Các HTX thủy sản đang được tạo điều kiện tham gia các dự án để tháo gỡ khó khăn, chủ động trong sản xuất kinh doanh.
Nếu các HTX được hỗ trợ kịp thời, ngành nuôi trồng thủy sản khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục phát triển bền vững, mang lại lợi ích lâu dài cho người dân và góp phần vào sự thịnh vượng của nền kinh tế địa phương.
Đây là nhận định của Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, bà Cao Xuân Thu Vân, trong bối cảnh các HTX nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL đang đối mặt với hàng loạt thách thức.
Biến đổi khí hậu, sự biến động của thị trường, và giá cả đầu vào tăng cao, cùng với các vấn đề nội tại, đang khiến các HTX thủy sản ở ĐBSCL gặp nhiều khó khăn trong nuôi trồng, kinh doanh và xuất khẩu.
Bà Lê Thị Thu Hiền, Trưởng đại diện Agriterra tại Việt Nam, nhận định rằng ngành nuôi trồng thủy sản ĐBSCL có tiềm năng lớn nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức, từ quy mô sản xuất manh mún, nguy cơ dịch bệnh, đến tác động của biến đổi khí hậu và suy thoái kinh tế toàn cầu. Theo bà Hiền, các HTX chính là trọng tâm của sự chuyển đổi. Khi các HTX phát triển vững mạnh về tài chính và chuyên nghiệp trong quản trị, họ không chỉ nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn thúc đẩy tính bền vững xã hội và môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho các cộng đồng nông thôn.
Theo số liệu của Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có 155 HTX thủy sản, chiếm trên 1/3 số HTX thủy sản của cả nước, từ đó đóng góp 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% lượng cá xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, việc duy trì hoạt động bền vững là một thách thức lớn.
Đầu tư lớn, rủi ro cao
Tại hội thảo "Phát triển thủy sản bền vững và chuyên môn hóa các HTX khu vực ĐBSCL", tổ chức tại Trà Vinh sáng 10/10, ông Nguyễn Trung Vẹn, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Trà Vinh, cho biết, tỉnh có 164 HTX, trong đó có 20 HTX thủy sản nhưng hiện chi phí nuôi trồng thủy sản tăng cao. Tôm thương phẩm, một trong những mặt hàng chủ lực của khu vực, luôn có giá bán tiệm cận với chi phí sản xuất. Các HTX lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn đầu tư sản xuất, điều này đẩy rủi ro lên cao.
Theo tính toán, trong chăn nuôi tôm, trung bình mỗi tấn tôm cần đến 1-1,1 tấn thức ăn. Nếu giá mua khoảng 40-50 triệu đồng/tấn cùng với chi phí điện, nước, thuốc, men vi sinh, thuê đất, dịch bệnh… thì chi phí đầu tư rất lớn.
HTX thủy sản ở ĐBSCL cần được nâng cao năng lực để thích ứng với sản xuất bền vững.
Ông Đặng Xuân Thảo, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Phương Đông (Trà Vinh), cũng đề cập đến tác động của biến đổi khí hậu, như nhiệt độ và độ mặn tăng, dao động từ 15‰ - 30‰, làm giảm tỷ lệ sống của nghêu. Bên cạnh đó, vấn đề đầu ra không ổn định, do sự suy giảm tiêu thụ ở các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu, càng làm tăng thêm khó khăn cho các HTX.
Có thể thấy, lĩnh vực thủy sản ở khu vực ĐBSCL rất dễ bị tổn thương bởi các yếu tố bất lợi từ môi trường, khí hậu, thị trường. Theo các chuyên gia, dù giá thủy sản và đầu ra trong tiêu thụ, xuất khẩu thủy sản đã khởi sắc hơn năm ngoái nhưng nhìn chung đầu ra vẫn biến động trong khi chi phí đầu tư lớn, rủi ro cao khiến các thành viên HTX đứng ngồi không yên.
Điều này nếu không được khắc phục kịp thời dẫn đến khâu chế biến, xuất khẩu đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu. Ths. Lâm Thái Xuyên, Tập đoàn thủy sản Minh Phú, cho rằng những tháng cuối năm cũng là cao điểm phục vụ xuất khẩu. Nhưng do trước đó nuôi trồng thủy sản gặp khó khăn, giá cả xuống thấp nhiều người dân đã bỏ ao nuôi. Nếu không hỗ trợ tháo gỡ khó khăn thì rất khó đảm bảo nguồn thủy sản chất lượng cho doanh nghiệp chế biến.
Liên kết mới sản xuất được bền vững
Con số từ Bộ NN&PTNT cho thấy, 9 tháng của năm 2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản của cả nước đạt 46,3 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo trong 3 tháng còn lại, mỗi tháng Việt Nam sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 5 tỷ USD và giúp cả năm đạt từ 60 - 61 tỷ USD, con số cao nhất từ trước tới nay.
Để hoàn thành mục tiêu này này, ngành thủy sản ở ĐBSCL có vai trò quan trọng. Hiện, nuôi trồng thủy sản là một trong những ngành nghề được ưu tiên và quan tâm phát triển ở ĐBSCL nên nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao trong các HTX rất lớn. Vì ngoài 2.000 doanh nghiệp còn có 155 HTX thủy sản ở ĐBSCL hoạt động ở tất các lĩnh vực như giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, chế biến.
Vậy nhưng theo GS.TS. Vũ Ngọc Út, Trường Thủy sản-Đại học Cần Thơ, các HTX và doanh nghiệp luôn trong tình trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao vì thực tế tại các trường, rất ít người học ở lĩnh vực này.
Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao đi liền với việc ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi trồng và chế biến thủy sản bị ảnh hưởng, từ đó khó đưa ngành thích ứng với biến đổi khí hậu.
Do đó, GS.TS. Vũ Ngọc Út cho rằng trước mắt, các HTX cần áp dụng các biện pháp nâng cao năng suất chất lượng mô hình tôm-rừng, tôm- lúa thông qua bổ sung vi sinh để nhanh chuyển hóa chất hữu cơ, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, giảm chi phí đầu tư và phần nào giải quyết bài toán khó khăn về vốn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Châu Văn Hòa, cho biết thủy sản của Trà Vinh nói riêng và ĐBSCL nói chung đang có nhiều tiềm năng nhưng chưa phát triển tương xứng như kỳ vọng. Nếu người dân mãi sản xuất tự phát, theo vòng luẩn quẩn thì ngành thủy sản sẽ chậm phát triển, đặc biệt là khó phát triển bền vững.
Hiện, sản xuất thủy sản đã có định hướng, có kế hoạch của Chính phủ, và các địa phương, trong đó định hướng chú trọng kết nối người dân, HTX với doanh nghiệp để sản xuất khép kín, ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm đã được đặt ra. Do đó, Trà Vinh đang tạo điều kiện để thu hút doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể vào đầu tư đồng thời hỗ trợ người dân, HTX sản xuất thủy sản bền vững từ đó nâng giá trị, tỷ trọng của lĩnh vực thủy sản cao hơn nữa.
Để giữ chân được người nuôi trồng thủy sản, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho rằng, việc thúc đẩy sự bền vững của ngành nuôi trồng thủy sản tại ĐBSCL thông qua các giải pháp đổi mới, quan hệ đối tác chiến lược và hành động tập thể là hết sức cần thiết. Bởi từ đây sẽ có những giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực, cải thiện tính chuyên nghiệp cho các HTX và tăng cường khả năng chống chịu và sinh lợi đối với chuỗi giá trị thủy sản.
Tháo gỡ khó khăn và nâng cao năng lực cho các HTX chính là đặt nền tảng vững chắc cho con đường phát triển của ngành thủy sản tại ĐBSCL phía trước.
Đặc biệt, tầm quan trọng của việc củng cố mối quan hệ đối tác hợp tác công tư, tận dụng các hỗ trợ về nguồn lực tài chính và kỹ thuật, và đón nhận các giải pháp mới công nghệ và thực hành sẽ giúp ngành thủy sản đạt được mục tiêu đề ra. Việc huy động sự tham gia hơn nữa của người nông dân sản xuất quy mô nhỏ, phụ nữ và thanh niên, những tác nhân có vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy sự thay đổi mang tính bền vững cho ngành thủy sản.
“Sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của ngành nuôi trồng thủy sản khu vực ĐBSCL cũng đồng nghĩa với việc mang lại lợi ích dài hạn cho người nông dân, các HTX thủy sản, các doanh nghiệp và cộng đồng địa phương”, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh.
Để phát triển bền vững ngành thủy sản, các chuyên gia nhận định rằng việc liên kết giữa các HTX, doanh nghiệp và người nông dân là yếu tố then chốt. Thạc sĩ Lâm Thái Xuyên, Tập đoàn thủy sản Minh Phú, nhấn mạnh rằng chỉ có liên kết trong mô hình kinh tế tập thể mới có thể giải quyết những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh thủy sản. Hiện, chuỗi giá trị thủy sản bền vững của doanh nghiệp đã tổ chức 100% hộ dân vào các nhóm, THT và HTX. Trong đó, 72,4% thành viên HTX đồng thời là thành viên liên kết làm tôm chứng nhận, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Dưới góc độ của nhà sản xuất kinh doanh, ông Phạm Văn Mừng, Giám đốc HTX thủy sản Toàn Thắng (Sóc Trăng), cho biết HTX đang phải tính toán, cân đối nguồn vốn để tập trung vào việc nâng cao chất lượng nguồn tôm giống. Bởi khi tôm giống khỏe không chỉ ít dịch bệnh, giảm chi phí mà còn giúp đáp ứng tốt các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Tuy nhiên, HTX cũng rất mong nhận được sự hỗ trợ về nâng cấp cơ sở hạ tầng và tiếp cận gói vay ưu đãi để đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng mới.
“Với đặc thù phải huy động nhiều vốn vay nên không ít HTX đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, từ đó ảnh hưởng lớn đến kế hoạch kinh doanh”, ông Phạm Văn Mừng cho biết.
Huyền Trang
Nguồn: Theo TẠP CHÍ VNBUSINESS Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết. BQT Thủy Sản 247 Group. Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết