Dây chuyền chế biến sản phẩm thủy sản xuất khẩu tại Công ty thủy sản xuất khẩu huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Xuất khẩu thủy sản mặc dù có nhiều khởi sắc nhưng vẫn tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn do kinh tế thế giới nhiều bất định.
Song bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) khẳng định: Để xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt mục tiêu 10 tỷ USD trong năm nay, các doanh nghiệp cần thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với bối cảnh của thị trường. Doanh nghiệp cũng phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, để tránh sự phụ thuộc, đồng thời mở rộng thị trường mới, hướng đến phát triển thị trường nội địa.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 4,36 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2023. Theo VASEP, trong top 5 thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, tăng trưởng mạnh nhất vẫn là thị trường Mỹ, tiếp đến là Trung Quốc, EU và Hàn Quốc. Về loại sản phẩm, nhóm cua ghẹ và giáp xác tăng trưởng mạnh nhất và tiếp đến là cá ngừ, tôm, cá tra. Các sản phẩm từ nuôi trồng thủy sản vẫn chiếm vị thế quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc của Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 4 về sản lượng và đứng thứ 3 về xuất khẩu sản phẩm nuôi trồng thủy sản trên thế giới. Chiếm tỷ trọng lớn về giá trị, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang hơn 100 thị trường, mang về 1,3 tỷ USD trong 5 tháng, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phân loại, cấp đông sản phẩm mực xuất khẩu tại nhà máy của CTCP Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Anh Minh, thành phố Hải Phòng. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu tăng nhẹ so với cùng kỳ là tín hiệu tích cực của ngành hàng này. Tuy nhiên, ngành hàng tôm vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức khi tình hình kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi, lạm phát vẫn cao…
Ông Đỗ Ngọc Tài, Chủ tịch Ủy ban Tôm VASEP, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thủy sản Tài Kim Anh chia sẻ, tại thị trường Mỹ, lạm phát vẫn cao, cộng với cước tàu tăng đột biến từ tháng 5 nên tôm Việt Nam còn phải cạnh tranh mạnh về giá với tôm Ecuador, Ấn Độ, Indonesia. Điều này cũng khiến tôm Việt Nam chỉ tăng 1% so với cùng kỳ tại thị trường này.
EU có mức tăng trưởng khá hơn, nhờ sự phục hồi trở lại từ tháng 4. Những tháng tới, nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường EU dự kiến tăng nhẹ cho đến cuối năm. Đặc biệt, nhu cầu nhập khẩu hàng giá trị gia tăng của thị trường này sẽ tăng trưởng tốt hơn các mặt hàng truyền thống bởi tồn kho đã giảm nhiều.
Công nhân nhà máy GODACO tại Khu công nghiệp Mỹ Tho đang làm đơn hàng hàng cá tra xuất khẩu. Ảnh: Minh Hưng/TTXVN
"Tại thị trường Nhật Bản, tuy xuất khẩu tôm giảm so với cùng kỳ, song Nhật Bản vẫn được coi là thị trường có nhu cầu nhập khẩu tương đối ổn định. Sản phẩm giá trị gia tăng của Việt Nam tại thị trường này vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh tốt hơn so với các nguồn cung khác như Ấn Độ, Ecuador. Nhu cầu nhập khẩu của thị trường Nhật Bản dự kiến sẽ tăng từ tháng 9 để phục vụ nhu cầu cuối năm", ông Đỗ Ngọc Tài cho hay.
Theo ông Ngô Minh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Việt Trường, nhóm sản phẩm đang có xu hướng phát triển tốt là surimi. Kim ngạch xuất khẩu surimi của Việt Nam mỗi năm đạt từ 300 - 420 triệu USD, chiếm từ 4 - 5% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Đây là nhóm sản phẩm có sản lượng xuất khẩu ổn định, có xu hướng phát triển tốt. Người tiêu dùng ưa chuộng surimi bởi sản phẩm này có giá trị dinh dưỡng cao, chi phí hợp lý và dễ chế biến thành nhiều món ăn.
Cùng với việc nắm bắt cơ hội từ thị trường, các doanh nghiệp cũng nỗ lực khắc phục những hạn chế, khó khăn từ sản xuất trong nước. Chẳng hạn, giá thành tôm Việt còn khá cáo do tỉ lệ nuôi thành công thấp. Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FIMEX VN), do chất lượng tôm giống, quy trình nuôi, quy mô nuôi nhỏ lẻ, người nuôi thiếu vốn, nuôi tự phát phá vỡ quy hoạch khiến thủy lợi. Cùng đó, các nền tảng hạ tầng khác không kịp thời đáp ứng khiến các ao nuôi không đủ nước sạch, thậm chí các cơ sở nuôi còn gây nhiễm khuẩn, nhiễm bệnh chéo cho nhau.
Đóng gói sản phẩm tôm chế biến xuất khẩu đi Nhật Bản. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Trước những khó khăn và thách thức do suy giảm kinh tế thế giới, căng thẳng giữa Nga và Ukraine, ông Trần Văn Minh, Giám đốc Công ty cổ phần Nha Trang Seafoods F89 (Bạc Liêu) chia sẻ, công ty đã kịp thời điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ, EU. Cùng với đó, nghiên cứu tiếp cận mở rộng thị trường sang các nước khác, nhất là thị trường châu Á và Mỹ Latinh.
Đặc biệt, doanh nghiệp chú trọng nguồn nguyên liệu tôm đầu vào, nâng cao năng lực sản xuất tạo ra sản phẩm xuất khẩu chất lượng với tính cạnh tranh cao, đảm bảo đạt các tiêu chuẩn khá khắt khe khi xuất vào thị trường Mỹ và EU. Để có được điều đó, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh hợp tác với nông dân, hợp tác xã thông qua ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, giúp đỡ nông dân về kỹ thuật nuôi trồng, chọn giống, thức ăn, thuốc thú y, kiểm soát dịch bệnh và nhất là kỹ thuật bảo quản nguyên liệu sau khi thu hoạch.
Bích Hồng (TTXVN)
Nguồn: Theo BÁO TIN TỨC TTXVN Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết. BQT Thủy Sản 247 Group. Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết