Ngành thủy sản thế nào sau nửa tháng thực thi EVFTA

Adv thuysan247
Ngày 1/8, EVFTA chính thức được thực thi và ghi nhận sự tăng trưởng trong đơn hàng. Tuy nhiên việc tăng trưởng chưa được như kỳ vọng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu.

Các đơn hàng cho sản phẩm tôm từ EU tăng nhiều hơn khi EVFTA thực thi. Ảnh minh họa

Ngày 1/8, EVFTA chính thức được thực thi và ghi nhận sự tăng trưởng trong đơn hàng. Tuy nhiên việc tăng trưởng chưa được như kỳ vọng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu.

thuysan247.com

Đơn hàng tôm, mực phục hồi

Sau hơn 2 năm châu Âu quyết định rút "thẻ vàng" đối với ngành thủy sản, giá trị xuất khẩu cũng như sản lượng tại thị trường này sụt giảm nghiêm trọng. Từ vị trí thứ 2 chiếm khoảng 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của thủy sản Việt Nam, EU rớt xuống vị trí thứ 5 khi chỉ còn chiếm 13%. Do đó, khi EVFTA có hiệu lực, ngành thủy sản kỳ vọng sẽ có sự phục hồi về hoạt động xuất khẩu tại thị trường này.

Theo khảo sát của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kể từ khi EVFTA chính thức được đưa vào thực thi vào đầu tháng 8/2020 đã cho thấy có nhiều dấu hiệu tích cực tại thị trường châu Âu.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP chia sẻ, số lượng đơn hàng tính riêng tại thị trường châu Âu tăng 10% so với tháng cùng kỳ tháng 7. Chứng tỏ EVFTA đã có những tác động rõ ràng đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam.

“Đây là tín hiệu đáng mừng vì trong những năm vùa qua kim ngạch và sản lượng thủy sản xuất sang thị trường này liên tục sụt giảm. Mặc dù chưa được như kỳ vọng của chúng tôi là tăng trưởng 20% nhưng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành đã là rất tốt”, ông Hòe nói.

Cũng theo ông Hòe, số lượng đơn hàng tăng tập trung ở những mặt hàng tôm, mực. Đơn cử, Công ty cổ phần thủy sản và thương mại Thuận Phước, từ đầu năm 2020 ghi nhận sự tăng trưởng trong hoạt động xuất khẩu, bất chấp tác động của dịch bệnh Covid-19. Nay EVFTA được đưa vào thực thi càng giúp tình hình kinh doanh của công ty thêm thuận lợi.

“Đến thời điểm hiện tại, công ty xuất khẩu 3.000 tấn tôm và các sản phẩm làm từ con tôm tăng 8% so với cùng kỳ năm 2019; về giá trị đạt trên 31 triệu USD tăng gần 6%. Các mặt hàng chế biến sẵn được tiêu thụ rất tốt. Và sản phẩm làm từ tôm là thế mạnh của công ty nên tình hình kinh doanh của công ty vẫn đạt mức tăng trưởng khả quan trong thời gian vừa qua”, ông Trần Văn Lĩnh, chủ tịch HĐQT Công ty CP thủy sản và thương mại Thuận Phước chia sẻ.

Cá “tỉ đô” vẫn tiếp tục lao đao

Nếu như các mặt hàng tôm, mực ghi nhận sự phục hồi tích cực thì với mặt hàng cá tra tình trạng vẫn hết sức ảm đạm.

Bà Đỗ Thị Thanh Thủy - Giám đốc Kinh doanh Công ty CP Nam Việt cho biết, từ đầu năm đến nay sản lượng và giá trị xuất khẩu sản phẩm cá tra của công ty giảm từ 30 đến 40% so với cùng kỳ. Ngoài việc sản lượng sụt giảm, giá cả cũng thấp hơn so với thời điểm trước.

Những doanh nghiệp xuất khẩu cá tra khác tình hình cũng tương tự. Ông Nguyễn Văn Kịch - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Cafatex (Hậu Giang) cho biết, cá tra Việt Nam đang ở trong tình trạng khủng hoảng kép. Nguyên nhân, thời gian qua mặt hàng này ở tình trạng dư cung, trong khi đó diễn biến của dịch bệnh Covid-19 khiến việc tiêu thụ bị chậm lại. Trong ngắn hạn, rất khó để tìm ra giải pháp với mặt hàng này.  

“Từ nay tới cuối năm, chỉ còn biết chờ tới khi các nước kiểm soát được tình hình dịch bệnh và mở cửa trở lại thì hoạt động xuất khẩu mới khôi phục trở lại được”, ông Kịch nhận định.

Cùng nhận định, ông Ong Hàng Văn - Phó Giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang (tỉnh Đồng Tháp) – cho biết, trong 7 tháng đầu năm, cá tra là một trong những mặt hàng kim ngạch xuất khẩu của công ty giảm tới 30% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong thời gian qua, bên cạnh các thị trường truyền thống lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU, doanh nghiệp này mở thêm các thị trường khác như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc…. Tuy nhiên, những quốc gia cũng bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh nên hoạt động xuất khẩu cũng bị giảm sút.

Một số doanh nghiệp trong ngành cho rằng, ngoài việc hy vọng dịch bệnh Covid-19 sớm được kiểm soát thì việc gỡ được “thẻ vàng” mới là yếu tố quan trọng nhất để ngành thủy sản phục hồi lại các hoạt động xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Dự báo tình hình xuất khẩu từ đây đến cuối năm, ông Hòe cho rằng rất khó đoán định, vì dịch bệnh Covi-19 vẫn còn hoành hành.

“Hiện một số nước đang cố gắng mở cửa trở lại nhưng vẫn chưa được. Đơn cử như Mỹ và châu Âu đã có thời điểm mở cửa nhưng rồi lại phải đóng do làn sóng Covid-19 mới lại ập đến. Trừ khi nào dịch bệnh được kiểm soát thì mới hy vọng mọi thứ sẽ phục hồi trở lại”, ông Hòe nói.

Nguồn: Theo Thế giới tiếp thị
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết