Thành tựu nghiên cứu nuôi thủy sản

Adv thuysan247
Ngày 30/6/2022, tại TP Cần Thơ đã diễn ra tọa đàm “Khoa học và Công nghệ trong phát triển bền vững thủy sản vùng ĐBSCL” với nhiều điểm trực tuyến trong cả nước. Thông tin tại đây cho thấy một số thành tựu mới về nghiên cứu nuôi trồng của Viện Nghiên cứu Nuôi Trồng Thủy sản II (RIA 2) và Trường Đại học Cần Thơ.

Kiến trúc hệ thống IoT giám sát tự động thông số chất lượng nước NTTS. Nguồn: IOIT

Ngày 30/6/2022, tại TP Cần Thơ đã diễn ra tọa đàm “Khoa học và Công nghệ trong phát triển bền vững thủy sản vùng ĐBSCL” với nhiều điểm trực tuyến trong cả nước. Thông tin tại đây cho thấy một số thành tựu mới về nghiên cứu nuôi trồng của Viện Nghiên cứu Nuôi Trồng Thủy sản II (RIA 2) và Trường Đại học Cần Thơ.

thuysan247.com

Phát triển công nghệ nuôi thủy sản

RIA 2 kết hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang nghiên cứu phát triển quy trình ương cá tra trong hệ thống tuần hoàn nâng cao tỷ lệ sống và chất lượng con giống. Ương trong hệ thống tuần hoàn hai giai đoạn, từ cá bột lên cá hương và từ cá hương lên cá giống. Thức ăn kết hợp giữa Artemia và Moina trong 15 ngày đầu, tiếp đó đến ngày 31 thức ăn công nghiệp 100%. Tỷ lệ sống đạt ≥30%, tỷ lệ phân đàn thấp, cá sạch bệnh.

Đề tài “Hoàn thiện quy trình công nghệ ương cá tra” được RIA 2 thực hiện trong bể xi măng tại Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ. Ương ở mật độ cao (5.000 con/m3), cho ăn Artemia 2 ngày đầu. Tỷ lệ sống giai đoạn ương từ cá bột lên cá hương (21 ngày) đạt ≥30%. Độ đồng đều của cá >70%. Cá không nhiễm ký sinh trùng, không nhiễm vi khuẩn gây bệnh gan thận mủ và xuất huyết.

Các nghiên cứu về: Quy trình công nghệ nuôi tôm phòng bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp (AHPND); Quy trình công nghệ nuôi tôm sử dụng kháng sinh hợp lý trong phòng trị bệnh hoại tử gan tụy cấp; Ứng dụng hệ thống quan trắc môi trường tự động, giảm chi phí đầu tư và nâng cao hiệu quả công tác quản lý ao nuôi cũng đạt nhiều kết quả tốt.

Thời gian qua RIA 2 còn chú trọng nghiên cứu dinh dưỡng và thức ăn. Các đề tài nghiên cứu và dự án sản xuất thử nghiệm phát triển thức ăn cho cá tra, tôm càng xanh và tôm sú nuôi thương phẩm có kết quả tốt. Xưởng thức ăn tại huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) đã sản xuất thức ăn tôm với công suất 500 kg/giờ, thức ăn cá 1.000 kg/giờ.

Đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất β-glucan kích thước phân tử lượng lớn bổ sung trong thức ăn nuôi TTCT” đã xây dựng được quy trình sản xuất β-glucan từ bã men bia, kích thước phân tử 1.000 – 5.000 kDa ở quy mô pilot. Thức ăn TTCT chứa β-glucan ở quy mô nuôi công nghiệp tại Bạc Liêu đã có hiệu quả nâng cao tăng trưởng và tổng sản lượng của tôm.

Đề tài “Nghiên cứu chế biến bã sữa đậu nành lên men làm nguyên liệu để sản xuất thức ăn nuôi cá tra và cá rô phi”. Kết quả bổ sung 142,5 g/kg (thay thế một phần bột cá) trong công thức làm thức ăn cho cá tra, sau 2,5 tháng nuôi thử nghiệm cá có khối lượng cao hơn 12 g/con so với đối chứng. Việc bổ sung bã sữa đậu nành lên men không làm ảnh hưởng đến hình thái ruột và gan của cá nuôi thử nghiệm.

Ứng dụng công nghệ và công nghệ thông tin

Khoa Thủy sản của Trường Đại học Cần Thơ đã tập trung nghiên cứu Giải pháp giám sát nồng độ Nitrite (NO2) chi phí thấp phục vụ nuôi thủy sản. Nồng độ nitrite (NO2) trong nước là một thông số quan trọng suốt quá trình nuôi tôm, cá. Thông thường, cảm biến đo nitrite sử dụng tia UV cho kết quả chính xác cao, tuy nhiên, giá thành đắt với trên 5.000 USD/cảm biến.

Các nhà khoa học ở Trường Đại học Cần Thơ đã nghiên cứu Giải pháp giám sát nồng độ nitrite trong ao nuôi thủy sản tự động dựa trên nguyên lý so màu sử dụng thuốc thử. Thiết bị được thiết kế nhỏ gọn để có thể cơ động trong quá trình sử dụng. Nồng độ đo đạc: 0 ~ 5 mg/L. Độ chính xác đo đạc đáp ứng được yêu cầu của việc nuôi thủy sản.

Thiết bị giám sát chất lượng nước được lắp đặt sử dụng thực tế. Ảnh: TB

Nghiên cứu Hệ thống thu thập và giám sát các thông số môi trường ao tôm. Kết quả, tự động thu thập và giám sát các thông số nhiệt độ, độ mặn, pH, DO, NO2, NH3, H2S, một hệ thống dùng chung cho 10 ao. Dữ liệu được đưa lên internet, có thể xem mọi lúc mọi nơi và cảnh báo khi vượt ngưỡng.

Máy cho ăn bằng khí động học kết hợp IoT là một kết quả đáng chú ý: Tự động cho ăn theo chu kỳ được cài đặt của người dùng. Có khả năng định lượng thức ăn trên mỗi lần cho ăn. Cài đặt và quản lý máy từ xa thông qua smartphone.

Hệ thống lọc nước tuần hoàn trong ao nuôi tôm có khả năng loại bỏ chất rắn hữu cơ lơ lửng trong nước. Có cơ chế vệ sinh tự động, lưu lượng lọc ước tính là 1,5 m3/h (mô hình thử nghiệm) và 150 m3/h (sản phẩm thực tế).

Trường Đại học Cần Thơ còn thành công trong Nghiên cứu tổng hợp Hydroxyapatite (HA) từ xương heo. Ứng dụng hấp phụ các ion nitrate, phosphate, ion kim loại nặng của HA trong nước thải và nước ao nuôi tôm.

Các thành tựu khoa học và công nghệ thủy sản của Trường Đại học Cần Thơ trong thời gian qua đã và đang góp phần quan trọng vào sự phát triển thủy sản ĐBSCL.

>> Trường Đại học Cần Thơ đang chủ trì thực hiện Dự án “Xây dựng tổ, nhóm đổi mới sáng tạo trong nuôi thủy sản ở ĐBSCL” – MAIC thuộc Chương trình “Dự án Nông nghiệp và thực phẩm” do Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO) Australia tài trợ trong khuôn khổ Chương trình đổi mới sáng tạo hợp tác giữa Bộ Ngoại Giao và Đầu tư (Australia) và Bộ Khoa học và Công nghệ (Việt Nam). Mô hình liên kết giữa CSIRO – Trường Đại học Cần Thơ là mô hình tiên tiến, đem lại hiệu quả cho các bên liên quan và đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ cộng đồng. Đây chính là cầu nối quan trọng để thực hiện phát triển thủy sản bền vững ở ĐBSCL.

Sáu Nghệ

Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết