Doanh nghiệp thủy sản tăng cường đầu tư cho xuất khẩu xanh.
Xuất khẩu xanh đang là xu hướng không thể đảo ngược và doanh nghiệp buộc phải nắm vững xu thế này nhằm giữ tốc độ tăng trưởng, giữ được thị phần để tham gia 'cuộc chơi' trên toàn cầu.
Doanh nghiệp chủ động thay đổi
Là doanh nghiệp dệt may chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, cách đây nhiều năm, Công ty CP Phong Phú đã chủ động thay đổi dây chuyền công nghệ robot và thực hiện kiểm soát các yêu cầu kỹ thuật đối với các đơn hàng cho hai thị trường EU và Mỹ. Hàng loạt quy trình được thay đổi như: Quản lý chặt chẽ tiêu thụ năng lượng điện, nước, khí thải, nước thải; xây dựng kế hoạch giảm tiêu hao năng lượng, hóa chất; thay thế dần các thiết bị cũ, tạo môi trường làm việc tốt cho người lao động. Điều này không chỉ giúp dệt may Phong Phú đáp ứng tiêu chuẩn, nâng cao uy tín với đối tác, mà sản phẩm còn tăng tính cạnh tranh, có nhiều đơn hàng hơn, đặc biệt là những nhãn hàng cao cấp.
Một doanh nghiệp xuất khẩu khác là Công ty CP Sao Ta cũng đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu xanh. TS. Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta chia sẻ, nỗ lực thực hiện chuyển đổi xanh, công ty đã mở rộng mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững, nâng cấp các chuỗi giá trị trong hệ thống thức ăn thủy sản. Công ty cũng đáp ứng được mọi yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch từ phía EU nhờ quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tốt, sản xuất theo chuỗi giá trị, kiểm soát được mọi khâu trong sản xuất, chế biến.
Xu hướng sử dụng thủy sản của người tiêu dùng thế giới không những có lợi cho sức khỏe mà còn yêu cầu doanh nghiệp hướng đến sản xuất xanh với thủy sản nuôi trồng có kiểm soát, giảm khai thác để phát triển bền vững. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội của các doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam.
Sự chuyển đổi nhanh chóng của doanh nghiệp trong việc thay đổi phương thức sản xuất, xuất khẩu theo hướng xanh đã giúp doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu của thị trường, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu chủ lực của nước ta.
Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, sản xuất xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu. Mỗi một quốc gia có một kế hoạch và lộ trình riêng để triển khai các hoạt động này. Trên thực tế, các quy định xanh của các nước nhập khẩu có lộ trình và thời gian để cho các nước sản xuất, xuất khẩu như Việt Nam có thể từ từ thích ứng chứ không phải là những quy định bắt buộc thực hiện ngay lập tức.
“Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp của Việt Nam cũng đã có những nhận thức, nhiều doanh nghiệp đã chủ động triển khai để đáp ứng quy định này. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế để thích ứng”, bà Nguyễn Cẩm Trang chia sẻ.
Đồng ý kiến, ông Lê Quốc Phương, Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương chia sẻ, nước ta đã tham gia 16 FTA và trong đó, có nhiều yêu cầu xanh. Ví dụ, FTA với EU khi ký kết, EU cũng đưa ra nhiều yêu cầu về quy định đánh giá các-bon, về khí thải tạo ra trong môi trường sản xuất, về chiến lược xuất khẩu xanh… song nhiều doanh nghiệp chưa nắm được.
Bên cạnh đó, có nhiều doanh nghiệp khác dù nắm được rồi nhưng họ xem chuyển đổi xanh là khó khăn thách thức nên miễn cưỡng thực hiện. Nguyên nhân là bởi nguồn lực tài chính của họ còn hạn chế. Đây là nguyên nhân khiến chuyển đổi xanh, sản xuất và xuất khẩu xanh của nước ta còn nhiều khó khăn và thực hiện rất chậm.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam, chia sẻ, đáp ứng tiêu chuẩn xanh là một quá trình diễn ra dần dần, bởi vì điều này liên quan nhiều đến việc đầu tư công nghệ.
Ví dụ, doanh nghiệp phải chuyển sang sử dụng năng lượng sạch hoặc thay thế nguồn nhiên liệu như than đốt trong nhà máy. Đây là những yêu cầu đòi hỏi nguồn lực lớn. Dù vậy, các doanh nghiệp đều nhận thức rõ rằng nếu không thay đổi sẽ không còn đơn hàng. Những doanh nghiệp vẫn duy trì và phát triển được đến thời điểm này là những đơn vị đã đầu tư vào tiêu chuẩn xanh. Ngược lại, những doanh nghiệp không thể thích ứng sẽ dần bị loại bỏ khỏi thị trường.
Thúc đẩy doanh nghiệp xuất khẩu xanh
TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho rằng, chuyển đổi sang sản xuất xanh, xuất khẩu xanh đòi hỏi vốn đầu tư lớn và công nghệ cao mà không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ năng lực để theo đuổi và đáp ứng được. Tuy nhiên, đây là xu hướng không thể đảo ngược và để không bị loại khỏi “cuộc chơi” bởi những tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, doanh nghiệp Việt cần được các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ nhiều hơn nữa về cơ chế, chính sách.
Việc tăng cường sản xuất, xuất khẩu xanh là xu hướng không thể đảo ngược.
Nhằm giúp các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể nhanh chóng đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh, Bộ Công Thương đang tập trung thay đổi tư duy cho doanh nghiệp, nâng cao nhận thức chuỗi cung ứng xanh, đặc biệt là có chiến lược hướng tới mục tiêu Việt Nam sẽ trở thành công xưởng xanh của thế giới.
Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ triển khai các chương trình hợp tác quốc tế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có thể lựa chọn những loại chứng chỉ hay tiêu chuẩn nào để áp dụng phù hợp nhất đối với thị trường, mục tiêu của từng sản phẩm. Qua đó, các doanh nghiệp tiết kiệm tối đa các chi phí tuân thủ và hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm cũng như doanh nghiệp.
Song song đó, để tránh vi phạm quy định của các nước nhập khẩu, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị, tìm hiểu thị trường, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến các biện pháp kỹ thuật của từng thị trường để bảo đảm tuân thủ đầy đủ trước khi xuất khẩu. Bộ đã chỉ đạo mạng lưới thương vụ Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quảng bá nỗ lực của doanh nghiệp Việt trong việc thích ứng, đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh của các nước.
Các nội dung hướng dẫn, thông tin liên quan đến quy định của nước ngoài, các sổ tay cũng sẽ được triển khai thực hiện để đưa đến cho hiệp hội, doanh nghiệp các thông tin kịp thời, nhanh nhất để doanh nghiệp có thể chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Bộ Công thương cũng sẽ phối hợp các hiệp hội, ngành hàng để có những đào tạo, tập huấn liên quan đến mẫu mã, thương hiệu, thiết kế sản phẩm, để các sản phẩm xuất khẩu có thể phát triển bền vững tại các thị trường nhập khẩu.
HÀ ANH
Nguồn: Theo BÁO NHÂN DÂN Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết. BQT Thủy Sản 247 Group. Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết