Ngành Nông nghiệp với những biến động về tình hình thuế quan trên thế giới:Thách thức cho bài toán tăng trưởng

Đối tác truyền thông thủy sản 247
Quý I-2025, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế cả nước. Đây là mức tăng trưởng quý I lớn nhất trong 4 năm trở lại đây.

Dây chuyền chế biến tôm tẩm bột xuất khẩu tại Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang. Ảnh: TTXVN

Quý I-2025, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế cả nước. Đây là mức tăng trưởng quý I lớn nhất trong 4 năm trở lại đây.

thuysan247.com

Năm 2025, ngành Nông nghiệp phấn đấu tăng trưởng từ 4,0% trở lên dù biết đây là thách thức lớn. Nhiều chuyên gia nhận định, để đạt mục tiêu này, ngành Nông nghiệp cần nỗ lực rất lớn bởi tác động của thị trường diễn biến phức tạp, tình hình chính trị thế giới bất ổn, đặc biệt những vấn đề liên quan đến thuế quan gần đây trên thế giới…

Tăng trưởng ở hầu hết các lĩnh vực

Theo thông tin từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính), khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng, đạt mục tiêu đề ra trong quý I-2025. Qua đó, giá trị tăng thêm của ngành Nông nghiệp quý I-2025 là 3,53% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,32 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 6,67%; ngành thủy sản tăng 3,98%.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tình hình thời tiết khá thuận lợi nên sản xuất trong nước đạt kết quả cao. Tại 63 tỉnh, thành phố đều có mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái, hơn 60% địa phương có mức tăng cao hơn quý I-2024…

Cùng với sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cũng ghi nhận tăng trưởng. Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Ngô Hồng Phong cho biết, quý I-2025, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của cả nước đạt 15,72 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là con số tăng trưởng khá ấn tượng trong bối cảnh thương mại thế giới biến động khó lường… Trong đó, xuất khẩu nông sản đạt 8,53 tỷ USD, tăng 12,2%; xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 131,3 triệu USD, tăng 18,5%; xuất khẩu thủy sản đạt 2,29 tỷ USD, tăng 18,1%…

Tại Hà Nội, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Xuân Đại cho biết, quý I-2025, ngành Nông nghiệp Thủ đô cũng đạt kết quả khả quan: Tổng đàn trâu hiện có 29,6 nghìn con, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước; đàn lợn khoảng 1,25 triệu con, giảm 1,77% song sản lượng lợn hơi xuất chuồng đạt 66,1 nghìn tấn, tăng 2,95%; đàn gia cầm có khoảng 35,8 triệu con, tăng 0,56%…

Thu hoạch trứng gà tại trang trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Liên Hà (huyện Đông Anh). Ảnh: Nguyễn Quang

Thu hoạch trứng gà tại trang trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Liên Hà (huyện Đông Anh). Ảnh: Nguyễn Quang

Linh hoạt các giải pháp

Nông nghiệp đang trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế của cả nước, trong đó xuất khẩu đóng góp khá lớn. Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng kế hoạch tăng trưởng năm 2025 phấn đấu giá trị gia tăng khu vực nông, lâm, thủy sản là 4,0% trở lên. Trong đó, nông nghiệp tăng 3,85% (trồng trọt tăng 2,4-2,9%; chăn nuôi tăng 5,7-5,98%; thủy sản tăng 4,35%; lâm nghiệp tăng 5,47%). Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 65 tỷ USD, phấn đấu đạt 70 tỷ USD.

Kế hoạch được ban hành ngay sau khi Hoa Kỳ có chính sách áp thuế mới với hàng hóa Việt Nam (Hoa Kỳ đang là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của nước ta). Đây là thách thức đối với ngành Nông nghiệp và Môi trường. Theo Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Ngô Hồng Phong, mức áp thuế lên tới 46% là khó khăn lớn đối với nhiều ngành hàng, trong đó có nông lâm thủy sản… Tuy nhiên, với nỗ lực đàm phán từ Chính phủ và các bộ, ngành, mới đây, phía Hoa Kỳ đã lùi thời hạn áp thuế sau 90 ngày. Như vậy, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng phương án kể cả khi Hoa Kỳ áp thuế tới 46%.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho rằng, đây là thách thức để ngành Nông nghiệp tái cơ cấu, bắt kịp xu thế phát triển, tham gia cạnh tranh quốc tế ở mức “khó” để tạo bứt phá. Bộ đã tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội để tháo gỡ khó khăn trước mắt, đặc biệt là việc áp thuế mới của Hoa Kỳ. Việc Hoa Kỳ lùi thời hạn áp thuế sau 90 ngày là tín hiệu để hy vọng vào thỏa thuận tốt hơn cho Việt Nam song Bộ vẫn xây dựng kế hoạch, phương án trong trường hợp áp thuế cao.

Về lâu dài, ngành Nông nghiệp cần tái cấu trúc ngành mạnh mẽ, sâu rộng hơn. Đối với sản xuất, Bộ phối hợp với các địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp phát triển; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành theo hướng tuần hoàn, hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm, tích hợp đa giá trị… Từ đó tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh, đặc biệt là tăng tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế khi có biến động.

Đối với thị trường, Bộ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan trong giám sát thị trường, xúc tiến thương mại; tập trung giải quyết dứt điểm khuyến nghị của EC để gỡ “thẻ vàng” trong năm 2025 cho một số mặt hàng thủy sản.

Đối với thị trường xuất khẩu, ngành đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường, đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại, xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào thị trường truyền thống, thị trường có tổng kim ngạch xuất khẩu lớn (Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu - EU, Nga, Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc…); đồng thời mở rộng thị trường mới, nhiều tiềm năng (các nước Hồi giáo, Trung Đông, Châu Phi…).

Song hành, Bộ tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đàm phán, xúc tiến thương mại, xử lý các vấn đề trong thương mại; quy định rõ ràng vai trò, chức năng từng đơn vị; xây dựng báo cáo thị trường xuất khẩu nông sản, giải pháp ứng phó đối với thay đổi liên quan đến thuế, xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật… tại các thị trường: Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc; chủ động triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Cùng với thị trường quốc tế, việc khai thác thị trường trong nước cũng được ngành Nông nghiệp quan tâm, có lộ trình, giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thời vụ (rau, hoa, quả…), sản phẩm dễ bị tác động của khí hậu; có giải pháp ổn định thị trường, đa dạng hóa nguồn cung nội địa, thúc đẩy thương mại điện tử, gắn kết sản xuất với thị trường…

Thách thức đã rõ, song với sự linh hoạt trong giải pháp trước mắt và lâu dài cùng những thuận lợi cơ bản, hy vọng kinh tế cả nước, trong đó có nông nghiệp sẽ sớm vượt qua khó khăn để đạt thành tựu cao hơn nữa.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến:
Tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu

Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, Hoa Kỳ là thị trường đứng đầu. Để ứng phó với thuế quan của Hoa Kỳ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục làm việc với các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ cố gắng đàm phán, điều chỉnh lại mức thuế. Mục tiêu chính là bảo đảm lợi ích cho nông sản của Việt Nam.

Tuy nhiên, việc quan trọng và mang tầm chiến lược lâu dài là các doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn của Hoa Kỳ. Tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước khác, tránh bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường. Cùng với việc tiếp tục mở rộng thị trường, nhiều ngành hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực của Việt Nam đang có mức tăng trưởng cao, có thể bứt phá và giữ mức tăng trưởng cao trong năm 2025 để bù đắp cho những tác động từ chính sách thuế quan của Hoa Kỳ.

Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Nâng cao giá trị thương mại cho nông sản Việt

Các doanh nghiệp cần đổi mới tư duy, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm qua những mô hình nông nghiệp theo chuỗi. Đặc biệt, với yêu cầu minh bạch về nguồn gốc sản phẩm, sản phẩm thân thiện với môi trường, mô hình nông nghiệp sinh thái sẽ giải quyết được những thách thức này. Sản xuất nông nghiệp sinh thái cũng là cơ hội để ứng dụng công nghệ cao, như: IOT, trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa để nâng cao hiệu quả, tối ưu hóa nguồn lực và giảm thiểu tác động tiêu cực.

Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị gia tăng và cải thiện khả năng cạnh tranh, nông sản Việt Nam cần được chế biến sâu hơn, không chỉ dừng lại ở việc xuất khẩu nguyên liệu thô. Các sản phẩm chế biến sẵn, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm mang thương hiệu quốc gia có thể giúp nông sản Việt không chỉ đáp ứng yêu cầu về chất lượng, mà còn gia tăng giá trị và mở rộng thị trường. Các doanh nghiệp cần chủ động, chú trọng vào việc xây dựng thương hiệu, chứng nhận sản phẩm, cũng như đẩy mạnh marketing để nâng cao giá trị thương mại cho nông sản Việt.

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Lê Hằng:
Chủ động, linh hoạt cơ cấu lại ngành nghề

Nhiều doanh nghiệp đã dừng việc ký hợp đồng và tạm dừng xuất khẩu. Việc này sẽ dẫn tới các doanh nghiệp phải chịu phạt, vì vi phạm hợp đồng. Các mặt hàng tôm sú, cá tra… có tổng kim ngạch xuất khẩu lớn vào thị trường Hoa Kỳ, lên tới khoảng 1,8-2,1 tỷ USD/năm, tác động đến cuộc sống của hàng triệu ngư dân và doanh nghiệp… Do đó, để ứng phó với mức thuế của Hoa Kỳ, các doanh nghiệp cần chủ động, linh hoạt cơ cấu lại ngành nghề, chuyển hướng thị trường phù hợp.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần hỗ trợ để thị trường được khơi thông, tháo gỡ các rào cản về kỹ thuật. Ngoài ra, VASEP kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giao lưu với các thị trường khác, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ… Đặc biệt, các doanh nghiệp cần tập trung vào chế biến sâu, nâng giá trị gia tăng của sản phẩm, chủ động xây dựng các vùng nguyên liệu và liên kết chuỗi theo hướng quy mô hơn, chất lượng hơn, trước mắt áp dụng với những loài thủy sản có giá trị kinh tế cao.

Dung - Huyền ghi

Minh Huyền

Nguồn: Theo BÁO HÀ NỘI MỚI
Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết.
BQT Thủy Sản 247 Group.
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết