
Thu hoạch tôm đúng phương pháp và bảo quản tốt sẽ nâng cao hiệu quả và làm tăng giá trị sản phẩm.
Thời điểm thu hoạch
Khi người nuôi quyết định thu hoạch, việc chọn ngày thu phải dựa trên tình trạng của tôm. Người nuôi cần kiểm tra các tiêu chí như kích thước, độ cứng, màu sắc và các yếu tố khác có ảnh hưởng đến chất lượng tôm. Thông thường, người nuôi cần lấy mẫu tôm để xác định chất lượng sản phẩm. Và để có thể đưa ra quyết định thu hoạch khi tôm đạt được ba tiêu chí sau: số tôm đang lột vỏ ít hơn; số tôm có vỏ mềm dưới 10%; tôm có dị hình hoặc dị tật ít hơn 5%, ngoài ra tôm phải có mùi và hương vị chính xác.Các ao nuôi tôm thường được thu hoạch vào ban đêm, vì nhiệt độ mát mẻ và thích hợp hơn. Tuy nhiên, thu hoạch vào ban đêm có nhược điểm là khó khăn hơn ban ngày. Ưu điểm chính của thu hoạch ban ngày là nó cho phép kiểm soát liên tục quá trình và chất lượng tôm tốt hơn. Thông thường, thời điểm lý tưởng để thu hoạch tôm là từ 4 – 8 giờ sáng.
Trước khi thu hoạch, người nuôi cần đảm bảo ao nuôi tôm được vệ sinh sạch sẽ, không có các mảnh vụn và thức ăn thừa. Nước ao phải ở trạng thái tốt và không chứa các chất gây hại cho chất lượng tôm.
Phương pháp thu hoạch
Đối với tôm thẻ chân trắng, hiện, có 2 phương pháp thường được người nuôi áp dụng.
Phương pháp thu cạn: Được đánh giá là có hiệu quả, ít tốn thời gian, tôm khi thu hoạch cũng ít bị dập vỏ và tôm sạch do đáy ao không bị khuấy động nhiều. Để thực hiện thu tôm theo cách này, người nuôi cần tháo khoảng 30% lượng nước trong ao, sau đó dùng lưới kéo tôm. Yêu cầu của lưới là phải có 1 cạnh lưới có độ dài bằng 1 cạnh của ao. Nguyên tắc khi thu tôm theo phương pháp này là thu tôm trên từng phần diện tích của ao, khi lượng tôm thu được chiếm phần lớn số lượng tôm trong ao mới tháo cạn nước và thu hoạch nốt số còn lại.
Phương pháp thu đánh lưới tôm: Phương pháp này được nhiều người nuôi tôm áp dụng hơn. Khi sử dụng phương pháp này, thời gian thu tôm thẻ chân trắng tối ưu nhất là vào sáng sớm hoặc chiều mát. Trước khi thu tôm, cũng cần tháo bớt nước để việc thu tôm được dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, phương pháp thu tôm bằng cách đánh lưới thường phải sử dụng xung điện, do đó sẽ làm khuấy động đáy ao khiến tôm có thể bị lẫn bùn đất.
Đối với một số mô hình khác như nuôi tôm quảng canh, người nuôi có thể áp dụng một số phương pháp thu hoạch tôm khác như dùng đăng chắn, chài, lú,… Những phương pháp này thường được áp dụng khi nuôi tôm trên diện tích rộng, muốn thu tỉa trước những con tôm lớn, áp dụng cho khu vực nuôi có đáy không bằng phẳng.
Chuẩn bị dụng cụ
Chuẩn bị đủ các dụng cụ cần thiết cho quá trình thu hoạch như: bạt, rổ, xô nhựa, thùng cách nhiệt, lưới, nước sạch, đá sạch,… Tùy theo sản lượng và kích thước của ao nuôi mà bố trí nhân lực thu tôm cho hợp lý.
Đảm bảo thể trạng cho tôm
Trước khi thu hoạch tôm, người nuôi cần xác định tôm có dấu hiệu bệnh hay không. Có thể quan sát bằng cách xem xét tình trạng thể chất và hành vi của tôm.
Nếu phát hiện tôm bị nhiễm một số bệnh nhất định, nên tiến hành một số biện phòng trị bệnh và điều chỉnh hoạt động thu hoạch để giảm thiểu sự lây lan dịch bệnh trong ao.
Trước khi có quyết định thu hoạch ao, việc cho tôm ăn phải được tạm dừng trước 4 – 6 giờ. Hiện, người nuôi thường ngừng cho tôm ăn ít nhất 48 giờ hoặc nhiều hơn trước khi thu hoạch, nhưng đây không được coi là phương pháp đúng. Bởi trong một thời gian dài không có thức ăn công nghiệp, tôm sẽ di chuyển xuống đáy ao để tìm thức ăn tự nhiên. Ở đây, tôm tiếp xúc với một lượng lớn chất thải tích tụ sẽ khiến cho chất lượng của chúng thấp đi khi xuất hiện mảng màu đen trong phần đầu ngực.
Việc ngưng cho ăn sẽ giúp giảm mạnh hoạt động trao đổi chất, đồng thời giúp tôm ít tiêu hao năng lượng, ít thải phân, giảm ô nhiễm môi trường trong quá trình bảo quản. Nhờ đó, tôm giữ được sức sống lâu hơn, tỷ lệ hao hụt sau thu hoạch giảm rõ rệt, nhất là khi phải vận chuyển xa hoặc xuất khẩu.
Cách thu hoạch
Trong quá trình thu hoạch, người nuôi cần cẩn thận để không làm tổn thương hoặc gây thương tích cho tôm. Tôm bị thương hoặc bị hư hỏng có thể trở thành nguồn lây nhiễm cho tôm khác. Tránh dẫm lên tôm hoặc xếp chúng quá nhiều. Ngoài ra, không nên để tôm ngoài không khí quá lâu vì chúng cần độ ẩm để giữ được độ tươi.
Khi đã quyết định thu hoạch, mực nước trong ao phải được hạ xuống đủ để có thể thu hoạch nhanh chóng và triệt để. Khuyến cáo một vụ thu hoạch ao phải được kết thúc trong 4 đến 8 giờ, tùy thuộc vào diện tích ao để duy trì tôm trong điều kiện tốt.
Quá trình thu hoạch cần thực hiện cẩn thận để không làm tổn thương hoặc gây thương tích cho tôm. Ảnh: Tép bạc
Bảo quản tôm
Bảo quản sống: Phương pháp này phức tạp, song có thể hoàn toàn đảm bảo được chất lượng, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Để bảo quản theo phương pháp này, tôm thu phải còn sống, khỏe mạnh, nguyên hình dạng, đẹp sau đó đưa vào giai đặt dưới nước nơi có nguồn nước sạch trong, gần nơi quản lý. Mật độ tôm bảo quản trong giai khoảng 300 con/m3, trong thời gian này, phải có hỗ trợ máy sục khí và thời gian bảo quản sống không nên quá 5 giờ. Sau đó đưa ngay tới nơi tiêu thụ, chế biến. Hiện nay đã có ô tô chuyên dụng để mua tôm sống cung cấp cho các siêu thị, nhà hàng.
Bảo quản tươi:
Bước 1: Rửa và lựa tôm: Sau khi thu hoạch phải rửa tôm bằng nước sạch, rửa và lựa tôm ở nơi thoáng mát. Tôm phải được đặt trên tấm bạt nhựa hoặc rổ nhựa sạch, không được để tôm trực tiếp xuống đất, sàn gỗ hoặc nền xi măng.
Bước 2: Gây chết tôm bằng nước đá lạnh: Sau khi rửa sạch thì gây chết tôm bằng nước đá lạnh theo tỷ lệ 2 phần tôm với 1 phần nước đá và 1 phần nước (nghĩa là 20 kg tôm cần 10 kg nước đá và 10 lít nước sạch). Cách thực hiện: Đổ nước vào thùng nhựa hoặc thùng cách nhiệt. Cho nước đá xay hoặc đá vảy vào theo tỷ lệ 10 kg nước đá và 10 lít nước. Khuấy đều cho nước đá tan (độ lạnh bằng 0ºC), đổ tiếp 20 kg tôm vào thùng, đậy nắp lại và giữ nước như vậy khoảng 30 phút.
Bước 3: Ướp tôm: Sau gây chết tôm bằng nước đá lạnh thì vớt ra và chuyển sang ướp với nước đá xay hoặc đá vảy trong thùng cách nhiệt. Tỷ lệ tôm và nước đá tùy thuộc vào thời gian bảo quản và vận chuyển tôm đến nơi thu mua. Nếu thời gian bảo quản và vận chuyển không quá 12 giờ thì cần ướp tôm với nước đá theo tỷ lệ 10 kg tôm với 5 kg nước đá. Nếu thời gian bảo quản và vận chuyển từ 12 – 24 giờ thì cần ướp tôm với nước đá theo tỷ lệ 10 kg tôm với 10 kg nước đá.
Đóng gói tôm
Cuối cùng là khâu đóng gói tôm. Tôm được đóng góp đúng cách nhằm đảm bảo tôm vẫn giữ được độ tươi trong quá trình phân phối. Có thể đóng gói bằng cách hút chân không, làm lạnh thùng chứa hoặc đóng gói bằng vật liệu cách nhiệt.
Tránh thu hoạch ngay sau những trận mưa lớn hoặc thời điểm nhiệt độ thay đổi đột ngột, vì tôm dễ bị sốc môi trường. Thứ hai, nên kiểm tra chất lượng nước ao như pH, ôxy hòa tan, nhiệt độ và độ mặn trước khi quyết định kéo lưới.
Nguyễn Hằng
Nguồn: Theo Tạp Chí Thủy Sản Việt Nam Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết. BQT Thủy Sản 247 Group. Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết