Từ cuối năm 2022 đến nay, xuất khẩu cá tra đã liên tục tạo ra những kỳ tích cả về giá trị lẫn thị trường. Dự báo trong thời gian tới, mặt hàng này tiếp tục sẽ có những bước phát triển mới. Thế nhưng, trái với khí thế mạnh trong xuất khẩu, tình hình nuôi cá tra trong nước khá ảm đạm, thậm chí diện tích có xu hướng bị thu hẹp.
Lợi nhuận đang dần hao mòn
Hồi đầu năm, tại ĐBSCL, giá cá tra được thu mua ở mức cao, từ 28.500 – 30.000 đồng/kg, tăng hơn 5.000 đồng/kg so với thời điểm trước Tết Nguyên đán, người nuôi đã có lãi khá. Nguyên nhân là do nhu cầu xuất khẩu lớn cộng với việc dịch COVID-19 kéo dài khiến nhiều hoạt động sản xuất bị đình trệ, cá tra không thu hoạch được, phải nuôi lưu trong ao, ảnh hưởng lớn tới việc thả giống vụ mới nên sản lượng không nhiều đã kích giá bán cá nguyên liệu tăng cao. Hơn nữa, thời điểm này, giá thức ăn tăng cao, giá thu mua cá tra giảm sâu và kéo dài khiến nhiều người dân có phần e ngại với cá tra mà chuyển sang đối tượng nuôi khác hoặc chủ động giảm diện tích và sản lượng.
Thị trường xuất khẩu cá tra cuối năm được dự báo vẫn rất sáng. Ảnh: ST
Đến giữa tháng 7, giá cá tra vẫn duy trì ở mức cao. Tại An Giang, giá cá tra được các thương lái thu mua 27.000 – 29.000 đồng/kg, cao hơn 7.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, lại thấp hơn so với thời điểm cao nhất từ đầu năm đến nay (khoảng 30.000 – 32.000 đồng/kg), khiến người nuôi lại thêm bất an bởi lợi nhuận đã không còn là bao. Lý do được đưa ra là bởi giá thức ăn tăng liên tục, chưa kể các loại vật tư đầu vào khác cũng tăng cao khiến giá thành bị đội lên rất nhiều. Đây là mấu chốt khiến nhiều người dân giữ nguyên hoặc thu hẹp quy mô nuôi, dù giá cá tra đang đứng ở mức cao so với mọi năm.
Giá thành sản xuất cá tra đang “tiến tới” vị trí ngang giá bán đã khiến sản xuất cá tra trở nên bấp bênh. Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho rằng mức giá bán hiện nay làm một số hộ nuôi không mạnh dạn tái sản xuất. Cũng theo ông Quốc, mức giá cá tra như hiện nay đang làm khó cho các hộ nuôi và doanh nghiệp mặc dù tín hiệu xuất khẩu vẫn rất tốt.
Hệ lụy kéo theo là giá cá tra giống tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang giảm thêm 1.000 – 4.000 đồng/kg, ở mức 26.000 – 28.000 đồng/kg (loại 30 – 35 con/kg); đây là mức thấp nhất trong khoảng 5 tháng qua. Một phần nguyên nhân giá cá tra giống giảm là do nguồn cung tăng lên, nhưng chủ yếu là do nhu cầu cá giống giảm vì người dân tại nhiều nơi không dám mở rộng diện tích nuôi thương phẩm.
Xuất khẩu có bị ảnh hưởng?
Theo VASEP, lạm phát thế giới tăng cao và chiến sự Nga – Ukraine kéo dài mở ra cơ hội rất lớn cho cá tra trong năm 2022. Việc nhiều nhà hàng ở châu Âu phải bỏ cá tuyết ra khỏi thực đơn đã tạo lợi thế cho cá tra Việt Nam nhanh chóng nắm bắt cơ hội tiến sâu vào thị trường này và chiếm lĩnh thị phần. Cụ thể, xuất khẩu cá tra sang Anh nửa đầu năm nay tăng gấp 6 lần cùng kỳ năm trước, còn xuất khẩu sang Tây Ban Nha tăng gần 3 lần…
Tính chung, 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra của cả nước đạt trên 1,4 tỷ USD, tăng 83% so cùng kỳ năm ngoái và chiếm 1/4 tổng doanh số xuất khẩu thủy sản. Riêng trong tháng 6/2022, xuất khẩu cá tra đạt gần 220 triệu USD, tăng 54% so cùng kỳ.
Cũng theo dự báo, cá tra Việt Nam vẫn còn rất nhiều lợi thế tại các thị trường trong thời gian tới, điều quan trọng là các doanh nghiệp phải nhanh chóng nắm bắt và tận dụng cơ hội. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm mà nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra Việt Nam băn khoăn bởi vấn đề nguyên liệu cho các đơn hàng cuối năm, nhất là khi đơn hàng tăng nhưng diện tích thả nuôi gần như không tăng.
Trả lời về vấn đề này, ông Dương Nghĩa Quốc nhấn mạnh không quá lo lắng vì phần lớn các hộ nuôi cá tra thương phẩm đều đã tham gia vào chuỗi. Trong đó, các doanh nghiệp sẽ đi từ khâu thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu. Theo ông Quốc, quan trọng nhất là thị trường xuất khẩu ổn định.
Chia sẻ thêm về điều này, một chuyên gia cho rằng việc thiếu hụt nguồn cung tốt hơn rất nhiều so với việc dư thừa. Khó khăn này cũng chỉ là tạm thời, về lâu dài, doanh nghiệp phải nỗ lực phát triển chuỗi giá trị một cách bền vững.
Bởi theo chuyên gia Võ Hùng Dũng, xuất khẩu nửa đầu năm năm mạnh chủ yếu do tồn kho lớn từ năm trước chứ không dựa vào tăng sản lượng nuôi. Như vậy, sức bền của chuỗi cung ứng, sức bền của ngành hết sức quan trọng. Chính sách của nhà nước phải làm sao hỗ trợ cho doanh nghiệp, người nuôi duy trì ổn định sản xuất.
Đánh giá về thị trường những tháng cuối năm 2022, Tổng cục Thủy sản cho biết, giá lương thực ở EU sẽ tăng cao, đây sẽ là cơ hội tốt để doanh nghiệp cá tra trở lại thị trường này. Bên cạnh đó, xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn có khả năng tăng trưởng tốt. Nhu cầu tiêu thụ gia tăng và ổn định, do đó, có thể duy trì mức thu mua cá nguyên liệu ở mức hiện tại.
Tuy nhiên, hiện nay, Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL vẫn khuyến cáo người dân thận trọng, không ào ạt mở rộng diện tích cá tra, nhất là những khu vực ngoài quy hoạch, tránh tình trạng cung vượt cầu. Cùng đó, do chi phí đầu vào tăng mạnh đã kéo chi phí giá thành nuôi tăng nên doanh nghiệp và người nuôi cần nhanh chóng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm giảm giá thành, giảm hao hụt, tăng chất lượng để nâng cao sức cạnh tranh của cá tra Việt Nam…
>>Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Thủy sản, 6 tháng đầu năm 2022, diện tích thả nuôi cá tra đạt 3.105 ha, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng thu hoạch đạt 771.430 tấn, tăng 6% cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 1,4 tỷ USD, tăng 83% so với cùng kỳ năm 2021. Dự báo xuất khẩu cả năm có thể đạt trên 2,5 – 2,6 tỷ USD.
Phan Thảo
Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết