Quản lý sức khỏe tôm hùm trong giai đoạn giống

Adv thuysan247
Để có tôm hùm giống chất lượng mang lại năng suất nuôi và tỷ lệ sống cao, phát triển tốt, thì khâu kỹ thuật chăm sóc sức khỏe ban đầu là vô cùng quan trọng.

Để có tôm hùm giống chất lượng mang lại năng suất nuôi và tỷ lệ sống cao, phát triển tốt, thì khâu kỹ thuật chăm sóc sức khỏe ban đầu là vô cùng quan trọng.

thuysan247.com

Chọn con giống

Nên chọn mua tại địa phương nhằm tránh sự khác biệt về điều kiện, môi trường sống, thời gian vận chuyển xa làm ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm hùm.

Khi lựa chọn tôm hùm giống phải chọn những con có hình dáng cân đối, không bị dị tật, đầy đủ các phần phụ, không bị trầy xước, màu mắt tươi sáng tự nhiên, di chuyển linh hoạt, không mang mầm bệnh.

Nên chọn giống có kích cỡ đồng đều để có thể xuất bán tôm hùm thương phẩm cùng một lúc, tránh thả tôm có nhiều kích cỡ vào một lồng nuôi gây khó khăn cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng.

Tôm hùm giống cần phải có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan có thẩm quyền cấp. Tôm giống phải khỏe mạnh, cùng kích cỡ, cùng loài. Giống được đánh bắt một cách tự nhiên (phương pháp lặn, bằng bẫy) không qua việc sử dụng thuốc nổ hay bất kỳ một loại hóa chất gây mê nào khác.

Ðối với tôm trắng có thể thả mật độ 50 – 60 con/m2. Sau 60 ngày nên san thưa tôm ra với mật độ khoảng còn 15 – 20 con/m2. Sau 90 – 100 ngày nên san thưa với mật độ 12 – 15 con/m2. Và chú ý phân nuôi theo cỡ tôm.

Vận chuyển tôm giống: Để đảm bảo tỷ lệ tôm hùm giống sống cao người nuôi nên sử dụng phương pháp vận chuyển bằng thùng xốp có sục khí bằng máy thổi ôxy là tốt nhất. Tại các lồng nuôi tiến hành thuần nhiệt độ cho đến khi gần bằng với nhiệt độ môi trường nuôi bằng cách cho từ từ nước từ môi trường nuôi vào dụng cụ chứa tôm sau 30 – 60 phút cho tôm hồi phục sức khỏe hoàn toàn ta mới thả tôm ra.

Chăm sóc

Tại giai đoạn 1 – 2 tháng đầu tôm giống có kích thước nhỏ nên sử dụng lồng có kích thước nhỏ sau đó san ra lồng nuôi có kích thước lớn hơn. Lồng nuôi có kích thước (3x3x2) m; (3x2x2) m, chiều cao cọc lồng phụ thuộc vào độ sâu tại nơi đặt lồng, tốt nhất nên đặt tại nơi có độ sâu 1,5 – 2 m đối với kiểu lồng hở. Trang bị xung quanh là lưới mắt dày để tôm giống không bơi ra khỏi lồng nuôi. Đối với kiểu lồng kín kích thước lồng có thể (0,7×0,8×1,2) m; (1x1x1,2) m; (1,5×1,5×1,2) m; (2 x2x1,2) m;

Nên xây dựng lồng nuôi tại nơi kín gió, có độ sâu phù hợp, nguồn nước nuôi không bị ô nhiễm bởi các hóa chất độc hại. Tôm hùm giống rất nhạy cảm với sự biến động của môi trường và thích nghi nhiệt độ không cao nên ương tôm hùm trong mùa gió bấc nhằm tránh gây sốc nhiệt cho tôm và đạt tỷ lệ sống cao. Thời điểm tốt nhất nên thả từ tháng 1 – 3 hàng năm.

Thức ăn và cho ăn

Tôm hùm là loại tạp ăn, thức ăn chủ yếu là cá tạp, cua, ghẹ, cầu gai, ruốc, hàu… nên băm nhỏ lượng thức ăn để cho phù hợp với khả năng bắt mồi của tôm. Do thức ăn chủ yếu là thức ăn tươi nên cho tôm ăn 2 lần/ngày sáng và chiều tối là tốt nhất. Số lượng thức ăn hàng ngày từ 15 – 20% trong lượng đàn tôm (khoảng 5 – 7 g/100 con tôm mới thả nuôi.

Giảm 50 – 70% lượng thức ăn cho tôm hùm trong những ngày thời tiết bất thường để hạn chế dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường.

Hằng ngày lặn kiểm tra lồng, kiểm tra tình trạng tôm, kiểm tra lượng thức ăn thừa hay thiếu để từ đó có hướng giải quyết kịp thời.

Phòng bệnh và an toàn sinh học

Tôm hùm ương trong lồng ở biển, mặc dù cho tốc độ sinh trưởng cao nhưng đối mặt với rủi ro lớn về lây lan mầm bệnh, cũng như các tác động bất lợi khác của môi trường. Để phòng bệnh, cần phải đặt an toàn sinh học lên mức cao nhất trong các khâu kỹ thuật quan trọng: lựa chọn vị trí, thiết kế lồng ương, mật độ lồng ương ở vùng ương giống; tuyển chọn tôm hùm giống; chuẩn bị thức ăn.

Ở tôm hùm, việc kích thích sự miễn dịch bẩm sinh hay không đặc hiệu là một công cụ tiềm năng rất tốt trong việc phòng bệnh. Một số chất kích thích miễn dịch được sử dụng ở tôm hùm: Vitamin C, Chitin, Chitosan, β-Glucan, MOS, rong câu Gracilaria tenuistipitata.

Ðịnh kỳ 7 – 10 ngày vệ sinh lồng nuôi một lần đảm bảo môi trường sạch sẽ thông thoáng.

Chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, chuyên môn của địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo môi trường; phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm môi trường nước ảnh hưởng đến vùng nuôi. Đặc biệt, khi phát hiện tôm nuôi có dấu hiệu bất thường cần hướng dẫn biện pháp xử lý khắc phục kịp thời. Không di chuyển lồng bè từ vùng nuôi có tôm bệnh sang vùng nuôi khác. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, theo dõi sức khỏe tôm nuôi, kiểm tra sự phân tầng nước tại vùng nuôi để kịp thời điều chỉnh chế độ chăm sóc, quản lý phù hợp.

Phương Đông

Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết