Người dân thả cá giống phóng sinh nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Hằng năm, vào dịp đầu Xuân và các ngày lễ tết như Tết Nguyên đán, ông Công, ông Táo, lễ Vu Lan, Phật Đản…, hoạt động phóng sinh các loài thủy sản được các tăng ni, phật tử và người dân tổ chức thực hiện.
Việc làm này không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn góp phần bổ sung nguồn lợi thủy sản vào các thủy vực tự nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái và tái tạo lại quần đàn các loài thủy sản bị khai thác cạn kiệt.
Cứ đến ngày 23 tháng Chạp hằng năm, bà Phùng Thị Huyên, xã Vĩnh Phú (Vĩnh Tường) lại chuẩn bị vàng mã, cá chép để làm lễ tiễn ông Công, ông Táo về trời. Sau khi cúng, cá chép được gia đình thả ở sông Hồng, ngoài việc gìn giữ nét đẹp văn hóa cổ truyền độc đáo của dân tộc mà còn góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngày Tết ông Công, ông Táo năm nay, tại các ao, hồ, sông suối, người dân đi thả cá đã có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, cá được thả nhẹ nhàng, từ từ để chúng kịp thích ứng với môi trường mới, góp phần tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản cho địa phương.
Ngoài ra, hằng năm, Chi cục Thủy sản phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh triển khai thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực tự nhiên trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2014 - 2023, Chi cục Thủy sản đã tổ chức thả hơn 33,5 tấn cá giống các loại như cá mè, trôi, trắm, chép, chày, lăng…
Riêng năm 2024, Chi cục thả 3 tấn cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản tại xã Đức Bác, huyện Sông Lô và tại cầu sông Phan địa phận xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc, trong đó gồm cá giống các loại (900kg cá mè, 600kg cá trôi, 600kg cá trắm cỏ, 600kg cá chép, 100kg cá trắm đen, 100kg cá chày, 100kg cá lăng)…
Ngoài ra, các huyện, thành phố bằng nguồn ngân sách địa phương đã thả hàng trăm kg cá giống vào các thủy vực sông hồ trên tại địa phương; Giáo hội Phật giáo tỉnh cũng đã huy động các tăng ni, phật tử, các nhà hảo tâm mỗi năm phóng sinh một lượng lớn giống cá các loại ra thủy vực sông, hồ góp phần tăng cường tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Vĩnh Phúc là địa phương có tiềm năng lớn về phát triển thủy sản với hệ thống sông, suối, ao, hồ khá dày đặc được phân bố rộng khắp tại các huyện, thành phố, cùng hệ thống sông Hồng, sông Lô, sông Phan, sông Phó Đáy, sông Cà Lồ, hệ thống kênh mương thủy lợi như kênh Bến Tre, kênh Liễn Sơn…
Tuy nhiên, trước tình trạng môi trường nước ngày càng bị ô nhiễm và dấu hiệu suy giảm cùng với đó, hoạt động khai thác, đánh bắt không hợp lý bằng các phương tiện, ngư cụ mang tính hủy diệt, đã và đang tác động đến môi trường sinh thái dẫn đến làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.
Để bảo vệ môi trường sinh thái, tái tạo lại quần đàn các loài thủy sản bị khai thác cạn kiệt, Chi cục Thủy sản đã ban hành văn bản đề nghị Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đến tăng ni, phật tử và đông đảo người dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản; thực hiện phóng sinh một cách có hiểu biết và trách nhiệm với môi trường sinh thái.
Năm 2024, Chi cục Thủy sản phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh thả 3 tấn cá bổ sung, tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Đối tượng thả chủ yếu là các loài thủy sản truyền thống như cá mè, chép, trôi, trắm cỏ; khuyến khích thả các loài thủy sản bản địa, nguy cấp, quý hiếm, có giá trị kinh tế như cá Anh Vũ, cá Bỗng, cá Rầm Xanh… nhằm bảo vệ, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản, bảo đảm cân bằng sinh thái trong các thủy vực tự nhiên.
Tuyệt đối không thả các loài thủy sản thuộc danh mục loài thủy sản ngoại lai xâm hại, có nguy cơ xâm hại môi trường như ốc bươu vàng, tôm càng đỏ, cá Tỳ bà (cá dọn bể), rùa tai đỏ, tôm hùm nước ngọt, cá rô phi đen…
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn hình thành các điểm thả cá phóng sinh tập trung tại các thủy vực tự nhiên ở địa phương kết hợp các mô hình quản lý nguồn lợi thủy sản để người dân thực hành phóng sinh một cách hiệu quả và có ý nghĩa với công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản; tổ chức thu gom rác thải bảo vệ môi trường tại các điểm thả trên sông, hồ, đầm…
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh chỉ đạo Chi hội Phật giáo cấp huyện tổ chức triển khai thực hiện những nội dung theo Bản ghi nhớ hợp tác số 24 ngày 25/3/2022 giữa Chi cục Thủy sản và Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Bài, ảnh: Mai Liên
Nguồn: Theo BÁO VĨNH PHÚC Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết. BQT Thủy Sản 247 Group. Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết