Gần đây, giá con tôm nguyên liệu sụt giảm sâu lại bị dịch bệnh thiệt hại nặng; trong khi đó giá thức ăn thủy sản ở mức cao, nhiều người nuôi tại tỉnh Tiền Giang và Bến Tre thua lỗ.
Khoảng 3 tháng nay, giá tôm nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và Bến Tre bị giảm sâu. Hiện tại giá tôm thẻ chân trắng nuôi công nghệ cao loại 30 con/kg dao động từ 120.000 - 122.000 đồng/kg; loại 25 con/kg 130.000 - 132.000 đồng/kg; loại 20 con/kg 155.000 - 160.000 đồng/kg, loại 50-70 con /kg, giá bán khoảng 90.000 đồng/kg, giảm khoảng 30% so với 3 tháng trước. Riêng tôm sú cỡ 40 con/kg giá khoảng 120.000 - 130.000 đ/kg; cỡ 30 con/kg giá khoảng 165.000 - 170.000 đ/kg, giảm nhiều so với trước đây.
Mô hình nuôi tôm thẻ công nghệ cao tại tỉnh Tiền Giang
Tại tỉnh Bến Tre, nhiều ao nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình công nghệ cao còn bị nhiễm bệnh đường ruột trắng không thể điều trị nên dẫn đến thiệt hại lớn. Nếu như trước đây, người nuôi tôm có thể có lợi nhuận từ 50.000-70.000/kg, hiện nay mỗi kg tôm chỉ có thể lãi từ 20.000-40.000 đồng. Tuy nhiên do giá thức ăn ở mức cao lại bị dịch bệnh nên nhiều mô hình bị thua lỗ nặng, nhất là các mô hình nuôi tôm công nghiệp thì rủi ro lại càng cao.
Con tôm công nghệ cao đạt năng suất, chất lượng nhưng giá vẫn bị sụt giảm kéo dài
Ông Lê Văn Sấm chủ trang trại 45 ha nuôi tôm công nghệ cao tại xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre cho biết: "Nuôi tôm năm nay gặp khó khăn nhiều, giá quá thấp, vụ này bị dịch bệnh nhiều, đa số bị đường ruột trắng do nhiễm EHP, gây thua lỗ. Đầu ra thì các nhà máy khi thu mua đủ đơn hàng lại đè giá xuống. Bên cạnh đó là ảnh hưởng tình hình thế giới; còn phía trong nước các nhà máy mở vùng nguyên liệu quá nhiều, khi trúng vụ thì mua hạn chế ngoài dân. Bây giờ mô hình còn bấp bênh, tôi cũng thả nuôi cầm chừng".
Giá sụt giảm lại bị nhiễm bệnh đã ảnh hưởng đến mô hình nuôi tôm thương phẩm của người dân
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Bến Tre đến nay, tỉnh đã phát triển được hơn 3.430 ha tôm công nghệ cao, đạt 85,76% kế hoạch. Đến cuối năm nay địa phương có kế hoạch phát triển 500 ha và phấn đấu phát triển đạt 4.000 ha vào cuối năm 2025.
Riêng tại tỉnh Tiền Giang có khoảng 300 ha ao tôm nuôi theo mô hình công nghệ cao, chiếm khoảng 15% diện tích nuôi tôm thâm canh toàn tỉnh, tập trung nhiều ở huyện cù lao Tân Phú Đông, huyện Gò Công Đông. Do vốn đầu tư, chi phí nuôi ở mức cao, giá cả lại không ổn định đã ảnh hưởng đến sự phát triển mô hình thủy sản này.
Nhật Trường/VOV-ĐBSCL
Nguồn: Theo BÁO VOV Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết. BQT Thủy Sản 247 Group. Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết