Những dự án kết cấu hạ tầng phục vụ vùng nuôi thủy sản bền vững

Đối tác truyền thông thủy sản 247
Những năm gần đây, tỉnh Trà Vinh chỉ đạo các địa phương tập trung nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp.

Mô hình nuôi cá rô phi - tôm thẻ chân trắng tại ấp Bờ Kinh I, xã Mỹ Hòa, huyện Cầu Ngang.

Những năm gần đây, tỉnh Trà Vinh chỉ đạo các địa phương tập trung nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp.

thuysan247.com

Trong đó, tập trung chỉ đạo phát triển nghề nuôi thủy sản, đa dạng con nuôi tương xứng với tiềm năng và thế mạnh địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh đầu tư 11 công trình phục vụ vùng nuôi thủy sản. Giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh tiếp tục đầu tư 14 công trình, kinh phí 1.900 tỷ đồng phục vụ vùng nuôi thủy sản ở huyện Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải.

Để việc khôi phục nuôi trồng thủy sản các loại, nhất là tôm sú, tôm thẻ tương xứng với ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, những năm qua, huyện Cầu Ngang được trên đầu tư xây dựng 08 dự án thủy lợi phục vụ chuyển đổi sản xuất với hơn 600 tỷ đồng, phục vụ hơn 7.300ha nuôi trồng thủy sản tập trung ở các xã Hiệp Mỹ Đông, Hiệp Mỹ Tây, Thạnh Hòa Sơn, Long Sơn, Mỹ Long Nam, Mỹ Hòa… Năm 2024, giá trị sản xuất thủy sản đạt 4.178 tỷ đồng. Sản lượng tôm sú đạt 8.300 tấn, năng suất bình quân đạt 3,3 tấn/ha; sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 24.200 tấn, năng suất bình quân đạt 5,8 tấn/ha.

Đồng chí Nguyễn Thanh Nhàn, Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết: Long Sơn là địa phương hưởng lợi từ 02 dự án cánh đồng Năng và cánh đồng Trà Côn. Kết cấu hạ tầng nông thôn khu vực cánh đồng Năng hiện nay phát huy hiệu quả tích cực, góp phần phục vụ hiệu quả chuyển đổi sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Hiện xã có 950ha diện tích nuôi thủy sản, thời gian qua, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, giá tôm không ổn định, mặt khác đất sản xuất khu vực cánh đồng Năng nhỏ do sông, rạch chằng chịt nên người dân khó mở rộng nghề nuôi thủy sản với quy mô lớn. Riêng cánh đồng Trà Côn đã được quy hoạch nhưng kết cấu hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ, việc đầu tư nuôi thủy sản còn khó khăn. Vì thế, địa phương mong Nhà nước sớm có chính sách đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ vùng nuôi thủy sản cánh đồng Trà Côn thuận lợi hơn.

Ông Nguyễn Hoàng Nam, ấp La Bang, xã Long Sơn có diện tích tôm nuôi 1,2ha nằm trong khu vực cánh đồng Năng cho biết: từ khi dự án cánh đồng Năng triển khai thực hiện việc sản xuất nuôi trồng của người dân ngày càng phát triển, kinh tế ngày càng nâng cao. Kết cấu hạ tầng đầu tư đồng bộ như đường, điện, thủy lợi đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân.

Bên cạnh đó, tuyến đường nông thôn khu vực cánh đồng Năng đầu tư hoàn chỉnh, người dân đi lại dễ dàng, việc vận chuyển tôm sau thu hoạch thuận lợi, giảm giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập, nhiều ngôi nhà mới xây dựng khang trang theo dọc các tuyến đường nông thôn. Đặc biệt hệ thống điện, thủy lợi đầu tư hoàn chỉnh giúp người dân thuận lợi chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang nuôi thủy sản.

Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, hiện nay khu vực cánh đồng Năng còn không ít kênh rạch chằng chịt, đi lại khó khăn, người dân mong muốn được đầu tư cầu nông thôn nhằm liên kết sản xuất và vận chuyển hàng hóa thủy sản tiêu thụ thuận lợi hơn.

Ông Nam cho biết thêm: với diện tích trên, hàng năm ông thả nuôi 150.000 con giống nuôi hình thức rải vụ 03 vụ/năm nhằm giảm chi phí, hạn chế rủi ro. Riêng vụ nuôi năm 2024, ông thả nuôi 03 vụ nhưng do giá tôm thấp nên 02 vụ nuôi đầu thất, đến vụ 03 đạt lợi nhuận cao.

Đồng chí Nguyễn Trí Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật dịch vụ nông nghiệp huyện Cầu Ngang cho biết: trên địa bàn huyện ngoài diện tích nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, huyện có trên 100ha nuôi cá rô phi kết hợp với nuôi tôm thẻ chân trắng. Đây là mô hình được đánh giá hiệu quả khá cao được triển khai thực hiện thành công từ năm 2023 đến nay tại vùng nuôi khu vực cánh đồng Năng của xã Long Sơn và hiện đã và đang mở rộng ra các xã Mỹ Hòa và Nhị Trường.

Thời gian gần đây, tình hình nuôi tôm trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn do thời tiết không ổn định, chi phí đầu tư tăng cao, giá bán thấp, tôm nuôi thường xuyên bị nhiễm bệnh gan tụy, phân trắng, đường ruột,… gây ô nhiễm môi trường nước. Những hộ dân không đủ điều kiện về tài chính khó đầu tư mô hình nuôi tôm công nghệ cao.

Nhằm đa dạng hóa con nuôi, hạn chế mầm bệnh, giúp người nuôi tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, nhiều nông dân trong xã Long Sơn nói riêng và những địa phương lân cận nói chung đã tận dụng diện tích ao nuôi tôm đầu tư mô hình nuôi cá rô phi kết hợp tôm thẻ chân trắng mang lại hiệu quả cao. Nuôi theo hình thức này, không chỉ hạn chế đầu tư cải tạo ao hồ mới, tận dụng thức ăn thừa của cá, thức ăn tự nhiên, bùn bã hữu cơ trong ao bổ sung thêm thức ăn cho tôm thẻ chân trắng, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích.

Theo đồng chí Nguyễn Trí Thông, hiện nay đầu ra cá rô phi ổn định, được thương lái thu mua xuất khẩu, với giá bán hiện nay từ 36.000 - 37.000 đồng/kg, người nuôi lợi nhuận 8.000 - 9.000 đồng/kg. Thời gian nuôi 135 ngày thu hoạch, bình quân thả nuôi từ 200.000 - 300.000 con tôm giống/ha; 600.000 - 700.000 con cá giống/ha. Lợi nhuận bình quân từ mô hình cá - tôm kết hợp đạt khoảng 500 triệu đồng/ha, trong đó lợi nhuận từ con tôm khoảng 150 triệu đồng/ha.

Mặc dù mô hình nuôi tôm - cá kết hợp mang lại lợi nhuận cao, nhưng đầu ra cá rô phi không ổn định phụ thuộc nhiều vào thương lái, trong khi sản phẩm cá rô phi hiện nay đã được xuất khẩu sang thị trường ngoài nước. Để có thể thuận lợi xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, đòi hỏi phải được cấp mã số vùng nuôi.

Khó khăn hiện nay của huyện, cá rô phi không thuộc đối tượng con nuôi chủ lực nên không đủ điều kiện cấp mã số vùng nuôi. Vì thế, huyện mong các ngành các cấp xem xét cấp mã số vùng nuôi, mặt khác ngành chuyên môn tiếp tục nghiên cứu các giải pháp góp phần thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đa dạng hóa con nuôi nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản của địa phương.

Bài, ảnh: MỸ NHÂN

Nguồn: Theo BÁO TRÀ VINH
Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết.
BQT Thủy Sản 247 Group.
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết