Việt Nam nhập khẩu khoảng 20 – 22 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mỗi năm (bao gồm cả nguyên liệu dùng cho thủy sản). Ảnh: Thăng Lon
Đại dịch COVID-19, lạm phát toàn cầu gia tăng, những biến động về địa chính trị, sự mất giá của các đồng tiền sẽ tác động đến cả các hoạt động xuất, nhập khẩu nông sản của Việt Nam trong những tháng cuối năm. Bối cảnh này càng tô đậm thêm những đòi hỏi về tính tự chủ của nền kinh tế Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa.
Phụ thuộc nhập khẩu
Việt Nam là nước có thế mạnh về nông nghiệp nhưng lại đang phải nhập khẩu tới 2/3 nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, suốt giai đoạn từ năm 2013 đến nay, nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu chỉ giảm trong 2 năm là 2017 và 2019, còn lại các năm khác trị giá nhập khẩu đều tăng. Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu năm 2013 là 3 tỷ USD; năm 2014 là 3,25 tỷ USD; năm 2015 là 3,39 tỷ USD; năm 2016 là 3,44 tỷ USD. Đến năm 2017, trị giá nhập khẩu giảm 6,4% so năm 2016, đạt hơn 3,22 tỷ USD. Ngay sau đó năm 2018, trị giá nhập khẩu tăng mạnh 21,2% so năm 2017, đạt hơn 3,91 tỷ USD. Năm 2019, trị giá nhập khẩu đạt hơn 3,7 tỷ USD, giảm 5,4% so năm 2018. Tuy nhiên trong 3 năm qua, kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu đã tăng mạnh. Cụ thể, năm 2020 lên tới 3,84 tỷ USD; năm 2021 lên 4,93 tỷ USD.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan từng chia sẻ, Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, xuất khẩu hàng hóa cho hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Việt Nam xuất khẩu đứng hàng thứ 13 trên thế giới, đó là một thành tích rất là lớn. Thế nhưng, khi làm việc với các tổ chức nước ngoài, họ rất bất ngờ là sự manh mún đất đai, quy mô sản xuất của chúng ta. Có thể thấy nguyên liệu chủ yếu để sản xuất thức ăn chăn nuôi và thức ăn thủy sản là ngô.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan, Cục Chăn nuôi, trong 7 tháng năm 2022, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi đã phải chi tới gần 2,7 tỷ USD để nhập khẩu 2 nguyên liệu chính là ngô, đậu tương. Ngoài ra, Việt Nam còn tốn hơn 400 triệu USD để nhập khẩu các nguyên liệu khác: khô dầu các loại 2,2 triệu tấn; lúa mỳ 0,73 triệu tấn; bột cá, bột xương, đạm động vật, hỗn hợp các chất vi lượng. Theo đó, nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm từ đầu năm đến nay lên tới 3,1 tỷ USD.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Giám đốc đối ngoại Tập đoàn De Heus Việt Nam cho biết, với 22 nhà máy thức ăn chăn nuôi, trung bình mỗi năm, De Heus cần khoảng 1,2 triệu tấn ngô, tương ứng diện tích trồng ngô khoảng 100.000 ha. Ngoài De Heus, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi khác trong nước cũng có nhu cầu rất lớn về ngô nguyên liệu, đậu tương… Do nguồn nguyên liệu trong nước hiện không đáp ứng đủ nên các doanh nghiệp phải tốn rất nhiều chi phí để nhập khẩu ngô từ nước ngoài. Hiện, giá các loại nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như bắp, đậu tương, lúa mì, bột cá… đang ở mức cao và có dấu hiệu bất ổn về nguồn cung.
Điều này khiến De Heus cũng như các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi khác trong nước vừa không chủ động sản xuất, vừa khiến giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng lên, buộc các doanh nghiệp phải tăng giá bán thức ăn. Trong khi, nhiều địa phương ở nước ta hoàn toàn có thế mạnh để phát triển sản xuất thức ăn chăn nuôi nói chung và sản phẩm ngô nói riêng. Để nội địa hóa nguyên liệu, De Heus đang hợp tác với đơn vị của Việt Nam là tập đoàn Hùng Nhơn đầu tư mạnh vào khu vực Tây Nguyên, từ đó chủ động hơn trong quá trình sản xuất.
Nội địa hóa nguồn nguyên liệu
Mặc dù không có lợi thế so sánh tuyệt đối nhưng về tương đối, ngành nông nghiệp vẫn có thể quy hoạch những vùng có thể trồng ngô sinh khối hoặc ngô để sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Bộ NN&PTNT đang xây dựng một đề án để tự chủ phần nào vật tư đầu vào, trong đó có thức ăn chăn nuôi, có ngô, có đậu tương để giảm thiểu rủi ro, ít nhất là khi thị trường đứt gãy hoàn toàn thì chúng ta vẫn hỗ trợ được cho người nuôi.
Ông Nguyễn Quang Hiếu cho biết, De Heus sẵn sàng phối hợp, xây dựng nhà máy sơ chế, kho trữ nguyên liệu thức ăn… để chủ động nguồn nguyên liệu trong nước, hạ nhiệt giá thức ăn chăn nuôi. De Heus đang lên kế hoạch để phát triển vùng trồng nguyên liệu ở khu vực Tây Nguyên để làm thức ăn chăn nuôi trong vòng 2 – 3 năm tới. Hiện tại nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ chiếm 10 – 15% trong cơ cấu nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi của Công ty.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, có hai vấn đề nếu chúng ta muốn thay thế việc nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Thứ nhất, chúng ta phải thuyết phục cho được người nông dân, nếu chuyển sang trồng các nguyên liệu trong nước để thay thế việc nhập khẩu ví dụ như ngô, đậu tương thì thu nhập của họ sẽ cao hơn cây trồng hiện tại. Thứ hai, chúng ta cần có quá trình để tiếp cận nhằm cung ứng nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn, giảm chi phí logistics. Bởi, các doanh nghiệp này có hệ thống cung ứng nguyên liệu phục vụ sản xuất từ lâu, thậm chí từ nhiều chục năm với chi phí, giá thành rẻ, nguyên liệu chuẩn theo yêu cầu.
Ngoài ra, chúng ta phải có lối đi riêng của mình. Các viện, các trường của ngành nông nghiệp phải bắt tay vào nghiên cứu. Chủ trương của Bộ NN&PTNT là nghiên cứu các đề tài về tự chủ thức ăn chăn nuôi từ các chế phẩm, phụ phẩm trong quá trình sản xuất nông nghiệp để cung cấp một phần thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản cho nông dân, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ thêm.
Hồng Hạnh
Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết