Quyết chuyển đất lúa sang nuôi ốc, thu hàng trăm triệu đồng

Adv thuysan247
Mô hình nuôi ốc nhồi của anh Nguyễn Văn Sáu (Chợ Đồn, Bắc Kạn) ban đầu vốn chỉ từ vài chục triệu đồng đến nay đã có đầu ra ổn định, với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Anh Nguyễn Văn Sáu kết hợp nuôi ốc nhồi với trồng cây tai tượng để làm thức ăn và che nắng cho ốc.

Mô hình nuôi ốc nhồi của anh Nguyễn Văn Sáu (Chợ Đồn, Bắc Kạn) ban đầu vốn chỉ từ vài chục triệu đồng đến nay đã có đầu ra ổn định, với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

thuysan247.com

Đến thăm mô hình nuôi ốc của anh Nguyễn Văn Sáu ở thôn Bản Cáu vào đầu giờ sáng, ngay giữa cánh đồng của thôn là 4 ao nuôi ốc rộng 1.000m2, xung quanh ao được che chắn bởi những tấm lợp bằng xi măng cũ. Vừa dẫn chúng tôi ra thăm ao nuôi ốc, anh Sáu vừa chia sẻ về cái duyên đến với nghề nuôi ốc nhồi.

Với diện tích ruộng lúa hàng nghìn mét vuông, năm hai vụ lúa thì thừa thóc ăn nhưng không có cơ hội làm giàu. Anh quyết định thay đổi cách sản xuất. Tìm hiểu trên mạng xã hội, anh thấy tại xã Quảng Chu (Chợ Mới) có nhiều mô hình nuôi ốc nhồi, năm 2014 anh đến xã Quảng Chu để tìm hiểu cụ thể và học cách nuôi ốc nhồi.

Ban đầu, anh quyết định nuôi thử nghiệm, chuyển 250m2 ruộng lúa hai vụ sang làm ao nuôi ốc. Kết quả đạt được ngoài mong đợi, từ diện tích nuôi thử ban đầu, anh Sáu đã chuyển đổi cả 1.000m2 ruộng sang nuôi ốc. Theo anh Sáu, ao nuôi ốc không phải đào sâu, chỉ sâu khoảng 1m là đủ, ngoài mua giống ốc ban đầu, anh tự nhân giống cho các ao còn lại, chủ động hoàn toàn kỹ thuật nuôi ốc, nguồn thức ăn… Từ mạng xã hội, anh được một người bạn trong Nam gửi giống cây tai tượng, đây là loại cây trồng để làm bóng mát và thức ăn cho ốc rất tốt, ngoài ra cây cũng làm rau xanh rất ngon (nhất là cuống hoa xào với ốc).


Hơn 1.000m2 đất lúa được chuyển sang nuôi ốc.

Theo anh Sáu, ốc là đối tượng nuôi rất dễ và nguồn thức ăn khá phong phú, nhưng ốc nhồi lại rất nhạy cảm với thức ăn bẩn. Thức ăn của ốc nhồi khá đa dạng nên anh có thể tận dụng bèo tấm, rau mồng tơi, lá sắn, lá bầu… Anh cũng chú ý nguồn thức ăn đảm bảo an toàn, không bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài thức ăn, nuôi ốc nhồi cần quan tâm đến chất lượng nguồn nước. Nước phải đảm bảo không bị ô nhiễm và luôn duy trì mực nước từ 40 - 100cm. Hàng ngày cần quan sát lượng thức ăn tiêu thụ để bổ sung hợp lý. Nếu thức ăn dư thừa sẽ ô nhiễm nguồn nước dẫn đến ốc bị chết. Ốc nhồi mùa đông dường như không hoạt động, lúc đó cần giảm lượng nước trong ao để ốc rúc xuống bùn trú đông, hoặc thả cây bèo lục bình xuống ao để giữ ấm cho ốc.

Hiện, ốc nhồi còn là đặc sản, có thể nấu được với rất nhiều món ăn ngon khác nhau nên nuôi ốc khá triển vọng và cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, so với các loại vật nuôi khác thì nuôi ốc nhồi chi phí đầu tư thấp và không cần mua thức ăn cho ốc, rất phù hợp với nuôi nhỏ lẻ để tăng thu nhập.

Đến nay, gia đình anh Sáu đã chuyển đổi toàn bộ diện tích ruộng và ao quanh nhà để nuôi ốc, với gần 2.000m2 ao nuôi ốc. Sau 3 năm, anh Sáu bắt đầu bán giống ốc cho các hộ dân có nhu cầu nuôi trong khu vực. Ốc nhồi nuôi sau 12 tháng là sinh sản và thời gian ốc nhồi sinh sản từ tháng 2 - 8 âm lịch. Với kinh nghiệm tích lũy được, anh Sáu còn nhiệt tình chia sẻ phương thức nuôi ốc nhồi cho nhiều người dân trong xã. Đến nay một số hộ dân trong vùng đã đến học hỏi kinh nghiệm và bắt tay vào nuôi.

Theo anh Sáu, hiệu quả mang lại từ bán ốc là rất tốt, mỗi ngày thu trứng ốc được 1kg, giá bán 600.000 đồng/1kg, 1kg ốc giống con (sau khi nở) có giá 5 triệu đồng, thu nhập từ nuôi ốc trên 100 triệu đồng/năm. Hiện anh hỗ trợ 4 hộ trong xã nuôi ốc thương phẩm, mục tiêu đến năm 2021 sẽ cho ra đặc sản ốc nhồi ống nứa, ghi tên vào sản phẩm OCOP.

Nguồn: Theo Báo Bắc Kạn
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết