
Ngày 3/4, bên lề Hội nghị Phòng chống dịch bệnh và phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến đã chia sẻ thông tin về chính sách thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Cụ thể, chiều 2/4 theo giờ địa phương, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố áp thuế đối ứng 46% đối với 90% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, cao thứ 2 trong số các nước xuất khẩu vào thị trường Mỹ, chỉ sau Campuchia (mức thuế 49% đối với 97% tổng lượng hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ).
Trong bối cảnh này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá, mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp và môi trường cũng như đạt mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản 70 tỉ USD sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức. Năm 2024, nông lâm thủy sản Việt Nam có mặt ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đứng đầu với kim ngạch với 13,8 tỉ USD.
Trong thời gian qua, nông sản Việt Nam vào thị trường Mỹ đã vượt qua nhiều rào cản như thuế chống bán phá giá, kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt nhưng chúng ta đều vượt qua được.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường nói về chính sách thuế mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
"Việc Tổng thống Trump đánh thuế 46% đối với hàng hóa Việt Nam, nông sản chúng ta sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp. Tuy nhiên, với tinh thần dĩ bất biến ứng vạn biến, chúng ta phải tập trung chỉ đạo sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành để cạnh tranh với các thị trường khác. Vừa qua, Chính phủ đã họp hai phiên để bàn thảo về vấn đề này. Chúng tôi tin chắc chắn rằng với các giải pháp về khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm đạt được tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường Mỹ", ông Tiến khẳng định.
Ông Tiến cũng cho biết ngành nông nghiệp sẽ xúc tiến để mở rộng xuất khẩu nông sản sang thị trường khác, tránh phụ thuộc vào một thị trường. Ví dụ, thị trường Trung Quốc, chúng ta đang xuất khẩu nhiều thứ hai. Như Thủ tướng nói, nếu quan hệ Việt Nam - Trung Quốc tốt, rất nhiều mặt hàng nông sản khác có thể xuất khẩu qua, nhất là một số mặt hàng đã ký nghị định thư như sầu riêng đông lạnh, cá sấu, khỉ đuôi dài… Ngoài ra, thị trường châu Âu cũng là thị trường lớn (chiếm 44%) vẫn còn nhiều tiềm năng và lợi thế.
"Trước tác động của thị trường Mỹ, chúng tôi sẽ phải bàn để tổ chức thực hiện ở các ngành, các lĩnh vực thế nào, xuất khẩu thế nào để đạt mục tiêu 64-65 tỉ USD mà Chính phủ giao", ông Tiến nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tiến, thủy sản sẽ là một trong những mặt hàng chịu nhiều ảnh hưởng khi Tổng thống Trump đánh thuế 46% đối với hàng hóa Việt Nam: "Trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ trong 3 tháng đầu năm nay đạt trên 300 triệu USD (chiếm khoảng 15%). Từ cơ cấu này, chúng tôi sẽ xem lại cơ cấu ngành hàng, nhất là hai mặt hàng chủ lực tôm và cá tra.
Động lực mới và làm mới động lực hai mặt hàng này như thế nào thì Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ bàn rất kỹ để làm sao con tôm cạnh tranh được với Ấn Độ, Ecuador, đối với cá tra thì mình đã có lợi thế thì phát huy và một phần nữa là sản phẩm thủy sản khai thác. Ông Tiến cho biết sẽ họp với hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản để bàn giải pháp trực tiếp để khơi thông.
N.Yến
Nguồn: Theo BÁO CÔNG AN NHÂN DÂN Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết. BQT Thủy Sản 247 Group. Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết