Ảnh hưởng của độ mặn đến bệnh sưng vòi trên tu hài

Adv thuysan247
Bệnh sưng vòi trên tu hài nuôi đã và đang là mối nguy ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề nuôi tu hải ở nước ta song nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Tu hài đang được nuôi thương phẩm ở nhiều địa phương

Bệnh sưng vòi trên tu hài nuôi đã và đang là mối nguy ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề nuôi tu hải ở nước ta song nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được làm sáng tỏ.

thuysan247.com

Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả Đặng Thị Lụa và Phạm Thị Yến đã lựa chọn độ mặn để đánh giá ảnh hưởng đến tỷ lệ sống và sự xuất hiện bệnh sưng vòi trên tu hài thông qua các thí nghiệm biến động yếu tố độ mặn và trong điều kiện tiêm dịch lọc kết hợp với sự biến động độ mặn.

Tu hài (Lutraria rhynchaena Jonas, 1844) là động vật thân mềm hai mảnh vỏ có giá trị kinh tế và đang được nuôi thương phẩm tại nhiều địa phương trong thời gian gần đây (Phạm Thược, 2006). Tuy nhiên, từ cuối năm 2011 trở lại đi, dịch bệnh sưng vòi trên tu hài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của nghề nuôi đối tượng này. Dịch bệnh sưng vòi trên tu hài lần đầu tiên ghi nhận tại vịnh Cam Ranh, Khánh Hoà vào đầu tháng 4 năm 2011, sau đó Vịnh Lan Hạ, Cát Bà, Hải Phòng tháng 9 năm 2011 và tại Vân Đồn, Quảng Ninh 2012 (Phan Thị Vân và cs., 2014).

Dịch bệnh sưng vòi xuất hiện trên tu hài từ giai đoạn bé đến lớn, và gây tỉ lệ chết 100 % trên tu hài thương phẩm, dấu hiệu đặc trưng của bệnh là tu hài bị sưng vòi, bọng nước và bong tróc, bỏ ăn rồi chết.

Bệnh sưng vòi trên tu hài nuôi đã và đang là mối nguy ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghề nuôi tu hải ở nước ta. Theo Phan Thị  Vân và  cs.  (2014), nguyên nhân chính gây bệnh sưng vòi là  do tác nhân VLPs (Virus-like particles), vi sinh vật có cấu trúc giống virus kí sinh trong bào tương và vách tế bào với kích thước 70-110 nm  × 600-1.000 nm. Một số nghiên cứu trước đây cũng nghi ngờ sự ảnh hưởng của nhiệt độ và độ mặn ảnh hưởng đến sự xuất hiện bệnh sưng vòi trên tu hài (Phan Thị Vân và cs., 2013). Mục tiêu của nghiên cúu này là  đánh giá ảnh hưởng của độ mặn lên sự xuất hiện bệnh sưng vòi trên tu hài làm tiền đề, cơ sở khoa học về điều kiện phát sinh, phát triển bệnh sưng vòi,  làm tiền đề xây dựng biện pháp phòng bệnh, kiểm soát và hạn chế  dịch bệnh bùng phát.

Bố trí thí nghiệm

Thí nghiệm 1: Đánh giá ảnh hưởng của độ mặn đến tỷ  lệ sống của tu hài và sự xuất hiện bệnh sưng vòi  

Tu hài được dùng trong nghiên cứu là tu hài khoẻ mạnh, kích cỡ đồng đều (chiều dài 3-4 cm, khối lượng 6-8 g/con), sáng bóng không có dấu hiệu của bênh sưng vòi được dùng để bố trí thí nghiệm

Thí nghiệm được tiến  hành gồm 5 nghiệm thức tương  ứng với 5 độ mặn: 20‰, 25‰, 30‰, 35‰ và 40‰, số  lượng tu hài thí nghiệm là 30 con/;bể. Thí nghiệm được theo dõi trong thời gian 18 ngày, trong quá trình thí nghiệm, tu hài được bổ sung thức ăn là tảo Nanochloropsis oculatas hàng ngày, duy trì nhiệt độ 28-29oC, pH 7,9-8,0 và DO >5 mg/l. Chất đáy sử dụng trong thí nghiệm là cát thô có lẫn mảnh vụn của võ nhuyễn thể  được lấy từ vùng nuôi nhuyễn thể Cát Bà, Hải Phòng. 

Thí nghiệm 2: Đánh giá  ảnh hưởng của độ mặn và dịch lọc tu hài bệnh đến sự xuất hiện bệnh sưng vòi  

Thí nghiệm được tiến hành gồm 6 nghiệm thức, trong đó 5 nghiệm thức được tiêm 0,1 ml dịch lọc tu hài bệnh được nuôi với 5 độ mặn: 20‰, 25‰, 30‰, 35‰ và 40‰, và 1 nghiệm thức đối chứng tu hài được tiêm với dung dịch PBS và nuôi trong điều kiện mặn 30‰. 

Dịch lọc tu hài bệnh là dịch nghiền phần vòi tu hài bị bệnh sưng vòi trong dung dịch PBS 0,1 M theo tỉ lệ 1:10 sau đó được ly tâm lạnh với tốc độ  1.000  vòng/phút trong thời  gian 15 phút và lọc qua màng lọc 0,45 µm (Millipore, Mđ). 

Kết quả

Độ mặn phù hợp cho sinh trưởng và phát triển của tu hài là nghiệm thức 30‰ cho tỉ lệ sống 100%, độ mặn thấp hơn 25‰ và cao hơn 35‰ đều ảnh hưởng đến tỉ lệ sống của tu hài (tỉ lệ chết lần lượt lên đến 46,67%; 50%), song tu hài chết không có biểu hiện bệnh lý đặc trưng của bệnh sưng vòi. 

Kết quả thí nghiệm kết hợp tiêm dịch lọc tu hài bệnh và nuôi trong các điều kiện độ mặn khác nhau từ 20‰ đến 40‰ cho thấy độ mặn ảnh hưởng rõ rệt đến sự gia tăng tỷ lệ chết và đặc biệt là sự bùng phát, phát triển của bệnh sưng vòi với dấu hiệu bệnh lý đặc trưng của bệnh. Nghiệm thức tu hài nuôi ở độ mặn 20‰ và 40‰ cho tỉ lệ chết cao 100% khi kết thúc thí nghiệm, trong khi đó nghiệm thức nuôi ở độ mặn 30‰ cho tỉ lệ chết thấp 16.67%.

Tỷ lệ chết cộng dồn của tu hài trong điều kiện tiêm dịch lọc tu hài bệnh và nuôi ở các độ mặn khác nhau

 

Kết quả nghiên cứu này cho thấy yếu tố độ mặn không phải là nguyên nhân gây ra hiện tượng sưng vòi ở tu hài nuôi song nó là yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sự bùng phát, phát triển của bệnh đặc biệt ở điều kiện độ mặn cao (cao hơn hoặc bằng 35‰). 

Do đó, bà con nên nuôi tu hài ở độ mặn 30‰ để đảm bảo cho sự sinh trưởng và phát triển tốt hạn chế dịch bệnh xuất hiện. Độ mặn thấp hơn 25‰ và cao hơn 35‰ đều ảnh hưởng đến sinh trưởng và tỉ lệ sống của tu hài.

Nguồn: Theo Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết