Thị trường EU: Trong mờ mịt COVID-19, tôm Việt vẫn có đường sáng

Adv thuysan247
Ngành tôm phải nhìn ra được cơ hội khi thị trường chao đảo do tác động của COVID-19.

Thị trường càng khó khăn, người nuôi càng phải bình tĩnh.

Ngành tôm phải nhìn ra được cơ hội khi thị trường chao đảo do tác động của COVID-19.

thuysan247.com

EU vốn là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng khoảng 20,6% trong tổng giá trị xuất khẩu tôm hàng năm. Hiện nay, việc Châu Âu trở thành điểm nóng trong trận chiến với COVID-19 đã mang đến nỗi lo lớn cho ngành sản xuất tôm.

Trong khi những thị trường tiêu thụ chính vẫn đang chìm trong cuộc chiến mờ mịt chống lại COVID-19 thì cũng là thời điểm ngành nuôi tôm bước vào vụ nuôi chính, các nước châu Á bắt đầu đồng loạt thả nuôi. Cho đến nay, giá tôm ở Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam chỉ mới xuất hiện những biến động nhỏ, nhưng với tình hình sản lượng tăng trong vài tháng tới và diễn biến dịch bệnh chưa có dấu hiệu khởi sắc, các nước nuôi tôm đều lo lắng đứng ngồi không yên.

Dịch bệnh khiến người dân dừng các hoạt động du lịch, giải trí, kinh doanh,… các ngành dịch vụ gặp phải thảm họa, trong đó có dịch vụ ẩm thực cũng không ngoại lệ, mặt hàng tôm rơi vào vòng nguy hiểm khi hầu hết tôm ở châu Âu được tiêu thụ trong các nhà hàng. Thông thường, thị trường EU có nhu cầu tôm tăng đột biến vào kỳ nghỉ lễ Phục sinh. Năm 2020, những ngày lễ này diễn ra vào khoảng ngày 5 – 11/4.  Tuy nhiên, có khả năng dịch bệnh sẽ khiến mùa lễ hội trở nên ảm đạm, các nhà hàng vẫn sẽ đóng cửa trong lễ Phục sinh, kết quả là các nước xuất khẩu tôm sẽ mất một mùa buôn bán lớn trong năm.

Tuy nhiên, nhìn nhận ở khía cạnh lạc quan hơn thì tôm đông lạnh trong các chuỗi siêu thị và cửa hàng bán lẻ đang tăng vọt. Một số siêu thị lớn ở Hà Lan tổng kết doanh số bán tôm của họ tăng 1,4 – 2,2 lần so với bình thường. Mặc dù doanh số bán lẻ có thể chậm lại khi người dân bắt đầu quen với tình huống mới và ngừng mua sắm hoảng loạn, thì vẫn có khả năng doanh số bán lẻ tôm vẫn ở mức cao hơn bình thường do nhà hàng, quán ăn bị đóng cửa.

Câu hỏi đặt ra cho các nước xuất khẩu tôm như Việt Nam là liệu doanh số bán lẻ tăng có bù đắp được cho khoảng mất mát ở những kênh tiêu thụ khác không? Đáng buồn, câu trả lời cho đa số là không.

Đối với người tiêu dùng châu Âu, tôm là một sản phẩm tương đối khó để nấu tại nhà, mặc dù tiêu thụ tôm tại nhà sẽ tăng nhưng không thể hy vọng ở mức nhiều như thông thường. Hơn nữa, bán lẻ có tính chất là sản phẩm nhỏ, doanh số thu được không thể nào bằng những lô tôm khổng lồ mà các nhà hàng thường tiêu thụ. Do đó, tiêu thụ tôm tổng thể của châu Âu theo dự đoán có khả năng giảm tới 20% cho đến tận mùa hè.

Các quốc gia đang tập trung cho kênh bán buôn ở châu Âu như Bangladesh, Ấn Độ sẽ phải đối mặt tình huống đặc biệt khó khăn, doanh số mặt hàng tôm của những nước này sang châu Âu chắc chắn sẽ giảm hơn nữa trong những tháng tới.

Trong khi đó, Việt Nam có thể sẽ gặp ít vấn đề hơn với xu hướng tiêu dùng mới của châu Âu. Mặt hàng tôm Việt Nam ở châu Âu vốn tập trung chủ yếu cho lĩnh vực bán lẻ, vì vậy nhu cầu tăng từ ngành bán lẻ có thể giúp chúng ta bù đắp khoảng mất mát từ doanh số trong kênh bán buôn. Trên hết, Việt Nam vừa ký hiệp định thương mại tự do với EU, chỉ cần các nhà nhập khẩu tôm Việt Nam ở châu Âu có thể giải quyết hàng tồn kho và nhập khẩu những lô tôm mới, thì dù với mức giá giảm trong một vài tháng cũng sẽ mang lại lợi ích cho cả nhà nhập khẩu và công ty xuất khẩu từ Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải lưu ý rằng chỉ những công ty đã tham gia được vào kênh bán lẻ và có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng mới có thể trông cậy vào kênh bán lẻ để vượt qua mùa dịch COVID-19.

Tình hình COVID-19 ở các nước châu Á đã ổn định hơn, một số thị trường lớn như Trung Quốc bắt đầu manh nha khởi sắc. Bên cạnh đó, thị trường châu Âu cũng không quá u ám như lời đồn thổi. Với tình hình hiện nay, người nuôi tôm phải tỉnh táo, không nên quá hoang mang:
- Đối với tôm đang đến thời điểm thu hoạch: bình tĩnh, thu đúng kế hoạch, không vội vàng tránh bị thương lái lợi dụng ép giá.
- Đối với thả nuôi vụ mới: phải cẩn thận nhưng không được hoảng loạn, theo dõi khuyến cáo từ các nguồn tin chính thống, thả nuôi với mật độ vừa phải, tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn từ các nước nhập khẩu.
Nguồn: Theo tepbac.com
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết