Cà Mau khẩn trương ứng phó hạn mặn

Adv thuysan247
Hiện nay, thời tiết diễn biến thất thường, hạn mặn, nắng nóng kéo dài đã gây ra nhiều thiệt hại trong sản xuất và đời sống của người dân.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử (giữa) khảo sát thiệt hại do hạn mặn tại ấp Quyền Thiện, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình

Hiện nay, thời tiết diễn biến thất thường, hạn mặn, nắng nóng kéo dài đã gây ra nhiều thiệt hại trong sản xuất và đời sống của người dân.

thuysan247.com

Hiện có hàng ngàn héc-ta lúa trên đất nuôi tôm bị ảnh hưởng khô hạn; Sụp lún ở nhiều nơi; Nước sinh hoạt của người dân cũng gặp nhiều khó khăn… Ngành chức năng tỉnh đã tích cực vào cuộc nhằm tìm giải pháp hướng dẫn người dân ứng phó. UBND tỉnh vừa tổ chức đoàn công tác khảo sát thực tế nắm tình hình và chỉ đạo kịp thời cho ngành chức năng, chính quyền các địa phương bị ảnh hưởng.

Bài học đắt giá cho vụ lúa 

Theo báo cáo của Sở NN&PTNN tỉnh Cà Mau, trên địa bàn tỉnh có hơn 6.500 ha lúa bị thiệt hại do hạn hán, xâm mặn và đa phần có mức thiệt hại từ 70%. Dự báo trong thời gian tới, có khoảng 100 ha lúa đông xuân đang trong giai đoạn làm đòng sẽ bị ảnh hưởng.

Trồng lúa trên đất nuôi tôm là mô hình có tính ổn định và bền vững, tuy nhiên, thiệt hại vụ lúa năm nay ở một số xã trên địa bàn huyện Thới Bình là lời cảnh tỉnh đối với người dân về tập quán và quan điểm sản xuất. Việc đa phần người dân chọn giống và thời điểm xuống giống theo kinh nghiệm mà ít quan tâm đến khuyến cáo của ngành chức năng đã làm cho thiệt hại về lúa năm nay tăng lên. Bài học từ thiệt hại vụ lúa năm 2016 do hạn, mặn vẫn chưa thực sự cảnh tỉnh được người dân.

Kiểm tra tình hình thiệt hại do thiên tai tại 2 huyện bị ảnh hưởng nặng nhất là Thới Bình và Trần Văn Thời, đoàn công tác của UBND tỉnh Cà Mau do Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử làm trưởng đoàn, đã chỉ ra nhiều vấn đề bất cập trong sản xuất hiện nay. Diện tích lúa - tôm của huyện Thới Bình năm nay hơn 18.600 ha, đã có 10 ngàn héc-ta bị thiệt hại, trong đó hơn 5.700 ha thiệt hại trên 70%. Điều đáng nói là những diện tích bị thiệt hại đa phần đều thuộc diện tích trồng lúa mùa địa phương, giống Một bụi đỏ. Đây là những giống ngành không khuyến cáo sử dụng sau thiệt hại của vụ mùa năm 2016. Trong khi đó, các giống lúa được khuyến cáo sử dụng như ST20, ST24 ít bị thiệt hại, nhưng người dân khu vực này chưa thực sự quan tâm vì nhiều lý do.

Bà Trịnh Hồng Đào, ấp Quyền Thiện, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, cho biết: “Tôi trồng giống Một bụi đỏ năm rồi vẫn cho năng suất tốt, năm nay hạn sớm mất trắng. Hơn 13 công lúa đến thời điểm này bỏ luôn chứ không gặt vì mỗi công chỉ được 1-2 giạ, không đủ tiền mướn gặt”. Không chỉ hộ bà Trịnh Hồng Đào mà hầu như các hộ dân trong ấp trồng giống lúa này đều bị thiệt hại tương tự.

Trưởng ấp Quyền Thiện Huỳnh Công Thành cho biết: “Năm nay, những hộ sử dụng lúa ngắn ngày đều ít bị ảnh hưởng, trong khi những hộ dùng giống Một bụi đỏ gần như mất trắng. Lý do là trước đây giống Một bụi đỏ phù hợp. Tập quán của người dân là khi sử dụng giống nào hiệu quả là tiếp tục chọn, ít chịu thay đổi dù có được khuyến cáo. Thiệt hại năm nay là bài học thực tế. Hiện có nhiều hộ chủ động xin vào tổ hợp tác, trong khi trước đó vận động họ không đồng ý”.

Tổ chức lại sản xuất để ứng phó hạn, mặn 

Diễn biến hạn hán, xâm mặn đã được cảnh báo từ trước đó, ngành chức năng khuyến cáo người dân chuyển đổi giống lúa mùa địa phương, giống Một bụi đỏ sang các giống ngắn ngày năng suất cao và ít bị ảnh hưởng của hạn, mặn, nhưng vì nhiều lý do người dân vẫn không chuyển đổi.

Sau khi khảo sát thực tế ở các hộ dân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhận định sơ bộ lý do người dân chỉ “trung thành” với gống lúa "quen thuộc": Đa số hộ dân cho rằng họ đã sử dụng giống lúa trên từ lâu trên đất nuôi tôm thấy hiệu quả nên không muốn thay đổi. Những giống lúa chất lượng cao, ngắn ngày như ST20, ST24 chi phí sản xuất cao hơn và chưa thấy đầu ra…

Điều này cũng cho thấy công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sản xuất chưa thực sự phát huy hết hiệu quả. 

Trước thực tế trên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chỉ đạo trong chuyến khảo sát là địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động, đồng thời kịp thời có kế hoạch, phương án chuyển đổi sản xuất phù hợp cho người dân. Phải thay đổi phương thức, tập quán sản xuất của người dân, cũng như có những hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật trồng các giống lúa ngắn ngày như ST20, ST24. Phát huy vai trò của các HTX ở địa phương. Ngành chức năng cũng đã hướng dẫn thực hiện liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo cung ứng nguồn lúa giống và đầu ra sản phẩm ổn định cho nông dân.

Cần cho người dân thấy việc tham gia vào các tổ sản xuất, HTX là cần thiết. Giám đốc HTX Dân Phát Trịnh Hoàng Cung cho biết: “HTX mới thành lập chưa lâu, lúc đầu vận động người dân tham gia sản xuất theo mô hình HTX rất khó khăn, nhưng hiện nay nhiều hộ bắt đầu chủ động xin vào. Năm 2019, tình hình chung là thời tiết diễn biến phức tạp, nhưng các thành viên HTX được hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ chọn giống lúa phù hợp nên một số hộ dù có thiệt hại nhưng không đáng kể, còn lại đều hiệu quả”.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhấn mạnh, sau chuyến khảo sát, UBND tỉnh sẽ có công văn chỉ đạo khắc phục, ứng phó với thiệt hại do thiên tai. Trước mắt, ngay thời điểm này, đề nghị Sở NN&PTNT khẩn trương rà soát tình hình thiệt hại lúa - tôm khi còn hiện trạng để đề xuất phương án khắc phục, hỗ trợ (nếu cần thiết) cho UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, cần có phương án, giải pháp hướng dẫn người dân khắc phục sớm nhất (ngay trong tuần sau).

"UBND huyện Thới Bình tập trung rà soát nhanh, xây dựng kế hoạch triển khai nhân rộng mô hình sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, liên kết chuỗi tại những nơi có đủ điều kiện trong năm 2020", Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử lưu ý. 

Việc khuyến cáo, tuyên truyền, vận động nông dân chú trọng chuyển đổi cơ cấu giống lúa từ chất lượng thấp sang trồng các giống lúa có chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, giống phù hợp với vùng đất nhiễm mặn như: ST20, ST24, OM2517, lúa lai BT-E1 và sử dụng nhóm giống lúa chất lượng cao OM5451, OM6162, Camau1, Camau2… là rất cần thiết.

Cũng trong chuyến khảo sát, UBND tỉnh đề nghị ngành chức năng, các địa phương tập trung ứng phó với tình hình thiệt hại, dịch bệnh trên các loại cây trồng, vật nuôi; Tình trạng thiếu nước sinh hoạt, công tác phòng chống cháy mùa khô… Về nước sạch, hiện toàn tỉnh có hơn 20 ngàn hộ gặp khó khăn trong tiếp cận nước sạch, ngành chức năng cần rà soát, phân loại mức độ thiếu nước (không tiếp cận được nguồn nước, tiếp cận được nhưng cần mở rộng mạng lưới nước, có nước nhưng không sử dụng được do nhiễm nặn…) để có giải pháp xử lý cụ thể cho từng trường hợp. Sở NN&PTNT phối hợp với địa phương thống kê, phân loại đối tượng thiếu nước sinh hoạt để đề xuất hướng xử lý kịp thời nhưng phải đảm bảo tính ổn định, lâu dài.

 

Về tình hình sụp lún hiện diễn biến khá phức tạp, ngành chức năng cần theo dõi, báo cáo kịp thời, đồng thời hướng dẫn người dân ứng phó. Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cũng đề nghị, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo với dân về tình hình sạt lở, dự báo nơi nào có nguy cơ sạt lở cho dân biết để phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại khi sự cố xảy ra. Sở Giao thông vận tải phối hợp các ngành chức năng hướng dẫn các địa phương phương án giải quyết vấn đề vận chuyển hàng hoá, vật tư trong vùng ngọt hoá.

Nguồn: Theo Cà Mau
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết