
Các cơ sở sản xuất tự nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Ảnh: VM
Mặc dù là một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu tôm lớn trên thế giới, thế nhưng khả năng cung ứng tôm giống sạch bệnh cho người nuôi của nước ta lại rất thấp. Nhiều giải pháp đã được nghiên cứu, triển khai nhằm khắc phục vấn đề này, song vẫn còn quá nhiều khó khăn.
Chất lượng ngày tăng
Theo Cục Thủy sản, năm 2024, việc sản xuất giống đạt được một số kết quả nhất định. Cả nước đã sản xuất, ương dưỡng đạt 159 tỷ con tôm giống (TTCT: 109,8 tỷ con; tôm sú: 49,2 tỷ con), đạt 103,6% so năm 2023, đáp ứng đủ giống theo nhu cầu nuôi của người dân
Hiện, cả nước hiện có 1.949 cơ sở sản xuất tôm giống, gồm 6 cơ sở sản xuất tôm bố mẹ và 1.943 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống. Các địa phương sản xuất tôm giống trọng điểm của nước ta hiện nay gồm Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu, Cà Mau (chiếm khoảng 93% tổng cơ sở sản xuất và 63,6% sản lượng giống).
Số lượng tôm bố mẹ nhập khẩu ngày càng giảm, do nguồn trong nước ngày một củng cố, phát triển với sự tham gia của các doanh nghiệp, nhà nước tăng cường nguồn lực nghiên cứu cho các Viện nghiên cứu.
Cùng đó, việc thực thi các quy định của pháp luật về giống thủy sản dần đi vào nề nếp; nhiều địa phương, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương giống tôm đạt xấp xỉ 100%,…
Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, hàng năm Bộ NN&PTNT đã tổ chức ký Quy chế phối hợp trong quản lý giống tôm nước lợ giữa các địa phương. Kết quả tổng hợp báo cáo từ các địa phương và công tác kiểm tra của Cục Thủy sản cho thấy, từ khi có Quy chế, việc cung cấp thông tin từ các địa phương sản xuất, cung ứng tôm giống đến các địa phương vùng tiêu thụ được kịp thời, giảm rõ rệt số lượng tôm giống không qua kiểm dịch, tôm giống kém chất lượng. Đồng thời, các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống nước lợ tự nâng cao chất lượng để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Nhiều bất cập
Hiện, sản xuất giống tôm nước lợ nước ta hiện vẫn còn tồn tại một số bất cập. Đó là Việt Nam chưa hoàn toàn chủ động được tôm bố mẹ. Hàng năm, Việt Nam vẫn nhập khẩu khoảng hơn 150.000 con TTCT bố mẹ (chiếm 87%); riêng giống tôm sú còn phụ thuộc nhiều vào khai thác từ tự nhiên, việc cơ sở chủ động sản xuất giống chỉ đạt khoảng 30%.
Nguồn tôm giống sạch bệnh mới chỉ đủ để đáp ứng một phần rất nhỏ vào các hệ thống nuôi công nghiệp mà chưa có các giống tôm kháng bệnh dùng cho các hệ thống nuôi quảng canh, bán thâm canh và các hệ thống nuôi nhỏ. Trong khi đó, nhiều nước đã hoàn toàn chủ động nguồn tôm bố mẹ gia hóa để sản xuất con giống chất lượng cao, sạch bệnh. Tiến xa hơn bước nữa, các giáo sư nhóm BlueGhent (Bỉ) đã có thể tìm ra những cấu trúc gen của tôm tác động đến hệ miễn dịch để từ đó lựa chọn ra những dòng tôm kháng bệnh (SPR).
Trước nhu cầu con giống tăng, việc nhập khẩu tôm bố mẹ gặp nhiều khó khăn và chi phí cao. Nhiều cơ sở nhỏ lẻ đã nhập khẩu tôm bố mẹ không rõ nguồn gốc, chất lượng thấp, giá rẻ để sản xuất giống. Thậm chí, một số trại còn sử dụng tôm từ ao nuôi thương phẩm để làm tôm bố mẹ, nhằm giảm giá thành mà không quan tâm đến sự nhiễm bệnh và sự sinh sản cận huyết của quần đàn tôm.
Bên cạnh đó, việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý tôm giống có lúc, có nơi còn yếu, nhất là về điều kiện cơ sở, điều kiện giống trước khi lưu thông, chất lượng giống trong lưu thông,…
Đẩy mạnh tốc độ gia hóa tôm bố mẹ
Tại Việt Nam, đến năm 2030, toàn ngành đảm bảo gia hóa được 100% tôm bố mẹ cho cả tôm sú và TTCT. Tuy nhiên đến thời điểm này hầu hết tôm bố mẹ vẫn được nhập từ nước ngoài, chủ yếu từ Mỹ và Thái Lan. Đến nay mới chỉ có một số công ty, tập đoàn lớn có thể gia hóa được tôm bố mẹ nhưng số lượng vẫn còn hạn chế.
Giống là yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất quyết định sự thành bại của vụ nuôi. Ảnh: VM
Để khắc phục vấn đề trên, ngành tôm nước ta cần đẩy mạnh hơn nữa tốc độ nghiên cứu gia hóa trong nước tôm bố mẹ nhằm chủ động nguồn tôm bố mẹ khỏe, sạch bệnh và có sức đề kháng cao đối với cả tôm sú và TTCT.
Bài học từ các nước trên thế giới cho thấy, việc chủ động gia hóa tôm bố mẹ đã quyết định đến chất lượng tôm giống và tỷ lệ thành công của nghề nuôi tôm. Điển hình như trường hợp của Ecuador và Thái Lan. Trước đây, Ecuador xuất khẩu tôm đứng thứ 5 thế giới, nhưng từ năm 2021 đã vươn lên đứng đầu thế giới sau khi gia hóa thành công và chủ động nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh, vừa giảm giá thành nâng cao khả năng kháng bệnh, nâng cao tỷ lệ thành công lên tới 90% (VASEP, 2023).
Thái Lan cũng quan tâm tới hoạt động gia hóa tôm bố mẹ từ rất sớm và đến nay đã trở thành nước chủ động về tôm bố mẹ và xuất khẩu tôm bố mẹ lớn nhất châu Á. Nhờ đó tỷ lệ nuôi tôm thành công của Thái Lan đạt 55% (có thời điểm đạt 80%) trong khi tỷ lệ này ở nước ta chỉ đạt khoảng 40% với TTCT và dưới 20% với tôm sú.
Vì vậy, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các cơ quan, đơn vị, hiệp hội, các địa phương, cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ tập trung triển khai các giải pháp để chủ động nguồn tôm bố mẹ sản xuất trong nước. Tổ chức liên kết trong nghiên cứu và sản xuất, đặc biệt chú ý liên kết giữa các doanh nghiệp với các đơn vị nghiên cứu để đưa nhanh sản phẩm vào thực tế sản xuất. Tiếp tục nghiên cứu, gia hóa và chọn tạo tôm sú, TTCT bố mẹ tăng trưởng nhanh, có khả năng kháng một số bệnh thường gặp phục vụ nhu cầu sản xuất giống và nuôi thương phẩm.
Song song đó, chú trọng tuyên truyền, phổ biến cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn, nhất là những điểm mới về quản lý giống tôm nước lợ. Tập trung tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về giống tôm nước lợ, tập trung kiểm tra điều kiện sản xuất, quản lý chất lượng giống trong sản xuất và lưu thông.
Đồng thời, triển khai các giải pháp an toàn sinh học trong cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ. Xây dựng cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống tôm nước lợ theo hướng an toàn dịch bệnh. Thực hiện quan trắc, kiểm soát tốt chất lượng nước sử dụng trong sản xuất tôm giống,…
Theo đánh giá, về cơ bản nước ta đã chủ động được nguồn tôm sú bố mẹ trong nước và bắt đầu xuất khẩu. Nguồn giống TTCT nhập khẩu và sản xuất trong nước đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước. Sản lượng tôm giống sản xuất đáp ứng được nhu cầu thả nuôi của người dân.
Nguyễn Hằng
Nguồn: Theo Tạp Chí Thủy Sản Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết. BQT Thủy Sản 247 Group. Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết