Những vấn đề cần lưu ý khi ương vèo tôm

Adv thuysan247
Vèo giống là công đoạn quan trọng giúp người nuôi tôm tăng tỷ lệ thành công trong mỗi vụ mùa. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả người nuôi cũng cần lưu ý các kỹ thuật trong quá trình vèo từ hệ thống ương đến dinh dưỡng cho tôm giống.

Vèo giống là công đoạn quan trọng giúp người nuôi tôm tăng tỷ lệ thành công trong mỗi vụ mùa. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả người nuôi cũng cần lưu ý các kỹ thuật trong quá trình vèo từ hệ thống ương đến dinh dưỡng cho tôm giống.

thuysan247.com

Về hệ thống ương nuôi

Hệ thống ương nuôi phải hoàn chỉnh (ao ương, ao nuôi thịt, hệ thống nhà kín, nhà lưới, hệ thống ao xử lý, nước cấp…) và cơ sở vật chất kỹ thuật phải được trang bị đầy đủ (có hệ thống điện 3 pha và máy phát điện dự phòng, hệ thống quạt, ôxy đáy, hệ thống xiphong…).

Thiết kế ao ương: Sử dụng ao nhỏ từ 100 – 200 m2 có mái che, mực nước 60 – 100 cm, có hệ thống cấp ôxy đầy đủ và đúng tiêu chuẩn. Đặt vị trí trên cao, gần chỗ ở của công nhân để dễ dàng chăm sóc và quản lý, nếu gần ao nuôi để xả xuống ao được bằng van là tốt nhất. Ao ương dạng ao nổi, lót bạt hình tròn, có quán tính và độ ly tâm cao nên gom xả thải nhanh, hiệu quả.

Khu nuôi cũng được bảo vệ nghiêm ngặt chống sự xâm nhập của vật nuôi hay địch hại như chuột, rắn… Đối với các ao vèo, ngoài hệ thống quạt nước cần lắp đặt thêm hệ thống ôxy đáy. Ao vèo hay bể cần có hệ thống mái che bằng lưới cản nắng mưa để hạn chế ảnh hưởng của thời tiết trong thời gian ương nuôi, hạn chế được sự phát triển của tảo… Cùng đó, đáy ao nên được trải bạt hoàn toàn, để hạn chế ảnh hưởng của xì phèn, pH thấp, mầm bệnh…

Cơ sở vật chất

Lưới dùng làm vèo có độ thưa chỉ từ 0,3 – 0,5 mm. Chiều cao của vèo dao động 1 – 1,2 m. Khi tiến hành cắm vèo, nên cắm dọc theo các mương nơi có độ sâu nhở hơn 1,4 m, thông thoáng để có hàm lượng ôxy hòa tan cao. Bề ngang vèo khoảng 2 – 2,4 m tùy theo khổ lưới, chiều dài có thể tính toán tùy thuộc vào số lượng tôm cần vèo, nhưng không dài quá 15 m để dễ thao tác. Đáy vèo phải cách đáy ao từ 0,3 – 0,4 m, nhằm giúp thoát chất thải dễ dàng và đảm bảo lưu thông nước dưới đáy vèo.

Nên có hệ thống lọc thô và lọc tinh để lọc nước liên tục vào bể vèo, vì bể nuôi mật độ cao nhưng thể tích nhỏ nên lượng phân và thức ăn dư thừa sinh ra rất lớn.

Có hệ thống sục khí ngày đêm cung cấp đủ lượng ôxy hòa tan trong nước cho tôm, vì nuôi với mật độ cao trong vèo nên lượng ôxy cần là rất nhiều.

Thông số môi trường

Trước khi tiến hành thả giống, người nuôi nên kiểm tra các thông số cơ bản như: độ mặn, pH (từ 7,5 – 8,5), độ kiềm (khoảng 90 – 120) là phù hợp.

Cần đo độ mặn trước khi thả, thông báo cho đơn vị cung cấp giống để thuần con giống phù hợp với độ mặn thực tế của ao nuôi.

Con giống

Thả tôm PL12 trở lên. Chọn tôm giống chất lượng tại các trại giống uy tín. Không nên ham rẻ mà mua tôm dạt, tôm kém chất lượng. Mật độ thả giống có thể dao động từ 500 – 1.000 con/m2 đối với ương vèo tôm giống trong lưới. Ương vèo tôm bằng ao nổi, ao lót bạt (nuôi tôm công nghiệp, siêu thâm canh), mật độ ương từ 1.000 – 3.000 con/m2.

Sau khi đã thả giống vào vèo, phải chạy máy bơm nước để bơm nước từ ngoài vào trong vèo, nhằm tăng ôxy hòa tan và đẩy lượng chất thải, thức ăn dư thừa của tôm ra bên ngoài vèo.

Dinh dưỡng

Trong quá trình vèo tôm, người nuôi cần cho tôm ăn thức ăn công nghiệp. Ngày đầu tiên lượng thức ăn sẽ là 1 kg/100.000 con tôm giống. Sau đó, tùy sức ăn của tôm giống, mỗi ngày người dân có thể tăng lượng thức ăn thêm từ 5 – 10%. Nên cho tôm ăn 4 lần/ngày, mỗi lần cách nhau 5 giờ. Khung giờ chuẩn nhất vào khoảng 6h, 11h, 16h và 20h mỗi ngày.

Chăm sóc

Trong quá trình vèo, hằng ngày cần kiểm tra và làm sạch các bùn bẩn bám xung quanh và đáy vèo để lưu thông nước được tốt hơn, kiểm tra và xử lý các lỗ thủng (nếu có) để tránh tôm đi ra ngoài vèo.

Cần phải tăng cường sự quản lý, chăm sóc tôm nuôi, theo dõi các yếu tố môi trường trong ao (ôxy hòa tan, pH, nhiệt độ, độ kiềm, độ mặn…) thường xuyên để kịp thời điều chỉnh xử lý hiệu quả. Theo dõi khả năng bắt mồi của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp và có hướng cho ăn khi thả ra ao nuôi thương phẩm. Thường xuyên bổ sung các sản phẩm xử lý môi trường có nguồn gốc vi sinh.

Người nuôi cần phải tính toán thời gian hợp lý, sao cho đến khi hết thời gian ương thì ao nuôi hoàn tất để có thể thả tôm xuống cho kịp thời. Thời gian vèo tôm từ 15 – 20 ngày tùy theo tốc độ phát triển của tôm giống, khi tôm đạt kích thước chiều dài 1,8 – 2 cm là có thể bung ra vuông nuôi.

Bích Hòa

Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết