Triển vọng nuôi ốc móng tay chúa

Adv thuysan247
Ốc móng tay chúa là một loại thủy sản có giá trị cao, giàu giá trị dinh dưỡng, tuy nhiên sản lượng ngày càng cạn kiệt do chỉ được đánh bắt từ tự nhiên chứ chưa có hình thức nuôi trồng. Xuất phát từ các nhu cầu thực tiễn, Viện Nghiên cứu NTTS II đã xây dựng quy trình sản xuất giống và thử nghiệm nuôi thương phẩm ốc móng tay chúa, tạo cơ sở ban đầu cho việc phát triển nghề nuôi loài thủy sản có giá trị này.

Ốc móng tay chúa là một loại thủy sản có giá trị cao, giàu giá trị dinh dưỡng, tuy nhiên sản lượng ngày càng cạn kiệt do chỉ được đánh bắt từ tự nhiên chứ chưa có hình thức nuôi trồng. Xuất phát từ các nhu cầu thực tiễn, Viện Nghiên cứu NTTS II đã xây dựng quy trình sản xuất giống và thử nghiệm nuôi thương phẩm ốc móng tay chúa, tạo cơ sở ban đầu cho việc phát triển nghề nuôi loài thủy sản có giá trị này.

thuysan247.com

Đặc điểm sinh học

Ốc móng tay chúa hay còn gọi là ngao móng tay chúa, là một loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ, phân bố chủ yếu ở vùng biển nhiệt đới, có nền đáy bãi triều là bùn mịn hoặc bùn cát giàu chất hữu cơ. Đây lại là loại ăn lọc, thức ăn là sinh vật phù du và mùn bã hữu cơ nên có tác dụng làm sạch môi trường sinh thái biển.

Thịt ốc móng tay thơm ngon có giá trị dinh dưỡng (lượng protein cao, cùng các axit amin, omega3, omega6, sắt…), có giá trị kinh tế cao (giá bán 450.000 – 550.000 đồng/kg) nên có nguy cơ bị khai thác triệt để.

Ở Việt Nam, ốc móng tay chúa tự nhiên phân bố chủ yếu ở những nơi ít chịu ảnh hưởng của sóng gió, rừng ngập mặn nơi có nguồn nước ngọt chảy vào từ Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Giờ đến Cà Mau. Hiện, móng tay chúa chủ yếu được đánh bắt tự nhiên, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường và đang dần bị suy giảm nhanh chóng. Do đó, nhóm tác giả ở Viện Nghiên cứu NTTS II đã tiến hành đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất giống và thử nghiệm nuôi thương phẩm móng tay chúa”.

Nghiên cứu

Ốc móng tay chúa bố mẹ từ tự nhiên, được nhóm tác giả thu thập ở các vùng biển Cần Giờ, Tiền Giang. Sau đó, lựa chọn những con khỏe mạnh, nuôi trong bể nhựa composite để kích thích sinh sản và ương nuôi giống.

Cụ thể, ốc móng tay chúa được kích thích sinh sản bằng phương pháp sốc nhiệt (ốc móng tay chúa bố mẹ được đặt trong bể có nước lạnh hơn 100C so với bể nuôi thông thường và sục khí mạnh trong 45 phút). Sau khi ốc móng tay chúa phóng trứng và tinh trùng, thu trứng vào bể riêng để làm các thí nghiệm tiếp theo (ấp nở, ương nuôi ấu trùng, giống). Điều kiện trong giai đoạn này với các chỉ tiêu độ mặn nước biển 28 – 32‰, pH 7,8 – 8, ôxy hòa tan trong nước (DO) 4 – 6 mg/l, thức ăn là tảo khô.

Khi ốc móng tay chúa có kích thước từ 2,5 – 4 cm, được thử nghiệm nuôi thương phẩm tại bãi triều. Sau 12 tháng nuôi cho chiều dài trung bình khoảng 11 cm, trọng lượng 50 g (kích thước ốc móng tay chúa tự nhiên khoảng 10 – 15 cm, trọng lượng từ 70 – 150 g/con trưởng thành).

Dựa trên kết quả các thử nghiệm nuôi ốc móng tay chúa trên bãi triều, nhóm tác giả đã xây dựng quy trình nuôi thương phẩm với các chỉ tiêu như độ mặn nước biển từ 20 – 25‰, pH 7,5 – 8, DO >4 mg/l; chất đáy là lớp cát xốp dày, ít bùn; mật độ nuôi 10 con/m2.

Nước trong ao nuôi phải lưu thông tốt, ít tù đọng, không bị ảnh hưởng của nguồn nước ngọt vào mùa mưa lũ, không chịu ảnh hưởng của nguồn thải công nghiệp, sinh hoạt, bến cảng, phương tiện vận tải thủy. Địa điểm nuôi cũng cần chú ý đến nguồn thức ăn tự nhiên, nơi có thành phần thực vật phù du phong phú, đa dạng, giàu chất hữu cơ lơ lửng. Bãi nuôi thích hợp thường nằm gần cửa biển nhỏ, có lưu lượng nước vừa phải.

Triển vọng

Theo ThS Nguyễn Quốc Thể, Viện Nghiên cứu NTTS II, việc nghiên cứu và sản xuất thành công giống và nuôi thương phẩm móng tay không những tăng thêm đối tượng nuôi, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, mà còn góp phần vào việc tái tạo, bảo tồn nguồn lợi tự nhiên, giảm áp lực khai thác và duy trì hệ sinh thái biển ven bờ theo hướng bền vững.

Ốc móng tay có tính ưu việt cao hơn hẳn so với các đối tượng thủy sản khác như sản xuất giống có chi phí thấp; nuôi thương phẩm không tốn chi phí thức ăn, lợi nhuận kinh tế cao. Kết quả đề tài sẽ tạo ra một nghề nuôi mới, giúp đa dạng đối tượng nuôi, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Ngoài ra, có thể tận dụng các trại sản xuất giống tôm đã đóng cửa do thua lỗ để sản xuất giống nhân tạo móng tay dày. Đồng thời, góp phần phục hồi nguồn lợi thủy sản, cải thiện chất lượng môi trường nuôi.

Đề tài đã được Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh nghiệm thu, mở ra hướng mới cho ngành NTTS ở Cần Giờ. Tuy nhiên, theo nhóm tác giả, cần tiếp tục nghiên cứu điều kiện sống ngoài tự nhiên để hoàn thiện các điều kiện nuôi, thức ăn bổ sung cho móng tay chúa.

 Hoàng Yến

Tổng hợp

Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết