Phát triển kinh tế thủy sản bền vững

Đối tác truyền thông thủy sản 247
Nhiều ý kiến cho rằng để phát triển bền vững, thời gian tới, ngành thủy sản cần phải cấu trúc lại, cân bằng giữa khai thác với nuôi trồng và bảo tồn

Ảnh minh họa.

Nhiều ý kiến cho rằng để phát triển bền vững, thời gian tới, ngành thủy sản cần phải cấu trúc lại, cân bằng giữa khai thác với nuôi trồng và bảo tồn

thuysan247.com

Cơ quan chức năng và ngư dân các địa phương đang khẩn trương, quyết liệt triển khai đồng bộ những giải pháp để chấm dứt hoạt động khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Tập trung gỡ "thẻ vàng" EC

Thuyền trưởng Lê Bình Đẳng - ở TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang - cho rằng trách nhiệm của người lèo lái con tàu và chỉ huy ngư dân đánh bắt là rất quan trọng. Đó là phải hiểu luật và thông thạo các quy định trong khai thác hải sản.

"Quyết định cho tàu lấn sang vùng biển nước ngoài đánh bắt hay không hầu như của thuyền trưởng. Vì lợi ích chung và lâu dài, tôi luôn đặt ra nguyên tắc là không thể đánh đổi cái lợi trước mắt mà phải chung tay cùng chính quyền và các lực lượng chức năng để gỡ "thẻ vàng" đã bị Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng đối với ngành thủy sản nước ta" - ông Đẳng bày tỏ.

Ngư dân La Văn Tri - ngụ phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định; chủ một tàu cá - cho biết ông ý thức rõ hậu quả của việc tắt thiết bị giám sát hành trình, lén lút ra vùng biển nước ngoài đánh bắt. Vì vậy, trong quá trình khai thác, tàu của ông luôn bật thiết bị này 24/24 giờ. Nhật ký khai thác cũng được ông ghi chép đầy đủ và tàu chỉ đánh bắt trong vùng biển được phép.

Trong khi đó, ngư dân Nguyễn Thanh Tứ - ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau - mong muốn cơ quan chức năng sớm dẹp nạn bảo kê, hành hung ngư dân của một số băng nhóm trên biển để bà con yên tâm vươn khơi.

Ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đưa hải sản lên bờ sau chuyến đi biển xuyên Tết Ảnh: TỬ TRỰC

Ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đưa hải sản lên bờ sau chuyến đi biển xuyên Tết Ảnh: TỬ TRỰC

Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng gỡ "thẻ vàng" EC không chỉ là việc riêng của ngành nông nghiệp mà còn là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Các sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan đã và đang khẩn trương, quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để khắc phục những hạn chế, nỗ lực cùng cả nước chấm dứt khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

"Địa phương quản lý chặt chẽ tàu cá "3 không"… Đối với nhóm tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài, phải lập danh sách để theo dõi, quản lý, có biện pháp ngăn chặn ngay từ đầu. Các địa phương phải xây dựng kế hoạch cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, sâu sát để quản lý đối với nhóm tàu cá có nguy cơ vi phạm cao" - ông Hiền nhấn mạnh.

Theo Ban Quản lý cảng cá Hòn Rớ - chợ cá Nam Trung Bộ (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), cảng thường phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức cho ngư dân hoàn thiện thủ tục khai báo, chống khai thác bất hợp pháp (IUU) để góp phần cùng cả nước gỡ "thẻ vàng" thủy sản.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan cho rằng chống khai thác IUU là công việc hết sức quan trọng, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc và của người dân. Do đó, để ngành thủy sản phát triển bền vững, gỡ được "thẻ vàng" EC, không chỉ Bộ NN-PTNT mà còn cần sự vào cuộc, chung tay của nhiều bộ, ngành, địa phương.

Bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản - Bộ NN-PTNT, để ngành thủy sản phát triển bền vững, thời gian tới cần phải cấu trúc lại. Cần phải chuyển từ khai thác thiếu bền vững sang phát triển kinh tế thủy sản bền vững; cân bằng giữa khai thác, nuôi trồng, bảo tồn dựa trên việc xây dựng hệ sinh thái ngành hàng gồm quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng ngư dân; giúp người dân tìm sinh kế phù hợp với điều kiện thực tế, chuyển từ khai thác sang nuôi trồng thủy sản và có thu nhập ổn định từ nuôi trồng thủy sản.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư - Bộ NN-PTNT, cho biết chống khai thác IUU là một trong những nội dung để phát triển ngành thủy sản bền vững, nhất là đối với lĩnh vực khai thác. Trên cơ sở đó, Việt Nam cần tái cấu trúc ngành thủy sản, tăng nuôi trên biển, giảm khai thác, giảm áp lực lên nguồn lợi, kết hợp bảo tồn đa dạng sinh học với việc triển khai quản lý đồng bộ trong bối cảnh biến đổi khí hậu và biến động thị trường rất phức tạp hiện nay.

"Những thách thức lớn hiện nay ảnh hưởng đến việc gỡ "thẻ vàng" EC của Việt Nam là nguồn lợi thủy sản suy giảm, chất lượng khai thác suy giảm, nhất là các loài cá có giá trị kinh tế cao; số lượng tàu cá lớn nhưng nghề cá vẫn còn quy mô nhỏ, đánh bắt ven bờ chiếm số lượng lớn" - ông Hùng lưu ý.

Ngư dân xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình trúng đậm “lộc biển” đầu năm 2024 Ảnh: HOÀNG PHÚC

Ngư dân xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình trúng đậm “lộc biển” đầu năm 2024 Ảnh: HOÀNG PHÚC

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, cho rằng để phát triển xanh và bền vững, ngành thủy sản phải xem lại mình đang đứng ở đâu. Thủy sản là ngành kinh tế giữ vai trò quan trọng trong nông nghiệp. Đặc điểm của ngành thủy sản là kinh tế hàng hóa, phụ thuộc vào 2 yếu tố quan trọng là thị trường và môi trường. Tuy nhiên, sau nhiều năm đổi mới, dù ngành thủy sản tăng trưởng liên tục, khá ổn định song tác động của sự tăng trưởng đó vào đời sống của người lao động nghề cá rất thấp.

Vì vậy, theo ông Hồi, trong việc tiếp cận thị trường, vấn đề xây dựng chuỗi rất quan trọng, liên quan đến môi trường, truy xuất nguồn gốc. Chính sách, chương trình, đề án sắp tới khi điều chỉnh phải có hành động cụ thể.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết có 3 trụ cột trong kinh tế biển là khai thác, nuôi trồng và bảo tồn. Bộ NN-PTNT đã có quy hoạch khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

"Làm tốt công tác quản lý, khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phát triển được các khu bảo tồn biển thì không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn giúp giảm thiểu vấn đề khai thác kiểu tận diệt" - ông Lê Minh Hoan nhìn nhận.

Khẩn trương trong "thời gian vàng"

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại cuộc họp lần thứ 9 Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng các bộ, cơ quan liên quan và chủ tịch UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế hiện nay. Trong đó, chú trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm từ nay đến ngày 30-4-2024.

Phó Thủ tướng nêu rõ từ nay đến ngày đoàn thanh tra EC qua kiểm tra lần thứ 5 (dự kiến vào tháng 4-2024) là thời gian rất ngắn. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương phải xem đây là "thời gian vàng" để thực hiện quyết liệt nhiệm vụ chống khai thác IUU.

Trong đó, tập trung quyết liệt vào các nhiệm vụ chính: Không để xảy ra tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; xử lý nghiêm vụ việc vi phạm, không có ngoại lệ, kể cả xử lý hình sự, phạt tù. Kiểm soát tốt tàu cá xuất bến, vào cảng, bốc dỡ hàng. Xử lý mạnh tay đối với tàu cá bị mất kết nối, lưu ý các địa phương có tàu cá mất kết nối nhiều. Trong trường hợp cần thiết, có thể đóng cửa biển, cấm biển có thời hạn để khôi phục nguồn lợi thủy sản.

Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền cho ngư dân tuân thủ pháp luật, chống khai thác IUU. Đối với trường hợp vi phạm, không chỉ xử phạt vi phạm hành chính mà còn cả xử lý hình sự.

V.Duẩn

Sát cánh bảo vệ ngư dân

Trung tướng Bùi Quốc Oai - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam - cho biết thời gian qua, cảnh sát biển Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật; vận động ngư dân chấp hành nghiêm quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Qua đó, góp phần kéo giảm tình trạng ngư dân vi phạm để sớm gỡ "thẻ vàng" đối với sản phẩm xuất khẩu của thủy sản Việt Nam sang Liên minh châu Âu.

Dù ở bất cứ vùng biển đảo nào của Tổ quốc, cảnh sát biển Việt Nam cũng không quản ngại khó khăn, gian khổ, quyết tâm thực hiện tốt việc cứu hộ, cứu nạn, sát cánh bảo vệ ngư dân; coi đây là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, là mệnh lệnh từ trái tim.

D.Nhân

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-2

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn: Theo Báo Người Lao Động
Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết.
BQT Thủy Sản 247 Group.
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết