Cậy nhờ vào đâu để vực dậy cá tra Việt?

Adv thuysan247
Ngành cá tra phải trông cậy vào đâu để thoát khỏi tình hình u ám hiện nay?

Hình minh hoạ

Ngành cá tra phải trông cậy vào đâu để thoát khỏi tình hình u ám hiện nay?

thuysan247.com

Theo ước tính của các Infofish trong năm 2019, Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ và Indonesia sản xuất 2,2 triệu tấn trong đó Việt Nam chiếm trên 50% sản lượng. Sau khi Mỹ áp dụng luật chống phá giá lên cá tra Việt Nam vào năm 2002, sản lượng không giảm mà còn gia tăng gấp 8 -10 lần và xuất đến trên 120 quốc gia.

Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh chóng công nghiệp này đối diện một số thách thức: môi trường thoái hóa, dịch bệnh gia tăng, thiếu nghiên cứu cơ bản về dinh dưỡng và sự cạnh tranh từ các loài cá khác và từ các quốc gia khác. Chìa khóa cho sự phát triển công nghiệp cá da trơn dựa vào sự sinh sản thành công, hệ thống nuôi thâm canh và hiệu quả, sáng kiến của nông dân, kỹ thuật chế biến tiên tiến và hệ thống tốt marketing.

Sản xuất giống cá

Theo thống kê, toàn vùng ĐBSCL hiện có 230 cơ sở sản xuất cá tra giống, khoảng 4.000 hộ dân ương cá tra giống với diện tích 3.500 ha; tập trung chủ yếu ở An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, Đồng Tháp. Nguồn cá tra giống đủ để đảm bảo diện tích nuôi 5.200 ha với sản lượng thành phẩm là 1,4 triệu tấn/năm.

Nhằm đáp ứng đủ nhu cầu con giống chất lượng cao, ổn định cung – cầu về sản xuất giống, có thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, huy động các thành phần kinh tế tham gia chuỗi, góp phần phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, Bộ NN&PTNT đã ban hành Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL. Theo đề án giống cá tra ba cấp, mục tiêu đến năm 2020, các chuỗi sản xuất giống cá tra 3 cấp đáp ứng 50% nhu cầu giống cá tra chất lượng cao cho ĐBSCL, nhu cầu toàn vùng là 2,2 – 2,5 tỷ con; đến 2050, cung cấp 100% giống cá tra chất lượng cao với 2,5 – 3 tỷ con giống cá tra chất lượng cao cho toàn vùng.

Tuy nhiên khi đánh giá về chất lượng cá tra giống, các chuyên gia trong ngành cho rằng, vấn đề này vẫn chưa được cải thiện nhiều. Bởi trên thực tế, số lượng hộ tham gia sản xuất giống khá lớn, nhưng phân bố rải rác ở nhiều nơi toàn vùng nên dẫn đến chất lượng giống không đều nhau. Mặt khác, trình độ kỹ thuật ươm cá tra giống của nông dân còn hạn chế cũng là nguyên nhân khiến chất lượng giống kém, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh tế khi đưa vào nuôi cá thịt vì tỷ lệ hao hụt lớn.

Sáng kiến của nông dân

Những năm qua, nuôi thủy sản đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên, nghề nuôi cá tra cũng gặp không ít khó khăn như: Điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp dịch bệnh xuất hiện thường xuyên gây thiệt hại lớn; giá cả biến động khó lường… đã gây trở ngại trong đầu tư và mở rộng sản xuất.

Qua Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ VII (2018-2019) đã có một số đề tài sáng kiến nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật được thực hiện góp phần nâng cao hiệu quả trong nuôi cá. Nông dân đã thay đổi hệ thống nuôi nhanh chóng từ nuôi ao cầu chuyển sang nuôi trong bè để có fillet thịt trắng cho xuất khẩu và từ nuôi bè chuyển sang nuôi trong ao đất (ao rộng và sâu 3 - 4 mét) để giảm chi phí sản xuất. Nông dân rất nhạy bén áp dụng kỹ thuật mới vào hệ thống nuôi: thức ăn viên nổi, thay nước thường xuyên. Hệ thống sản xuất giống hiệu quả và chuyên nghiệp hóa (sản xuất cá bột, ương nuôi cá bột, cá giống và nuôi thịt chuyên biệt). 

Kỹ thuật chế biến

Theo Hiệp hội cá tra Việt Nam, đến ngày 31/7/2020, tổng diện tích nuôi cá tra tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long gần 2.000ha, so với cùng kỳ năm 2019 giảm 13%; diện tích thu hoạch là 1.844ha, giảm 21%; sản lượng đạt khoảng 615 ngàn tấn, giảm 17% so với cùng kỳ 2019. Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 667,5 triệu USD, giảm 30,6% so với cùng kỳ năm 2019. Trong những tháng đầu năm, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra gặp nhiều khó khăn do rào cản thương mại, kỹ thuật vẫn đang tiếp diễn; các quy định mới về EVFTA của thị trường EU. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đúng mức sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng từ các phụ phẩm trong chế biến thủy sản như đầu, xương, da, vây, nội tạng, mỡ…

Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cần tập trung phát triển các thị trường sẵn có, đặc biệt là các thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc, ASEAN… chiếm tỷ trọng cao. Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải tiến công nghệ, máy móc, thiết bị làm gia tăng tự động hóa (công nghệ 4.0) trong bảo quản, sơ chế, chế biến thủy sản; ứng dụng các công nghệ Enzym, protein, vi sinh trong sản xuất thức ăn chăn nuôi nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất. Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các vấn đề về an toàn thực phẩm, đặc biệt là các chỉ tiêu hóa chất kháng sinh theo quy định của nước nhập khẩu và của Việt Nam.

Hệ thống marketing tốt

Đến nay, với hơn 40 chủng loại sản phẩm giá trị gia tăng đã được chế biến từ cá tra, con cá tra Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên ở thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường phía Bắc nước ta, các sản phẩm cá tra vẫn đang là mặt hàng rất mới mẻ, thậm chí xa lạ với nhiều người. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, gần đây, Trung Quốc cũng là thị trường có sức hút rất lớn về tiêu thụ cá tra. Vì cá tra giá cả vừa phải, vận chuyển sang Trung Quốc khá gần, tiết giảm được chi phí. Vì vậy, hiện một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã và đang chuyển mạnh việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Ngành công nghiệp cá tra giúp Việt Nam vươn lên một trong năm quốc gia hàng đầu xuất khẩu thủy sản. Nhất là gần đây, việc Hoa Kỳ áp dụng đạo luật Farm Bill tăng cường kiểm soát đối với sản phẩm cá da trơn cũng đang khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn, tụt giảm mạnh về số lượng các lô hàng xuất khẩu sang thị trường truyền thống này. Trong bối cảnh đó, Hội chợ cá tra và các sản phẩm thủy sản Việt Nam chính là sự kiện có tính chất đòn bảy cho chiến lược khai thác thị trường nội địa cũng như thị trường Trung Quốc nhằm từng bước đa dạng hóa thị trường cho mặt hàng cá tra, tránh để con cá tra bị phụ thuộc quá lớn vào một hay vài thị trường. Nói cách khác, chính chúng ta phải tạo thị trường tại chỗ, không nên chỉ trông chờ vào xuất khẩu.

Xuất khẩu cá tra phải khắc phục khó khăn từ thị trường Trung Quốc trong thời gian phòng chống dịch COVID-19, vừa phải tìm kiếm thị trường khác, vừa tổ chức sản xuất, tạm trữ, dự trữ, chế biến, khơi thông và phát huy tiềm năng thị trường trong nước với hơn 96 triệu dân; đồng thời chú trọng phát triển thị trường truyền thống: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Brasil… để xuất khẩu thủy sản sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, khắc phục những khó khăn trên.

Nguồn: Theo https://tepbac.com/
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết