Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngành thủy sản hiện nằm trong top 3 sau Trung Quốc và Na Uy về xuất khẩu (XK) trên thế giới. Trong 7 tháng đầu năm, ngành thủy sản Việt Nam đã ghi nhận mức hồi phục nhanh kỷ lục lần đầu tiên trong 20 năm qua là XK được 6,7 tỷ USD, tăng 35%
Trong đó, cá tra – mặt hàng chủ lực của ngành đang chi phối 95% nguồn cá thịt trắng toàn cầu, tăng đến 80% trong 7 tháng qua. Năm nay, dự báo lần đầu tiên ngành thủy sản Việt Nam sẽ vượt mốc XK trên 10 tỷ USD và sẽ tăng khoảng 12-15% so với năm 2021. Trong đó sản phẩm nuôi trồng là cá tra và tôm sẽ chiếm khoảng 65%, các sản phẩm khai thác biển chiếm khoảng 35% còn lại.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Mặc dù dự báo XK thủy sản vẫn khá lạc quan, nhưng nhìn lại 7 tháng đầu năm và bối cảnh hiện nay, thì các DN Việt Nam vẫn đang chịu tác động, hệ lụy của dịch COVID -19, các chuỗi cung ứng quốc tế đứt gãy trong giai đoạn trước đến nay chưa khôi phục hoàn toàn. Đặc biệt, lạm phát tăng cao đã làm giảm sức mua tại các thị trường đang tiêu thụ sản phẩm thủy sản của Việt Nam. Trong khi đó, hàng loạt chi phí “đầu vào” để nuôi trồng, sản xuất, chế biến thủy sản tăng mạnh như: Giá nhiên liệu tăng, công nhân tăng, chi phí bao bì, hóa chất tăng, đặc biệt giá thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 20%, trong khi giá thành thức ăn chăn nuôi của cá tra, tôm chiếm 65-70%… dẫn đến giá thành sản phẩm tăng theo. Bên cạnh đó, chi phí vận tải biển tăng trong 2 năm qua và hiện nay vẫn đang giữ ở mức cao. Bờ Tây Mỹ hiện đang ở mức 400 triệu đồng cho một container, đến châu Âu cũng tăng đến 4 lần từ 10.000 - 12.000USD. Điều này chi phối rất nhiều, đặc biệt với ngành đông lạnh của hàng thủy sản Việt Nam XK. Đó là những vấn đề khiến DN lo ngại vì nguy cơ giảm khả năng cạnh tranh tại thị trường XK.
Trước những khó khăn đó, để hỗ trợ DN cũng như để phát triển bền vững ngành thủy sản, Hiệp hội VASEP kiến nghị Thủ tướng, các bộ ngành quan tâm có biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn cho DN trong việc giảm chi phí, đặc biệt giá thức ăn chăn nuôi. Còn về tín dụng đang siết lại từ đầu tháng 8, trong khi lạm phát tăng cao khiến các thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản của Việt Nam giảm sức mua, nhiều nhà nhập khẩu cho biết không nhận đơn hàng từ nay đến tháng 10. Điều đó khiến DN XK thủy sản sẽ tồn kho, không có tiền để trả ngay cho ngân hàng, mà khoản vay cũ chưa trả thì các ngân hàng sẽ không cho vay khoản mới, dẫn đến DN không thu mua được cá, tôm của nông dân.
Cũng theo VASEP, một vấn đề nữa đó là thách thức trong chi phí tuân thủ xử lý môi trường, một trong ba trụ cột để phát triển bền vững. Hiện, ngành thủy sản có hai khâu quan trọng nhất là chăn nuôi và chế biến đều bị ách tắc bởi các quy chuẩn về môi trường. Xu hướng của chúng ta là phát triển bền vững, bị vướng quy chuẩn môi trường liên quan đến nước thải đầu ra không nằm trong quy chuẩn chăn nuôi mà nằm trong quy chuẩn khác, rất nhiều chỉ tiêu không phù hợp với nuôi tôm, cá, như quy chuẩn xử lý phốt pho hữu cơ trong chế biến thủy sản đông lạnh. Vì vậy, rất mong Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét có quy chuẩn riêng.
T. Hà
Nguồn: Theo https://cand.com.vn/ Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết