Kê khai nuôi thủy sản: Chưa quan tâm, thiếu đồng bộ

Adv thuysan247
Việc kê khai ban đầu đối với nuôi trồng thủy sản là một trong những điều kiện bắt buộc để Nhà nước xem xét hỗ trợ người sản xuất khi bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, lâu nay, người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Phú Yên, nhất là nuôi thủy sản bằng lồng bè chưa coi trọng việc này.

Hình minh họa

Việc kê khai ban đầu đối với nuôi trồng thủy sản là một trong những điều kiện bắt buộc để Nhà nước xem xét hỗ trợ người sản xuất khi bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, lâu nay, người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Phú Yên, nhất là nuôi thủy sản bằng lồng bè chưa coi trọng việc này.

thuysan247.com

Người nuôi chưa coi trọng

Bão lụt vừa qua đã khiến nhiều hộ nuôi thủy sản ở TX Sông Cầu điêu đứng, bởi thủy sản nuôi bị sốc nước lũ dẫn đến chết hàng loạt. Ông Lê Văn Hết ở thôn Dân Phú 2, xã Xuân Phương (TX Sông Cầu), cho biết: “Năm nay, gia đình tôi nuôi 30 lồng với khoảng 7.500 con tôm hùm xanh tại vùng nuôi Vũng La thuộc vịnh Xuân Đài. Ngay từ đầu năm, địa phương có hướng dẫn nên gia đình tôi đã kê khai số lượng tôm nuôi nói trên và nộp cho UBND xã Xuân Phương. Đợt lũ lụt sau bão số 12 vừa qua, tôm nuôi của gia đình tôi bị sốc nước ngọt, chết hết, bao nhiêu vốn liếng đầu tư bây giờ trắng tay. Hiện gia đình tôi còn nợ Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh TX Sông Cầu 70 triệu đồng nhưng không biết làm gì để trả nợ. Nhà nước cần có chính sách khoanh nợ, tiếp tục cho vay để tái sản xuất và có chính sách hỗ trợ người nuôi thủy sản bị thiệt hại…”. Ông Lê Văn Hết cho biết thêm, hiện khu vực gia đình ông đang nuôi tôm đã được quy hoạch chi tiết hay chưa thì ông không biết…

Bà Bùi Thị Viện ở thôn Dân Phú 2, xã Xuân Phương, cho hay: Đợt này, gia đình tôi thả nuôi tổng cộng 170 lồng với khoảng 2.000 con tôm hùm bông và gần 32.000 con tôm hùm xanh tại vùng nuôi Vũng La, vịnh Xuân Đài. Đợt lũ lụt vừa rồi nước lũ đổ về rất nhanh, gia đình trở tay không kịp khiến tôm nuôi bị sốc nước ngọt và chết sạch. Để vớt vát lại phần nào số vốn đã đầu tư, gia đình tôi lựa những con tôm hùm chết nhưng còn tươi và bán được 100 triệu đồng. Hiện gia đình còn nợ ngân hàng 250 triệu đồng. Trước đây, gia đình tôi nuôi tôm hùm cũng có nhiều lần bị thiệt hại do thiên tai và có làm thủ tục kê khai nhưng không được hỗ trợ nên năm nay gia đình tôi kê khai ban đầu chỉ nuôi khoảng 50 lồng tôm hùm…

Theo UBND TX Sông Cầu, trên địa bàn thị xã hiện có 1.735 bè nuôi thủy sản với khoảng 76.000 lồng nuôi, trong đó chủ yếu tôm hùm. Do ảnh hưởng bão số 12 và mưa lũ sau bão, thủy sản nuôi trên địa bàn bị thiệt hại rất nặng. Thống kê đến ngày 17/11, có 1.902 lồng nuôi tôm hùm của 247 hộ bị thiệt hại do mưa lũ, với số tiền khoảng 62,7 tỉ đồng, tập trung ở các địa phương xung quanh vịnh Xuân Đài như các xã Xuân Phương, Xuân Thọ 1 và các phường Xuân Thành, Xuân Yên, Xuân Đài, Xuân Phú. Ngoài ra, bão lũ còn gây thiệt hại gần 160ha nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá mú, cua biển… với số tiền 11 tỉ đồng. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND phường Xuân Thành, cho biết: Đợt lũ lụt vừa rồi, ở phường Xuân Thành có nhiều hộ nuôi thủy sản lồng bè bị thiệt hại nặng. Theo thống kê ban đầu, có 64 hộ nuôi khoảng 48.160 con tôm hùm xanh thương phẩm, 330.800 con tôm hùm xanh loại nhỏ, 1.100 con tôm hùm bông, 10.920 con cá bớp và khoảng 5.330 con cá biển nuôi khác bị chết. Hàng năm, địa phương đều tổ chức cho người nuôi thủy sản lồng bè kê khai ban đầu về số lượng lồng nuôi, số lượng thủy sản nuôi… Hiện địa phương nhận rất nhiều đơn kê khai của bà con nuôi thủy sản lồng bè trên địa bàn, tuy nhiên có nhiều đơn kê khai không phù hợp như quy định…

Sớm hỗ trợ ổn định vùng nuôi

Ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó Trưởng Phòng Kinh tế (TX Sông Cầu, tỉnh Phú Yên), cho biết: Đến nay địa phương đã công nhận 47 tổ chức cộng đồng nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, đăng ký kê khai ban đầu nuôi trồng thủy sản  lồng, bè trên toàn thị xã hơn 2.500 hộ, trong đó xã Xuân Thịnh 321 hộ, phường Xuân Yên 280 hộ, phường Xuân Thành 310 hộ, xã Xuân Phương 989 hộ, phường Xuân Đài 211 hộ, xã Xuân Cảnh 418 hộ.

Theo Sở NN-PTNT, UBND tỉnh Phú Yên đã quy định về quản lý nuôi trồng thủy sản  bằng lồng bè trên các vùng ven biển ở Phú Yên. Theo đó, các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản  lồng bè phải có quyết định giao hoặc cho thuê mặt nước để nuôi trồng thủy sản  lồng, bè của UBND tỉnh hoặc của UBND cấp huyện. Cơ sở nuôi trồng thủy sản  lồng bè phải đáp ứng được các quy định về bảo vệ môi trường, an toàn dịch bệnh, an toàn lao động, an toàn thực phẩm… Các hộ nuôi trồng thủy sản  phải thực hiện kê khai ban đầu và UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận vào bản kê khai ngay khi thực hiện nuôi trồng. Đối với giống thủy sản nhập khẩu phải được kiểm dịch, nuôi cách ly, kiểm tra chất lượng; giống thủy sản nhập từ tỉnh khác phải có giấy kiểm dịch do cơ quan quản lý dịch bệnh thủy sản của địa phương nơi xuất giống cấp. Giống thủy sản trong tỉnh phải có nguồn gốc rõ ràng, được vận chuyển và thả nuôi đúng kỹ thuật; chất lượng giống phải đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn tương ứng…

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, cho biết: Mặc dù địa phương và các ngành chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp để quản lý các vùng nuôi thủy sản lồng bè trên địa bàn tỉnh, nhưng đến nay công tác quản lý vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại. Tỉnh đã quy hoạch tổng thể các vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, nhưng các địa phương triển khai quy hoạch chi tiết còn chậm. Tình trạng vận chuyển, kinh doanh tôm hùm giống trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra phức tạp, khó kiểm soát; đầu mối kinh doanh tôm hùm giống tại các địa phương trong tỉnh thường trốn tránh kiểm tra, không tuân thủ quy định về quản lý giống. Trong khi đó, người nuôi chưa quan tâm và hầu như không yêu cầu người bán cung cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, xét nghiệm bệnh cũng như giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ lô hàng. Các tổ chức, cá nhân không thực hiện đăng ký kiểm dịch giống xuất tại nơi xuất phát nên việc nắm bắt thông tin tôm hùm giống nhập về Phú Yên từ cơ quan kiểm dịch các tỉnh bạn rất hạn chế… 

Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kết hợp với các phòng, ban chức năng của TX Sông Cầu khẩn trương kiểm tra, hướng dẫn giải pháp nhằm giúp người nuôi bảo đảm thủy sản nuôi đến khu vực an toàn, đồng thời hướng dẫn xử lý xác thủy sản nuôi bị chết, không để gây ô nhiễm môi trường. TX Sông Cầu cần thống kê đầy đủ thiệt hại đối với thủy sản nuôi bị chết do ảnh hưởng bão số 12 và lũ lụt sau bão để báo cáo tỉnh kiến nghị Trung ương xem xét, có chính sách hỗ trợ.

Nguồn: Theo Báo Phú Yên
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết