Áp dụng kỹ thuật nuôi quảng canh truyền thống ở các ruộng lúa ven biển thấp trũng và rộng lớn (30 ha hoặc rộng hơn), những trang trại nuôi tôm đầu tiên ở Thái Lan có thể đã bắt đầu vào những năm 1930.
Do sự phụ thuộc vào dòng chảy của thủy triều tự nhiên để có nguồn giống hoang dã và sinh vật làm thức ăn xuất hiện trong tự nhiên, do đó năng suất thường là thấp (khoảng 200 kg mỗi ha mỗi năm – kg/ha/năm).
Nuôi tôm bán thâm canh ở Thái Lan đã bắt đầu từ những năm 1970 và đã được thay thế bởi nuôi tôm thâm canh vào năm 1987. Tôm sú Penaeus monodon là loài ưa chuộng vì sự sẵn có các trại sản xuất giống và khả năng tăng trưởng nhanh của tôm sú trong điều kiện nuôi bán thâm canh. Mật độ thả giống dao động từ 5 PL đến 10 PL/m2. Nuôi tôm bán thâm canh sử dụng các ao nhỏ hơn (1 – 8 ha) so với các trang trại quảng canh truyền thống và cho năng suất cao hơn đáng kể lên đến 1.000 kg/ha/năm.
Kể từ năm 1987, nuôi tôm ở Thái Lan dần dần tiến triển lên nuôi thâm canh tôm sú P. monodon với mật độ trong khoảng từ 20 PL/m2 đến 40 PL/m2. Trong gian đoạn này, các hệ thống nuôi nước chảy đã được sử dụng để duy trì chất lượng nước ao tốt và thúc đẩy tôm tăng trưởng. Với hai vụ một năm, năng suất từ các hệ thống này vào khoảng 4.000 đến 10.000 kg/ha/năm. Cách làm này đưa năng suất trang trại từ 23.566 tấn/năm vào năm 1987 lên khoảng 263.500 tấn/năm vào năm 1994.
Mật độ thả giống và sản lượng cao hơn dẫn đến một số yếu tố tiêu cực như virút đầu vàng (YHV) vào năm 1992 và hội chứng virút đốm trắng (WSSV) vào năm 1994. Để đối phó với các vấn đề bệnh này, các hệ thống nuôi tôm thâm canh bán khép kín có áp dụng an toàn sinh học và mật độ thả từ 40 PL/m2 đến 60 PL/m2 đã được phát triển để thay thế cho các hệ thống nuôi nước chảy, tăng sản lượng tôm lên khoảng 309.862 tấn/năm vào cuối năm 2000. Năm 2002, hội chứng tôm sú tăng trưởng chậm (MSGS) đã tấn công ngành nuôi tôm công nghiệp, khiến cho sản lượng hàng năm giảm khoảng 36%. Đây là dịch bệnh tôm nghiêm trọng nhất trong lịch sử nuôi tôm Thái Lan, kết thúc việc mở rộng nuôi tôm sú P. monodon thâm canh và đưa tôm thẻ chân trắng Thái Bình Dương (P. vannamei) vào nuôi trong những năm 2003 – 2004. Tôm thẻ chân trắng thích hợp với khí hậu nhiệt đới của Thái Lan và nhanh chóng thích nghi với hệ thống nuôi tôm thâm canh khép kín. Ngoài ra, từ năm 2005 đến năm 2008, một chương trình lai giống mới để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của tôm thẻ chân trắng và một công nghệ nuôi siêu thâm canh mới được phát triển tại Thái Lan. Mật độ thả tăng lên 40 PL/m2 đến 200 PL/m2 và sản lượng tăng lên khoảng 8.000 đến 30.000 kg/ha/năm, cho phép Thái Lan sản xuất gần 600.000 tấn trong năm 2009 – 2010!
Đến năm 2009 bùng phát dịch bệnh hội chứng tôm chết sớm, chính xác hơn gọi là bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (EMS/AHPND) gây ra bởi một độc tố sản sản sinh từ dòng Vibrio parahaemolyticus đã được báo cáo ở Trung Quốc. Bệnh lây lan sang Việt Nam vào năm 2010 và Malaysia vào năm 2011. Báo cáo đầu tiên về bệnh EMS/AHPND ở Thái Lan là vào thời gian cuối tháng 8 năm 2011 ở miền đông Thái Lan. EMS/AHPND dẫn đến giảm sản lượng nghiêm trọng còn khoảng 217.437 tấn/năm vào cuối năm 2014. Sự bùng phát dịch bệnh không chỉ làm giảm sản lượng, mà chính là nỗi sợ hãi bệnh khiến cản trở sự phục hồi ngành tôm.
Nuôi tôm có tầm quan trọng kinh tế to lớn đối với Thái Lan, tuy nhiên sự tăng trưởng nhanh chóng của nghề này đã nảy sinh một số vấn đề liên quan đến môi trường và an toàn thực phẩm. Từ đó trở thành một nhu cầu cơ bản để thiết lập các tiêu chuẩn nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của nghề nuôi tôm thâm canh về mặt chất lượng và an toàn, từ đó sẽ đạt được chấp thuận ở các cấp trong nước và quốc tế. Do vậy, một tiêu chuẩn đã được hình thành gọi là “Thực hành Nuôi trồng Thủy sản tốt đối với các trang trại tôm biển”, dựa trên thông tin được chứng minh thành công với các tiêu chuẩn tự nguyện của quốc gia Thái Lan về “Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP) trong các trang trại tôm biển (2005)” và “Quy tắc ứng xử trong nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm (2003)”. “Bộ Quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm của FAO (1999)” và “Quy phạm thực hành đối với thủy sản và sản phẩm thủy sản (2005)” cũng đã được kết hợp đưa vào bộ tiêu chuẩn mới.
Báo cáo của Hiệp hội Thực phẩm Đông lạnh Thái Lan (TFFA) cho biết trong suốt hai mươi năm qua, tôm đông lạnh và chế biến là các sản phẩm xuất khẩu thủy sản quan trọng nhất của Thái Lan. Sản lượng từ các trang trại nuôi tôm thâm canh khép kín đã tạo ra kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2010-2011.
Trong gian đoạn này, ngành nuôi tôm Thái Lan đã hưởng lợi do sản lượng tôm toàn cầu giảm ở các nước nuôi tôm khác, do bởi bị thiên tai và dịch bệnh. Kết quả là thị phần của Thái Lan trên thị trường quốc tế tăng và do đó giá cũng đã tăng.
Các yếu tố đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển của nghề nuôi tôm ở Thái Lan
Các trại sản xuất giống: Số lượng các trại tôm giống lớn, vừa và nhỏ (nội bộ) đang hoạt động tại Thái Lan dao động từ 1.000 đến 2.000. Trước sự bùng phát của EMS/AHPND, nhu cầu đối với tôm giống thẻ chân trắng dành cho nuôi tôm thâm canh vào khoảng 65.000 đến 78.000 triệu PL/năm. Trong giai đoạn bùng phát bệnh, nhu cầu giảm xuống còn 52.000 triệu PL/năm.
Thức ăn: Hầu hết các trang trại nuôi tôm ở Thái Lan sử dụng thức ăn chất lượng cao và có độ đạm cao. Lượng thức ăn tôm tiêu thụ hàng năm ước tính vào khoảng 900.000 tấn (sản lượng tôm 600.000 tấn với hệ số chuyển đổi thức ăn trung bình khoảng 1,5). Hai mươi hai nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi đã đăng ký với Bộ Thủy sản. Ngoài ra còn có khoảng 50 đến 100 công ty cung cấp hóa chất và nguyên liệu để khử trùng, cải thiện và quản lý chất lượng nước.
Thay nước: Ít thay nước trong nuôi tôm rất hữu ích để nâng cao tính bền vững môi trường nhờ giảm thiểu xả thải các chất gây ô nhiễm và giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh hoặc đưa các sinh vật mang mầm bệnh hoặc địch hại có thể xâm nhập vào nước ao từ các nguồn bên ngoài. Đây là một trong những cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát, đặc biệt là từ những nguyên nhân do việc thay nước. Ít thay nước phải được tăng cường thêm đủ sục khí để bù đắp các mức oxy thấp trong ao có hạn chế thay nước.
Tôm bố mẹ: Tôm thẻ chân trắng bố mẹ (P. vannamei) được sản xuất tại các cơ sở sản xuất tôm sạch bệnh đảm bảo sạch bệnh trong ít nhất hai năm.
An toàn sinh học: Với việc nuôi tôm thâm canh, an toàn sinh học đã ngày càng trở nên quan trọng ở Thái Lan. Tôm bố mẹ đã qua kiểm dịch, nauplii sạch bệnh (SPF) đã được chứng nhận, nước đã khử trùng và nguyên vật liệu sản xuất giống sạch bệnh được khuyến nghị làm các bước thực hành tốt về an toàn sinh học. Các biện pháp vật lý như mặc quần áo, mang giày đặc biệt để ngăn ngừa sự xâm nhập của các vật mang mầm bệnh bởi con người. Việc loại trừ các vật mang mầm bệnh, đặc biệt là các vật mang bệnh do virút cho tôm trong suốt quá trình chuẩn bị ao phải được thực hiện ở các trang trại. Chlorine và iodine thường được sử dụng để xử lý nước đầu vào và nguyên vật liệu trước khi đưa vào trang trại.
Chương Trình Di truyền: Chương trình lai giống tôm thẻ chân trắng đã gia tăng khả năng lợi nhuận bằng cách tạo ra giống tôm với tốc độ tăng trưởng nhanh hơn và khả năng kháng bệnh tốt hơn. Một cải tiến đáng kể liên quan đến hiệu suất tăng trưởng: kết quả cho thấy tỷ lệ tăng trưởng được quan sát ở nhiều vùng nuôi tăng từ mức trung bình khoảng 60 con/kg trong 100 ngày nuôi (0,17 gram/ngày) lên khoảng 60 con/kg trong 70 – 80 ngày nuôi (0,21 – 0,24 gam/ngày). Một chương trình lai giống chọn lọc nhằm thúc đẩy khả năng kháng lại bệnh đốm trắng và Vibrio đã khuyến khích nông dân nuôi tôm tham gia vào nuôi thâm canh khép kín do sự sẵn có của tôm giống ít nhạy cảm với một số tác nhân gây bệnh/mầm bệnh cụ thể.
Probiotics: Việc sử dụng các chế phẩm sinh học/men vi sinh, chủ yếu là vi khuẩn Bacillus và Lactobacillus, đã đưa đến sản lượng tôm tốt hơn ở Thái Lan. Việc sử dụng các chế phẩm sinh học trong nuôi tôm thâm canh khép kín nhằm mục đích thúc đẩy sự phân hủy chất thải hữu cơ tích tụ trong ao. Men vi sinh hỗ trợ tạo nên môi trường ao nuôi khỏe mạnh, giảm thiểu chất thải nitơ độc hại và ổn định pH ở trong khoảng 7,5 – 8,0, phạm vi mong muốn cho tôm tăng trưởng khỏe mạnh.
Máy cho ăn tự động: Kể từ năm 2009, máy cho tôm ăn tự động đã được phổ biến trong các trang trại nuôi tôm thâm canh tuần hoàn, đặc biệt là ở các trang trại quy mô vừa và quy mô lớn. Một máy cho ăn tự động được khuyến nghị dùng cho 300.000 đến 600.000 con.
Nguồn: Theo BioAqua.vn Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected]. Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo. |
Bình luận bài viết