Chống khai thác IUU: Trước đợt 'sát hạch' quan trọng cuối cùng

Đối tác truyền thông thủy sản 247
Sau 6 năm kể từ khi thủy sản Việt Nam bị áp cảnh báo 'thẻ vàng' của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Việt Nam đã đạt được những tiến bộ, được EC ghi nhận và đánh giá cao.

Bình Thuận là một trong những tỉnh có số lượng tàu “3 không” nhiều nhất nước.

Sau 6 năm kể từ khi thủy sản Việt Nam bị áp cảnh báo 'thẻ vàng' của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Việt Nam đã đạt được những tiến bộ, được EC ghi nhận và đánh giá cao.

thuysan247.com

 Tuy nhiên, vẫn còn 4 khuyến nghị mà 28 tỉnh, thành có biển phải hoàn thành trước kỳ 'sát hạch' quan trọng vào tháng 10 tới.

Đó là hoàn thiện khung pháp lý; tăng cường quản lý tàu cá; kiểm soát việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác và xử lý tàu cá vi phạm ở vùng biển nước ngoài. Ngoài nội dung đầu tiên đã hoàn thành, các địa phương đang tăng tốc, chạy đua bởi không thể xóa “thẻ vàng” dịp này, Việt Nam sẽ phải chờ khoảng 3 năm nữa để đón đoàn kiểm tra tiếp theo.

Bài 1: Giám sát đội tàu từ bờ ra biển lớn

Tại các cuộc họp Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh diễn ra từ đầu năm đến nay, việc làm thế nào để giám sát đội tàu chặt chẽ, luôn được lãnh đạo tỉnh, các thành viên ban chỉ đạo, sở, ngành liên quan bàn luận sôi nổi. Đây cũng là 1 trong 4 khuyến nghị mà EC cảnh báo trong đợt Thanh tra lần 4. Nếu không giám sát được đội tàu, thì làm sao có thể giám sát con người và sản lượng khai thác?

Tuyên chiến với tàu “3 không”

Là một trong những tỉnh có số lượng tàu “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm và không giấy phép khai thác thủy sản) nhiều nhất nước với hơn 2.500 chiếc, đã gây khó khăn trực tiếp cho việc kiểm soát, xử lý vi phạm trong khai thác thủy sản. Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực, Bình Thuận là tỉnh đã tiên phong hoàn thành việc đăng ký tạm thời số lượng lớn tàu “3 không” và đang thực hiện đăng ký chính thức theo Thông tư 06/2024/TT-BNNPTNT (Thông tư 06) của Bộ Nông nghiệp và PTNT. “Chủ tịch UBND các huyện, thị sẽ chịu trách nhiệm nếu tiếp tục để phát sinh tàu cá “3 không” sau ngày 6/5 và yêu cầu cả hệ thống chính trị dồn lực tập trung đợt cao điểm để hoàn thành thực hiện đăng ký tàu “3 không” trước 15/9. Đó là những chỉ đạo quyết liệt của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải tại các cuộc họp Ban chỉ đạo chống khai thác (IUU) của tỉnh diễn ra liên tục những tháng gần đây.

Từ năm 2023, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố tổ chức rà soát, thống kê, báo cáo số lượng tàu cá trên địa bàn. Tuy nhiên, sau mỗi lần rà soát, số tàu cá không đăng ký, không đăng kiểm lại phát sinh thêm tại các địa phương, liên tục biến động, gây khó khăn trong việc quản lý, giám sát hoạt động tàu cá, cũng như ảnh hưởng lớn đến những nỗ lực của tỉnh trong thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU.

Sau rà soát, toàn tỉnh có 2.531 tàu "3 không".

Sau rà soát, toàn tỉnh có 2.531 tàu "3 không".

Giải thích nguyên nhân, ông Huỳnh Quang Huy – Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, chủ yếu là do người dân rời địa phương đi làm ăn xa, khai thác hải sản ngoài tỉnh trong thời gian dài nên khai báo không kịp thời; việc mua bán, tặng cho, không sang tên đổi chủ. Cũng có nhiều trường hợp một số cơ sở đóng tàu, cải hoán không có giấy phép kinh doanh, không có đủ điều kiện hoạt động, lén lút đóng mới, mua tàu từ ngoài tỉnh về cải hoán để trực tiếp đi đánh bắt hoặc bán lại cho người khác. Do đó, các tàu cá này không đầy đủ giấy tờ để kê khai trước bạ theo quy định và không đáp ứng đầy đủ thành phần hồ sơ đăng ký tàu cá theo Thông tư 06.

“Chủ tịch UBND các huyện, thị sẽ chịu trách nhiệm nếu tiếp tục để phát sinh tàu cá “3 không” sau ngày 6/5"

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải

Từ thực tế nêu trên, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Thủy sản gửi danh sách tàu cá “3 không” đã công bố đến UBND cấp huyện, UBND cấp xã có tàu cá để theo dõi, quản lý. Đồng thời, tổ chức thực hiện đăng ký cho tàu cá đóng mới, cải hoán, mua bán, tặng cho chưa đăng ký trên địa bàn tỉnh, cập nhật đầy đủ dữ liệu tàu cá trên cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNFishbase, hoàn thành chậm nhất trước ngày 15/9. Vì thế, hơn 2 tháng nay, Chi cục Thủy sản đã thành lập tổ công tác xuống địa bàn cơ sở phối hợp với các địa phương hỗ trợ ngư dân giải quyết các vướng mắc, vận động ngư dân thực hiện các thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép thủy sản theo đúng quy định. Song song với việc rà soát, hỗ trợ ngư dân hoàn thành việc đăng ký, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận cũng giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các Đồn/Trạm kiểm soát biên phòng cửa biển kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến; xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá “3 không” phát sinh do đóng mới, mua bán trái pháp luật.

Kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến; xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá “3 không” phát sinh do đóng mới, mua bán trái pháp luật.

Kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến; xử lý nghiêm các trường hợp tàu cá “3 không” phát sinh do đóng mới, mua bán trái pháp luật.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, với sự chỉ đạo quyết liệt từ lãnh đạo tỉnh, công tác thực hiện đăng ký, đăng kiểm cho tàu cá theo Thông tư 06 cơ bản theo kịp tiến độ đề ra. Đến nay, đã cấp đăng ký tạm được 2.499/2.531 tàu cá “3 không” (đạt 98,7%) và số tàu cá theo Thông tư 06 làm thủ tục hồ sơ để đăng ký lại đã đạt hơn 60% tổng số tàu cá đã công bố.

Như vậy, đến ngày 15/9/2024, hơn 2.500 tàu cá “3 không” trên địa bàn tỉnh sẽ có hồ sơ hợp pháp để quản lý, góp phần giúp cho địa phương giải quyết một trong những trở ngại lớn trong việc khắc phục IUU và con đường gỡ “thẻ vàng” sẽ bớt gập ghềnh.

“Điểm danh” đội tàu nguy cơ cao

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU mới đây, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu tỉnh Bình Thuận trong 2 tuần phải lập danh sách những tàu cá có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài và có phương án quản lý chặt đội tàu này. Nếu sau đó, 1 trong những tàu nằm trong danh sách này vi phạm vùng biển nước ngoài, thì lãnh đạo UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm.

Đội đánh đánh bắt xa bờ của tỉnh.

Đội đánh đánh bắt xa bờ của tỉnh.

Từ chỉ đạo đó cũng như rút kinh nghiệm từ những vụ việc tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài trước đây, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo rà soát, lên danh sách và có giải pháp cụ thể quản lý nhóm tàu này. Với đội tàu hùng hậu hơn 8.450 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên, trong đó, có khoảng 1.400 tàu cá thường xuyên hoạt động tại các vùng biển xa (khu vực Trường Sa, ĐK1, vùng biển giáp ranh các nước), rất khó cho địa phương quản lý, vì vậy tiềm ẩn nguy cơ cao vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Sau khi rà soát, sàng lọc, UBND tỉnh phân loại thành 6 nhóm tàu có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài. Qua đó đã xác định 173 tàu cá có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài (nhiều nhất là Phú Quý 85 chiếc, thị xã La Gi 48 chiếc, Phan Thiết 18 chiếc, Tuy Phong 13 chiếc…). Rà thêm lớp nữa, có 86 tàu cá thuộc diện theo dõi, giám sát đặc biệt (Tuy Phong 12 chiếc; Phan Thiết 13 chiếc; Hàm Thuận Nam 2 chiếc; thị xã La Gi 22 chiếc; Hàm Tân 1 chiếc; Phú Quý 36 chiếc). Thông qua hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS), nhóm tàu này sẽ được theo dõi sát sao, tuy nhiên một thực trạng hiện nay là tàu cá mất kết nối VMS vẫn còn nhiều và việc xử phạt còn rất hạn chế.

Toàn tỉnh có 86 tàu cá thuộc diện theo dõi, giám sát đặc biệt.

Toàn tỉnh có 86 tàu cá thuộc diện theo dõi, giám sát đặc biệt.

Theo Chi cục Thủy sản, từ đầu năm đến nay, đã phát hiện 1 lượt/1 tàu cá vượt ranh giới trên biển (đã quay lại vùng biển Việt Nam). Ngoài ra, toàn tỉnh có 5.338 lượt/619 tàu mất kết nối trên biển trên 6 giờ không thông báo về bờ, nhưng chỉ mới xử phạt 1 trường hợp; 113 lượt/113 tàu cá mất kết nối trên biển trên 10 ngày, nhưng mới xử phạt 14 trường hợp. Giải thích nguyên nhân chưa thể xử lý những tàu mất kết nối VMS theo cơ chế “phạt nguội”, ông Lê Thanh Bình – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết, hiện nay giữa các nghị định đang bị chồng chéo, chưa có hướng dẫn cụ thể, do đó các địa phương lúng túng và chưa có cơ sở để “phạt nguội” các tàu cá vi phạm thông qua hệ thống giám sát. Bên cạnh chất lượng của nhiều thiết bị VMS không đảm bảo, việc bảo dưỡng, sửa chữa chưa kịp thời, thì việc xác định do thiết bị hay do người sử dụng thiết bị khi gặp sự cố cũng gặp nhiều khó khăn.

Lực lượng chức năng kiểm tra hành chính tàu cá đang hoạt động.

Lực lượng chức năng kiểm tra hành chính tàu cá đang hoạt động.

Về vần đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải yêu cầu Sở Nông nghiệp phối hợp Biên phòng, Sở Tư pháp và các ngành liên quan để đánh giá việc xử lý, xử phạt theo cơ chế “phạt nguội” có đảm bảo điều kiện đúng pháp luật không, nếu có cần triển khai nghiêm túc. Đặc biệt, những tàu cá mất kết nối VMS, Trung tâm giám sát tàu cá cần có kết luận rõ ràng cho từng vụ việc, nguyên nhân vi phạm để xử lý triệt để, tránh tình trạng đổ thừa cho nhà mạng, mất sóng, hết cước…

MINH VÂN, ẢNH: N. LÂN

Nguồn: Theo BÁO BÌNH THUẬN
Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết.
BQT Thủy Sản 247 Group.
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết