Khoa học công nghệ: Nền tảng phát triển thủy sản

Adv thuysan247
Ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng đang là hướng đi tất yếu hiện nay. Bởi đây được coi là mấu chốt để giải quyết các vấn đề khó khăn của ngành.

Ảnh minh họa

Ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng đang là hướng đi tất yếu hiện nay. Bởi đây được coi là mấu chốt để giải quyết các vấn đề khó khăn của ngành.

thuysan247.com

Vị trí quan trọng

Số liệu thống kê của UNCTAD (Tổ chức kinh tế thương mại lớn nhất thuộc hệ thống Liên hợp quốc) trong suốt các năm từ 1995 - 2016 (UNSTAD, 2017) cho thấy, nông nghiệp và khoa học công nghệ Việt Nam đang đi đúng hướng khi tập trung đầu tư “quả đấm thép” vào phát triển rau quả và thủy sản xuất khẩu; vừa khai thác đúng thế mạnh quốc gia, vừa đáp ứng trúng nhu cầu của thị trường thế giới.

Năm 2008, Việt Nam có 5 nhóm mặt hàng về nông sản có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm, đến nay chúng ta có 10 nhóm mặt hàng nông sản đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm; trong đó, 5 mặt hàng (tôm, trái cây, hạt điều, cà phê và đồ gỗ) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD/năm. Trong thành công của ngành nông nghiệp đó, khoa học và công nghệ đã thực sự là một trong các giải pháp quan trọng đã đóng góp có hiệu quả, tạo ra chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp như nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh trang của sản phẩm, hàng hóa nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế, giải quyết bài toán cực đoan về biến đổi khí hậu… phục vụ tái cơ cấu nền nông nghiệp, nâng cao đời sống của nông dân.

Đại diện Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết, trước năm 2010, các công nghệ nuôi tôm gồm có nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến, bán thâm canh và thâm canh với đặc điểm chung là phân biệt dựa trên mật độ và năng suất nuôi, điều kiện cơ sở hạ tầng, diện tích ao nuôi. Còn bây giờ các mô hình công nghệ cao như hệ thống nuôi tuần hoàn (RAS), nuôi tôm nước chảy kiểu sông trong ao (raceway), nuôi tôm theo quy trình 3 pha, nuôi siêu thâm canh nhiều tầng, nuôi siêu thâm canh trong nhà kính, nuôi tôm sử dụng thức ăn có nguồn gốc từ thực vật lên men và mô hình nuôi Biofloc, Semi-biofloc, Copefloc… 

Nuôi tôm công nghệ cao sử dụng nhà bong bóng của Tập đoàn Việt - Úc - Ảnh: PTC

 

Doanh nghiệp lớn tiên phong

Điển hình như Tập đoàn Minh Phú. Trước đây, Minh Phú chủ yếu phụ thuộc vào sự quan sát và trực giác của công nhân và lượng thức ăn cũng như chất lượng nước thay đổi tùy theo bể nuôi, tuy nhiên hiện tại Công ty đang tự động hóa quá trình chăm sóc tôm hết mức có thể để giảm thiểu mức độ khác biệt giữa các bể nuôi. Minh Phú sử dụng công nghệ AI để tính toán lượng thức ăn tối ưu dựa trên điều kiện thời tiết và giai đoạn phát triển của tôm. Nhìn chung, hệ thống mới này dự kiến sẽ mang lại năng suất gấp ba lần so với các phương pháp truyền thống.

Hay mô hình nuôi TTCT theo công nghệ BioSipec (nuôi tôm 3 giai đoạn), sử dụng chế phẩm sinh học Biofloc trên ao nổi của Công ty CP Thủy sản Tân An (Quảng Ninh). Theo ông Ngô Hùng Dũng, Giám đốc Công ty, công nghệ này áp dụng rất nhiều kỹ thuật tiên tiến cũng như ứng dụng chế phẩm sinh học Semi Biofloc có giá trị dinh dưỡng cao làm thức ăn cho tôm, đã giúp giảm tới 30% lượng thức ăn trong ao nuôi, duy trì chất lượng môi trường nước tốt, đảm bảo cho tôm sinh sống, hạn chế dịch bệnh, đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường. Mặc dù, giá trị đầu tư trung bình cho 1 ha nuôi theo công nghệ BioSipec và sử dụng chế phẩm sinh học Biofloc khoảng 20 tỷ đồng, gấp 4 lần hình thức nuôi công nghiệp thông thường, nhưng lại cho hiệu quả vượt trội: Tỷ lệ sống 85%; sản lượng 30 tấn/ha/vụ, gấp 2 lần nuôi thông thường; đạt 5 - 6 vụ nuôi/năm, hơn 3 - 4 vụ/năm; dịch bệnh trên con tôm dễ được kiểm soát và hạn chế sự lây lan… Tại Tân An, hiện tôm thương phẩm được nuôi tối đa đạt 6 vụ/năm, sản lượng gần 200 tấn/ha/năm, gấp gần chục lần so mô hình nuôi tập trung thông thường.

 

Đẩy mạnh ứng dụng

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT), cho biết, thời gian qua, nhiều công nghệ mới, công nghệ tiên tiến đã được ứng dụng vào sản xuất, các sản phẩm nghiên cứu khoa học của các viện, trường đã được ứng dụng vào sản xuất hiệu quả, như: giống cây trồng và vật nuôi, quy trình công nghệ, các tiến bộ khoa học kỹ thuật… Các viện, trường đã có sự phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã, địa phương hay thông qua các mô hình khuyến nông đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật được nhanh chóng chuyển giao, phục vụ sản xuất. 

Bên cạnh kết quả đạt được, bà Thủy cho rằng hoạt động khoa học công nghệ còn gặp khó khăn. Cụ thể, vẫn còn các sản phẩm khoa học trình độ thấp, công nghệ bảo quản chế biến yếu dẫn đến thất thoát cao, việc chuyển giao công nghệ sản xuất còn hạn chế; các văn bản quản lý còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, cơ chế chính sách chậm đổi mới; hoạt động tổ chức khoa học và công nghệ thiếu liết kết giữa các doanh nghiệp; chuyển đổi mô hình tự chủ chậm; hạn chế tự chủ tổ chức, nhân lực và tài chính; văn bản hướng dẫn tự chủ chưa đồng bộ, sử dụng nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa hiệu quả…

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, để những chính sách dành cho khoa học công nghệ trong lĩnh vực thủy sản đi vào sản xuất hiệu quả hơn, cần có sự đánh giá toàn diện hơn để lắng nghe chia sẻ từ phía doanh nghiệp, phát triển sự kết nối giữa các đơn vị hỗ trợ và đơn vị có nhu cầu, thảo luận một cách hiệu quả và thiết thực hơn.

Nguồn: Theo thuysanvietnam.com.vn
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết