tìm ra các mô hình sinh kế giúp người dân ứng phó biến đổi khí hậu, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Khánh Hòa đã vận động hội viên, phụ nữ thành lập mô hình “Tổ phụ nữ trồng bông điên điển” với 25 thành viên. Cây điên điển là cây đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long trong mùa nước nổi, là cây trồng tự nhiên, sạch, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giá 1kg bông điên điển lúc cao điểm dao động từ 40.000-50.000 đồng, hạt giống 200.000 đồng/kg nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Việc trồng cây điên điển lấy bông không chỉ giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn, mà còn là mô hình kinh tế hiệu quả, giúp nông dân tăng thu nhập.
Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang thông tin, trước tình hình lũ ngày càng bất thường ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, Sở đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động thích ứng tình hình hiện nay. Trong đó, tiểu dự án tăng cường khả năng thích ứng và quản lý nước cho vùng thượng nguồn sông Cửu Long tại huyện An Phú đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả cho nông dân đầu nguồn và các mô hình này trong thời gian tới có khả năng nhân rộng sang các huyện khác.
Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang đang thực hiện mô hình đặt vèo nuôi cá kết hợp với khai thác thủy sản với diện tích 57ha tại xã Phú Hữu và Vĩnh Hậu của huyện An Phú. Do cá tự nhiên ít, mô hình giúp dẫn dụ nhiều cá tự nhiên đến, vừa thu nhập từ nguồn cá nuôi vừa thu nhập từ cá tự nhiên, giúp nông dân tăng thêm thu nhập từ 3 triệu đến 5 triệu đồng/ha. Ngoài ra còn có mô hình trồng lúa mùa nổi kết hợp nuôi khai thác thủy sản với diện tích 37ha tại xã Phú Hữu. Như vậy, nông dân sẽ có thu nhập từ lúa, từ cá nuôi và cá đồng tự nhiên…
THANH DŨNG
Nguồn: Theo https://nhandan.vn/ Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết