Cá rô phi Việt Nam được xuất khẩu sang Brazil trở lại

Đối tác truyền thông thủy sản 247
Sau hơn một năm gián đoạn, Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil (MAPA) chính thức gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu cá rô phi từ Việt Nam, mở ra cơ hội lớn cho ngành thủy sản trong nước.

Cá rô phi Việt Nam tiếp tục được xuất khẩu sang thị trường Brazil (ảnh: nguồn internet)

Sau hơn một năm gián đoạn, Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil (MAPA) chính thức gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu cá rô phi từ Việt Nam, mở ra cơ hội lớn cho ngành thủy sản trong nước.

thuysan247.com

Thương vụ Việt Nam tại Brazil cho biết ngày 24/4, tờ Công báo Brazil đã đăng tải thông báo của MAPA về việc chính thức thu hồi lệnh đình chỉ nhập khẩu cá rô phi của Việt Nam. Đây là một trong những kết quả cụ thể và sớm nhất hai bên đạt được trong việc triển khai các mục tiêu của Kế hoạch hành động, giai đoạn 2025-2030, đưa quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước phát triển toàn diện và thực chất; đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển cũng như phục vụ lợi ích của nhân dân hai nước.

Trước đó, vào tháng 2/2024, MAPA quyết định tạm dừng nhập khẩu cá Việt Nam để rà soát lại nguy cơ lây nhiễm virus TiLV (Tilapia tilapinevirus), đây là một căn bệnh truyền nhiễm và dễ lây lan ở cá - bên cạnh các hoạt động công nghiệp được cho rằng “không tuân thủ các tiêu chuẩn y tế của Brazil”. Từ tháng 11/2023 đến tháng 2/2024, Brazil đã cấp 22 giấy phép nhập khẩu phi lê cá rô phi từ Việt Nam và từ chối hai giấy phép khác.

Chính phủ Brazil cho biết việc cho phép nhập khẩu cá rô phi của Việt Nam là một quyết định "không thể đảo ngược" và cũng là một phần trong các cuộc đàm phán của Chính phủ nước này vào cuối tháng Ba vừa qua nhằm mở cửa thị trường thịt bò tại Việt Nam. MAPA khẳng định thông báo cho phép nhập khẩu này “không ảnh hưởng đến tiêu chuẩn cao về phòng vệ sức khỏe quốc gia”.

Theo kết quả Phân tích rủi ro nhập khẩu (ARI) năm 2024 của MAPA, việc nhập khẩu phi lê cá rô phi từ Việt Nam có rủi ro không đáng kể về lây nhiễm virus TiLV do khả năng tiếp xúc thấp. Đối với cá nguyên con, mặc dù tồn tại rủi ro nhưng ở mức rất thấp và đã có các biện pháp quản lý phù hợp.

MAPA cũng cho biết từ năm 2020, Brazil đã cập nhật quy trình thiết lập yêu cầu sức khỏe đối với nhập khẩu cá tươi, ướp lạnh, đông lạnh và cá đã moi ruột từ nuôi trồng thủy sản. Các yêu cầu này được xây dựng dựa trên cơ sở kỹ thuật và tuân thủ hướng dẫn của Bộ luật Sức khỏe động vật thủy sản thuộc Tổ chức Thú y Thế giới (WHO).

Thương vụ Việt Nam tại Brazil cho biết, sau khi nối lại thị trường cho cá rô phi, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán kỹ thuật để Brazil mở cửa toàn diện cho sản phẩm cá tra Việt Nam. Đổi lại, Việt Nam sẽ cho phép nhập khẩu thịt bò Brazil. Tiếp theo, nội tạng bò Brazil và sản phẩm tôm các loại của Việt Nam (bao gồm cả tôm nguyên con chưa qua xử lý nhiệt) cũng sẽ nằm trong lộ trình đàm phán.

Theo đánh giá của thương vụ, trong bối cảnh cần mở rộng thị trường xuất khẩu, việc Brazil tái mở cửa với cá rô phi và triển vọng cá tra mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp thủy sản Việt. Động thái này, cùng với việc duy trì mở cửa thị trường cho cá tra, giúp các doanh nghiệp Việt tăng kim ngạch xuất khẩu, từng bước cân bằng cán cân thương mại và hướng tới mục tiêu đạt 15 tỷ USD thương mại song phương vào năm 2030.

Tuy nhiên, mở cửa mới chỉ là bước đầu, các cơ sở chế biến phải nghiêm túc cập nhật, tuân thủ đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật nếu muốn tận dụng thị trường này.

T. Giang

Nguồn: Theo BÁO THỜI BÁO NGÂN HÀNG
Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết.
BQT Thủy Sản 247 Group.
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết