Nghề nuôi cá lồng trên sông

Adv thuysan247
Những năm gần đây, nhiều xã ven sông Hồng, sông Luộc phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông. Nghề này mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm và cải thiện đời sống của nhiều người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Mô hình nuôi cá lồng trên sông của anh Trần Văn Mý xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên)

Những năm gần đây, nhiều xã ven sông Hồng, sông Luộc phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông. Nghề này mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm và cải thiện đời sống của nhiều người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

thuysan247.com

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 450 lồng nuôi cá với năng suất đạt 4 – 6 tấn/lồng/chu kỳ nuôi, đem lại lợi nhuận 30 – 50 triệu đồng/lồng/chu kỳ nuôi, người nuôi có thể thâm canh từ 1 đến 2 chu kỳ nuôi tùy thuộc từng loại cá, giống nhập ban đầu.  Cá nuôi khá đa dạng như: chép, rô phi, diêu hồng, trắm cỏ, trắm đen, lăng, ngạnh…

Ông Vũ Văn Điệp, Trưởng Phòng Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hệ thống sông Hồng và sông Luộc chảy qua địa bàn 6 huyện, thành phố trong tỉnh với chiều dài 90 km, là tiềm năng lớn về diện tích mặt nước để phát triển thủy sản. Triển khai Dự án xây dựng lồng nuôi cá trên sông theo Quyết định số 173/QĐ-SNN (Dự án) ngày 10/5/2019 của Sở Nông nghiệp và PTNT, Phòng thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có mô hình sản xuất hoặc những hộ được tham gia Dự án thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật, đúng thiết kế; đặt lồng nuôi đúng vị trí đã được phê duyệt. Những hộ tham gia Dự án được cán bộ kỹ thuật trực tiếp giám sát, hướng dẫn về kỹ thuật nuôi; phương pháp phòng bệnh, trị bệnh cho thủy sản; theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của đàn cá để đánh giá hiệu quả của Dự án. Dự án hỗ trợ giống, vốn nuôi cá lồng cho các tổ chức, hộ nuôi giai đoạn 2019 – 2021 là 189 lồng cá với kinh phí 15 triệu đồng/lồng.

Nghề nuôi cá lồng tại Hưng Yên tập trung ở một  số xã, phường ven sông như: Xã Tân Hưng, phường Lam Sơn (thành phố Hưng Yên);  xã Mai Động, xã Đức Hợp huyện (Kim Động)…  Anh Trần Văn Mý, Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng xã Tân Hưng cho biết: Năm 2019, nhận thấy sông Luộc chảy qua địa bàn xã có nguồn nước sạch lại có thể nuôi cá với mật độ dày, cá lớn nhanh, chất lượng thịt tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao và được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Phòng Nông nghiệp và PTNT thành phố Hưng Yên hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật ban đầu là 15 triệu đồng/lồng. Anh và 9 thành viên trong hợp tác xã đã đầu tư 60 lồng nuôi với diện tích 54m2 nuôi các loại như: cá chép, rô phi, diêu hồng, trắm cỏ, lăng, ngạnh…, được nhập từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản. Anh và các thành viên tự thiết kế lồng, chăm sóc, học hỏi kinh nghiệm từ các hộ đi trước và tìm đầu ra cho sản phẩm. Mỗi chu kỳ cá tùy thuộc vào từng loại và tùy thuộc vào giống nhập ban đầu, trung bình khoảng 15 tháng/lứa, mỗi lồng có thể nuôi 9 – 10 tấn, cho lãi từ 70 đến 80 triệu đồng/lồng. Thị trường tiêu thụ được thương lái các tỉnh về thu mua tận nơi. Trong quý 1 năm nay, HTX  xuất bán khoảng 200 tấn cá thương phẩm, đem lại lợi nhuận trên 1,5 tỷ đồng. Dự kiến từ nay đến cuối năm HTX xuất bán thêm khoảng 500 tấn cá thương phẩm. Anh Mý cho biết: Nuôi cá lồng trên sông mang lại hiệu quả kinh tế cao, năng suất cao gấp 4 – 5 lần so với nuôi trong ao truyền thống.

Tận dụng con sông Hồng chạy qua địa bàn, năm 2020 được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, anh Nguyễn Văn Đĩnh ở xã Đức Hợp (Kim Động) mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng trên sông. Mô hình đến nay không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình anh mà còn mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân quanh vùng.  Đầu năm 2020 gia đình anh nuôi 15 lồng, đến nay tiếp tục mở rộng lên 21 lồng với tổng kinh phí đầu tư trên 1 tỷ đồng, được nuôi thả với các loại cá trong đó chủ yếu nuôi cá lăng, cá chép, trắm trắng, trắm đen, rô phi. Để cá có chất lượng thơm ngon anh nuôi theo hình thức bán công nghiệp gồm cám công nghiệp cho ăn giai đoạn đầu, khi cá chuẩn bị xuất bán thì cho ăn các loại cá tạp, cỏ, thân cây chuối, ốc. Theo anh Đĩnh ngoài chọn được vị trí thuận lợi để đặt lồng thì điều quan trọng nữa là đầu tư hệ thống lồng bè phải chắc chắn, chịu được dòng nước chảy xiết trong mùa mưa bão. Bên cạnh đó hệ thống chắn rác phải được thiết kế hoàn chỉnh vững chắc. Mỗi một lồng được thiết kế 50m2, các lồng đặt so le giúp nước lưu thông thuận lợi. Mỗi loại cá được nuôi vào 1 lồng và có chế độ chăm sóc khác nhau. Trung bình 1 năm gia đình anh xuất bán trên 30 tấn cá thương phẩm các loại, trừ chi phí cho thu lãi 300 – 500 triệu đồng.

Nuôi cá lồng trên sông là hướng sản xuất thủy sản sạch, an toàn và hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao. Nghề nuôi cá lồng trên sông đang có xu hướng phát triển, các hộ nuôi đã áp dụng nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, thường xuyên sử dụng các biện pháp phòng, trị bệnh tổng hợp trong quá trình nuôi nên cá lớn nhanh, dễ thu hoạch. Nhiều hoạt động dịch vụ nuôi thủy sản ra đời như dịch vụ giống, tiêu thụ sản phẩm, thức ăn đã tạo thêm nhiều việc làm cho người dân.

Để nghề nuôi cá lồng mang lai hiệu quả kinh tế cao, thời gian tới các địa phương cần quy hoạch vùng nuôi, số lượng lồng nuôi, hạn chế số lồng vượt quá quy hoạch. Bên cạnh đó tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc để tiêu thụ và quảng bá sản phẩm; tập huấn cho hộ nuôi quy trình nuôi cá lồng trên sông theo hướng VietGAP; tiếp tục xây dựng các mô hình khuyến nông về thủy sản với những giống thủy sản có chất lượng cao, đa dạng về chủng loại, kích cỡ con giống, phù hợp với hình thức nuôi cá lồng trên sông; đẩy mạnh nuôi các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao, đặc sản như cá lăng, chép giòn, trắm giòn, trắm đen…

Báo Hưng Yên 

Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết