Kiểm soát tốt môi trường: Yếu tố thành bại trong nuôi tôm

Đối tác truyền thông thủy sản 247
Trước tình trạng dịch bệnh liên tục khiến hàng loạt tôm chết đột ngột, nguyên nhân chủ yếu được xác định là do ô nhiễm môi trường. Các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đang tập trung vào việc tìm kiếm giải pháp trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường trong các vùng nuôi tôm. Tuy nhiên, người nuôi tôm tại Hà Tĩnh lại đang đối mặt với những thách thức lại không hề nhỏ.

Trước tình trạng dịch bệnh liên tục khiến hàng loạt tôm chết đột ngột, nguyên nhân chủ yếu được xác định là do ô nhiễm môi trường. Các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đang tập trung vào việc tìm kiếm giải pháp trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường trong các vùng nuôi tôm. Tuy nhiên, người nuôi tôm tại Hà Tĩnh lại đang đối mặt với những thách thức lại không hề nhỏ.

thuysan247.com

Suy thoái môi trường, nỗi lo thường trực

Xã Hộ Độ là địa phương có diện tích ao hồ mặt nước nuôi tôm lớn  nhất huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh).  Toàn xã hiện có gần 93 ha nuôi tôm trong đó có 30 ha nuôi thâm canh,  hơn 4 ha nuôi theo hình thức công nghệ cao, số còn lại là bán thâm canh. Nghề nuôi tôm được địa phương xác định là một trong những mũi nhọn để phát triển kinh tế xã hội, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, thời gian gần đây nghề nuôi tôm ở xã Hộ Độ luôn đối diện với nhiều khó  khăn, nhất là môi trường vùng nuôi hiện không đảm bảo, phát sinh nhiều rủi ro.

Tại xã Thạch Châu, mặc dù diện tích nuôi tôm ở đây không lớn nhưng cũng từng là một điểm sáng trong việc phát triển kinh tế của hàng chục hộ dân. Tuy nhiên sau nhiều năm đưa vào hoạt động, các hộ nuôi tôm cho rằng, thời gian cho thuê đất khá ngắn, nên e ngại trong việc nâng cấp đầu tư sửa chữa vùng nuôi. Vì thế, sự xuống cấp của hệ thống ao hồ, đê bao, cống chính trong vùng nuôi càng ngày càng một nghiêm trọng. Nguồn nước và môi trường không đảm bảo nên  dẫn đến một số hộ nuôi tôm không còn mặn mà.

Xã Thạch Châu và xã Hộ Độ là hai trong số nhiều địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh đang đối diện với những khó khăn thách thức trong phát triển nghề nuôi tôm. Thực tế cho thấy, nhiều cánh đồng tôm như ở huyện Thạch Hà, huyện Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh đã được quy hoạch từ nhiều năm trước với diện tích ao đầm nhỏ lẻ manh mún, hệ thống kênh mương, cống tiêu thoát chưa phù hợp. Thêm vào đó là quá trình đưa vào sử dụng nhiều năm, tuy nhiên không được đầu tư nâng cấp sửa chữa nên đã hư hỏng xuống cấp. Sự tác động của biến đổi khí hậu đang có những diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến môi trường, nên một số vùng nuôi tôm ở nhiều địa phương luôn đối mặt với những khó khăn thách thức.

Cơ sở hạ tầng và khoa học công nghệ phải song hành

Khó khăn thách thức là vậy nhưng sản phẩm tôm nuôi vẫn được xác định là một trong những mũi đột phá để phát triển kinh tế của nhiều địa  phương. Tuy nhiên, các giải pháp nuôi phải thực hiện như thế nào mới cho giá trị kinh tế cao và mang lại hiệu quả bền vững. Thực tế cho thấy, thời gian qua đã có những mô hình nuôi tôm mỗi năm cho thu hoạch hàng chục thậm chí cả trăm tỷ đồng ra đời, mà một trong những thành công được đúc rút là đầu tư dây chuyền công nghệ nuôi bài bản, hiện đại, kiểm soát tối đa về môi trường, dịch bệnh để con tôm luôn sinh trưởng và phát triển tốt.

Hợp tác xã NTTS Xuân Thành, huyện Nghi Xuân thành lập  từ nhiều năm trước. Buổi đầu HTX cũng chỉ hoạt động cầm chừng, nuôi một vài ha, kết quả thu hoạch không cao. Sau nhiều lần học tập kinh nghiệm tại các vùng nuôi tôm công nghệ cao ở trong và ngoài nước, HTX Xuân Thành quyết định mở rộng quy mô diện tích, liên kết với các doanh nghiệp NTTS có uy tín,  đầu tư mua sắm thiết bị công nghệ xây dựng hệ thống nhà ương giống, hồ nuôi một cách bài bản, hệ thống sục khí cho ăn được lắp đặt tự động… Vì vậy, nhiều năm qua HTX luôn cho năng suất và sản lượng tôm vượt trội. Bình quân mỗi ha cho thu hoạch từ 20 đến 23 tấn/vụ.

Ông Hồ Quang Dũng, Giám đốc HTX cho biết: “Chúng tôi đang nuôi tôm áp dụng quy trình công nghệ cao 3 giai đoạn, sử dụng hoàn toàn bằng chế phẩm vi sinh. Mật độ nuôi ở mức trung bình để đảm bảo môi trường cho tôm sinh trưởng, hệ thống sục khí, máng cho tôm ăn được thiết kế tư động tuân thủ nghiêm ngặt thời gian, theo công  nghệ tuần hoàn khép kín. Tuy chi phí đầu tư ban đầu cao so với quy trình cũ nhưng nó có nhiều ưu việt, đó là kiểm soát được các yếu tố môi trường nước ao nuôi ngày từ đầu và suốt vụ nuôi, đặc biệt, luôn cung cấp đầy đủ khí ôxy, nên tôm luôn sinh trưởng phát triển tốt”.

Là địa phương ven biển có nhiều diện tích ao hồ mặt nước, đặc biệt là quỹ đất nuôi tôm trên cát ven biển rất phong phú, quan điểm của huyện Nghi Xuân là ưu tiên khuyến khích tạo điều kiện để các nhà đầu, tư các doanh nghiệp NTTS liên doanh liên kết  xây dựng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Điều này vừa tăng năng suất, sản lượng, tăng hiệu quả kinh tế vừa kiểm tra, kiểm soát được môi trường, hạn chế những rủi ro về dịch bệnh.

Tương tự như ở huyện Nghi Xuân, thời gian gần đây ở một số địa phương như ở Lộc Hà, TP Hà Tĩnh, huyện Cẩm Xuyên đã có rất nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao được đầu tư hàng chục tỷ đồng ra đời. Trong tổng số hơn 2.250 ha diện tích ao hồ đưa vào  nuôi tôm trong vụ xuân hè có hơn 400 ha diện tích nuôi theo hình thức công nghệ cao. Đặc biệt là có 40 cơ sở nuôi tôm công nghệ cao được xây dựng mới, vừa đưa vào hoạt động. Điều này cho thấy nuôi tôm vẫn là thế mạnh trên các vùng đất ven biển Hà Tĩnh.

Thực tế, hiện nay các vùng nuôi tôm công nghệ cao đã được xã hội hóa, các HTX, doanh nghiệp và hộ dân đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật. Để đồng hành cùng người dân, trong những năm qua, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đã nâng cấp cơ sở một số vùng nuôi; hàng năm xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các địa phương phát triển, triển khai theo đề án cũng như ban hành lịch thời vụ, có những cảnh báo quan trắc các yếu tố môi trường vùng nuôi để người dân chủ động thực hiện có hiệu quả.

Nuôi tôm từ lâu vẫn thường được nhắc đến như là một nghề bấp bênh, bởi những  tác động của tự nhiên, của con người, dẫn đến môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm, tôm chết hàng loạt. Tuy nhiên khi thành công lợi nhuận của con tôm mang lại là rất lớn. Vì vậy để nghề nuôi tôm mang lại cơ hội làm giàu thì cần rất nhiều sự đầu tư về cơ chế chính sách, về hạ tầng vùng nuôi, để từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật tập trung nuôi theo hướng công nghệ cao.

Nhờ áp dụng hình thức nuôi tôm công nghệ cao nên anh Hồ Quang Dũng có nhiều năm thắng lợi, mỗi ha cho thu hoạch từ 20 - 23 tấn/ vụ

Nguyễn Hoàn

Nguồn: Theo thuysanvietnam.com
Kính thưa quý độc giả, Thủy Sản 247 hiện đang là đối tác truyền thông uy tín của nhiều đơn vị báo chí, truyền thông, triển lãm, hội chợ chuyên ngành thủy sản trên toàn cầu. Với sứ mệnh kết nối truyền thông thủy sản, chúng tôi sẽ nỗ lực mang đến quý độc giả những thông tin hữu ích, kịp thời và uy tín. Để người nuôi tôm, cá và doanh nghiệp thuận tiện cho việc phát triển nuôi trồng và kinh doanh. Quý bạn đọc có thể tham khảo hệ sinh thái Thủy Sản 247 bằng cách bấm vào đây để biết thêm chi tiết.
BQT Thủy Sản 247 Group.
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết