Khánh Hòa: Chủ động ứng phó với thời tiết bất lợi

Adv thuysan247
Theo dự báo, thời tiết trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa từ nay đến cuối năm có nhiều bất lợi cho thủy sản nuôi. Vì vậy, Chi cục Thủy sản khuyến cáo, người nuôi thủy sản cần chủ động ứng phó để giảm nhẹ thiệt hại.

Ảnh: ST

Theo dự báo, thời tiết trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa từ nay đến cuối năm có nhiều bất lợi cho thủy sản nuôi. Vì vậy, Chi cục Thủy sản khuyến cáo, người nuôi thủy sản cần chủ động ứng phó để giảm nhẹ thiệt hại.

thuysan247.com

Thời điểm giao mùa, ban ngày thời tiết nắng nóng, chiều và tối có mưa giông khiến cho nguồn nước phân tầng nhiệt, lượng ôxy hòa tan trong nước thấp… dẫn đến các đối tượng nuôi bị thiệt hại. Tại huyện Vạn Ninh có 772 ha ao đìa đang nuôi tôm, ốc hương và 34.209 lồng nuôi tôm hùm, cá biển, mỗi khi thời tiết thay đổi, người nuôi thủy sản nơi đây đều rất lo lắng. 

Tại vùng nuôi thủy sản Trí Nguyên, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang, có 119 lồng nuôi cá biển, tôm hùm, tháng 7 vừa qua, do ảnh hưởng của mưa lớn, môi trường thiếu ôxy cục bộ đã thiệt hại từ 5 – 10% số lượng nuôi, với hơn 2.320 con cá biển, hơn 1.000 con tôm hùm bị chết. Sau đó, người nuôi thủy sản phải chạy máy sục khí thì tình hình mới tạm ổn định trở lại.

Ngoài ra, trong tháng 7, các vùng nuôi khác như: Vạn Ninh, Cam Ranh cũng ghi nhận thủy sản nuôi bị chết do ảnh hưởng của thay đổi thời tiết. Đồng thời, trên địa bàn tỉnh có 16 ha ao đìa nuôi thủy sản của người dân cũng bị mất trắng. 

Từ nay đến cuối năm, dự báo sẽ xuất hiện nhiều hình thái thiên tai như: mưa giông, bão, lũ, thời tiết thay đổi cực đoan… gây bất lợi cho nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, Chi cục Thủy sản đã có công văn đề nghị các địa phương trong tỉnh triển khai đến người nuôi trồng thủy sản một số giải pháp quản lý đối tượng nuôi trong thời điểm thời tiết giao mùa, chủ động ứng phó với mưa lũ.

Theo đó, Chi cục Thủy sản Khánh Hòa khuyến cáo:

Trước mưa lũ

Người nuôi thủy sản cần liên tục cập nhật, theo dõi diễn biến thời tiết, tiến hành thu hoạch thủy sản đạt kích cỡ thương phẩm; chuẩn bị đầy đủ nguyên, nhiên, vật liệu và máy móc, trang thiết bị phục vụ cho việc phòng, chống mưa lũ. 

Đối với các hộ nuôi thủy sản trong ao, đìa, cần nạo vét kênh mương, đặt ống xả tràn, phát quang cành cây quanh bờ ao; gia cố bờ ao, đầm, các công trình phụ trợ tại cơ sở đảm bảo an toàn khi mưa bão. 

Đối với các hộ nuôi thủy sản lồng bè, cần tu sửa và gia cố lại hệ thống phao nổi, dây neo, cọc cố định lồng, vệ sinh lồng bè thông thoáng; có phương án di dời lồng bè vào khu vực kín gió, an toàn, có dòng chảy phù hợp khi cần thiết; trường hợp không di chuyển được lồng bè cần che chắn mặt lồng, bè bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp để hạn chế thủy sản nuôi thoát ra ngoài. Bên cạnh đó, có phương án sơ tán lao động trên lồng bè về nơi trú ẩn an toàn để đảm bảo không có thiệt hại về người khi xảy ra thiên tai.

Sau mưa lũ

Người nuôi trồng thủy sản trong ao đìa cần chú ý xả bớt nước trên tầng mặt để giảm lượng nước mưa trong ao; tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh có mật độ cao. 

Với hộ nuôi thủy sản lồng bè, cần kiểm tra, xử lý các yếu tố môi trường nước đảm bảo trong giới hạn cho phép; di chuyển lồng bè đến vùng nuôi có chất lượng nước đảm bảo an toàn. Người nuôi cần thường xuyên theo dõi sức khỏe của thủy sản nuôi để có giải pháp xử lý kịp thời; bổ sung Vitamin C hoặc chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi. 

Trường hợp thủy sản nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc bị chết, người nuôi cần báo cáo cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương để được hướng dẫn tiêu độc, khử trùng và xử lý nước; tuyệt đối không di chuyển lồng bè từ vùng nuôi có thủy sản bị bệnh sang vùng nuôi chưa xuất hiện bệnh nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh…

An Nhiên

Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết