Bám theo con nước thuỷ triều để mưu sinh

Adv thuysan247
Dựa vào mực nước lên xuống của biển, người dân bãi triều xã Quảng Thắng, huyện Hải Hà (Quảng Ninh) đã nhiều đời mưu sinh kiếm sống ở đây.

Tối đến, lúc nước cạn, gần như toàn bộ người dân xã Quảng Thắng sẽ xuống bãi để soi ruốc, bắt ốc, vớt bề bề.

Dựa vào mực nước lên xuống của biển, người dân bãi triều xã Quảng Thắng, huyện Hải Hà (Quảng Ninh) đã nhiều đời mưu sinh kiếm sống ở đây.

thuysan247.com

Bãi triều xã Quảng Thắng, huyện Hải Hà với diện tích hàng trăm ha là một trong số ít những bãi triều ở tỉnh Quảng Ninh còn giữ được diện tích lớn dành cho khai thác tự nhiên với nhiều loại hải sản phong phú, có giá trị. Từ lâu lắm rồi, đời này tiếp đời khác, những người dân nơi đây bám theo con nước thuỷ triều để bắt đầu cho cuộc mưu sinh hàng ngày.

Cứ đều đặn 12h trưa, ông Châu Vỉn  80 tuổi, ở thôn 3, xã Quảng Thắng lại đạp xe ra bãi triều. Việc tuy vất vả, nhưng ở đó ông tìm được niềm vui và thu nhập kinh tế cho gia đình.


    Cứ đều đặn 12h trưa, ông Châu Vỉn, năm nay đã 80 tuổi, lại đạp xe ra bãi triều mưu sinh.

Ông Châu Vỉn chia sẻ: “Tôi đến để nhặt hà, nhặt hàu, về lấy ruột nấu ăn. Tôi làm lâu rồi, từ hồi bé bé mấy đời rồi. Ở nhà không có gì làm thì cứ làm vậy thôi, lấy về cho bà ở nhà làm. 2 năm nay chỉ có bãi biển này mới làm để ăn được thôi, mới lấy được tiền, lại có người xuống thu mua, không phải đem đi đâu bán nữa. Một ngày cũng được 100.000 - 200.000 đồng, đi khoảng 2-3 tiếng là được rồi”.

Nếu như tầm chiều chỉ có một ít số hộ xuống bãi đào giun, đào sá sùng, thì đến tối, lúc nước cạn, gần như toàn bộ người dân xã Quảng Thắng sẽ xuống bãi để soi ruốc, bắt ốc, vớt bề bề… Ngày ngày qua ngày khác, bãi triều trở thành một địa chỉ thân quen và chỉ với một chiếc găng tay, một cái vợt, một đèn pin, ngư dân lại cần mẫn hành nghề.

Dọc tuyến đường dẫn tới bãi triều thôn 3 phải trải qua đoạn đường khá dài. Nếu như không phải đi cùng với người quen trong thôn thì người mới đến sẽ bị lạc đường bởi trời tối, chỉ cần một vài bước chân là đã có thể lạc mất phương hướng.

Bắt đầu chuyến đi từ 18h, nhưng phải hơn 19h chúng tôi mới tìm được đường xuống bãi. Xung quanh trời đen như mực, chỉ có thấp thoáng ánh đèn pin soi ở phía xa. Được hướng dẫn cứ men theo ánh đèn pin mà đi, chúng tôi cứ rảo bước lội bùn, nhưng lội mãi vẫn chưa đến.

Thủy triều đang lên và nỗi sợ cũng bắt đầu dâng lên, ngoái lại đã thấy ánh đèn những ngôi nhà của người dân ở đằng sau đã hoàn toàn biến mất. Đang loay hoay thì bất chợt một ánh đèn pin lội nước tiến về phía chúng tôi. Câu bé Trưởng Văn Phong (sinh năm 2004, thôn 4 xã Quảng Thắng) đang trên đường đi về nhà vui vẻ giúp chúng tôi ra khu vực bãi tập trung đông người. '

Vừa đi Phong vừa kể: “Bình thường thì em bắt đầu đi vào khoảng 5h30 chiều. Theo nước lên, nếu tầm 11 - 12h đêm mà nước lên cao quá thì đi về. Em đi bắt bề bề, ốc, gặp con gì cũng bắt hết. Một ngày nếu bắt nhiều thì sẽ bắt được khoảng 1-2 kg. Giá bề bề bây giờ chỉ được 100.000/kg. Ở nhà không làm gì thì em đi biển, tự đi rồi thấy người ta đi thì mình đi theo để học.

Đi biển như này thì không cần kinh nghiệm, cứ thế mà đi. Nếu không bắt được thì do mình đi không gặp may. Nói chung là tùy theo người chịu khó thôi, người chịu khó thì sẽ đi 4-5 tiếng”.


Hàng đêm, tại khu vực bờ đê, toàn bộ số hải sản sẽ được một số hộ dân làm nghề thu mua, phân loại. Những con quá nhỏ sẽ được gom lại, phóng sinh xuống biển, tiếp tục sinh sôi nảy nở.

Khu vực mà Phong dẫn chúng tôi đến tập trung từng tốp “ thợ săn” trán đeo đèn pin, đeo giỏ di chuyển thoăn thoắt theo những đường mòn trên bãi. Họ đi thật xa, bám theo mép nước để chạy đua với thủy triều. Trong đêm tối, ánh đèn pin, tiếng gió, tiếng nước hòa quyện với tiếng bước chân và tiếng cười nói của mọi người.

Anh Lê Văn Tuấn, người dân thôn 3 xã Quảng Thắng, cho biết: “Tôi đi nhiều nên quen. Tôi bắt theo kiểu truyền thống, bắt bằng tay. Thấy thì bắt, nếu nó chạy thì thường thường được một đoạn nó sẽ dừng đứng yên lại. Từ lúc tập đi đến giờ thì tôi được 4 năm rồi, tự tìm hiểu theo người lớn. Kiếm được nhiều thì cũng thêm thu nhập”.

Còn đối với chị Nguyễn Kim Anh, thôn 3 xã Quảng Thắng, trong vòng gần 1 giờ đồng hồ, chị đã vớt được gần 2 kg bề bề và hơn chục con ruốc, cua đá, ốc hương… Ngừng tay, chị Anh vừa soi đèn cho chúng tôi xem thành quả mới “săn” được. Chị cho biết với giá bán hiện tại hơn 300.000 đồng/kg ruốc và 80.000-100.000 đồng/kg bề bề, 150.000-180.000 đồng/kg ốc, mỗi ngày, từ nghề soi biển, gia đình chị cũng kiếm được cũng khá.

“Nước lên đến đâu thì soi đến đấy, có buổi nước cạn thì tôi đi từ xa đến gần, cứ đuổi theo dòng nước. Có bãi nhiều bề bề, có bãi nhiều ruốc, có bãi nhiều cua đá, ốc hương. Mỗi bãi một loại con, vồ như bề bề thì tôi cứ ấn ở lưng nó rồi bắt và sẽ không chạy được, cua thì mình ấn giữa mai cua. Người ta đi để làm kinh tế, có người được 1,7 - 1,8 triệu đồng một tối, người được ít cũng phải được 400.000-500.000 đồng/tối. Nghề ở đây là như thế, đi biển từ sáng đến tối” - chị Kim Anh chia sẻ.


Thành quả sau 1 chuyến đi "săn" của một ngư dân trong xã.

Hàng đêm, tại khu vực bờ đê, toàn bộ số hải sản sẽ được một số hộ dân làm nghề thu mua, phân loại. Những con quá nhỏ sẽ được gom lại, phóng sinh xuống biển, tiếp tục sinh sôi nảy nở.

Lựa theo con nước, bình quân mỗi tháng, các hộ dân ở đây sẽ khai thác trên dưới 20 ngày. Con nước nào thuận thì mỗi ngày cũng soi được khoảng trên dưới 1kg ruốc và vài kg ốc gai, ốc hương, bề bề các loại. Họ cứ soi theo mép nước thủy triều mà đi. Từ chập tối thì đi mãi ra phía xa bờ biển và soi dần vào bờ.Nước lên tới đâu thì săn tới đó.

Hàng đêm, tại khu vực bờ đê, toàn bộ số hải sản sẽ được một số hộ dân làm nghề thu mua, phân loại. Để khai thác thủy sản bền vững, những con quá nhỏ sẽ được gom lại, phóng sinh xuống biển, tiếp tục sinh sôi nảy nở. Tuy mang lại thu nhập khá ổn định cho người dân trong xã nhưng đa số người dân đều hiểu được lợi ích của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Có lẽ vậy nên tại vùng biển này hầu như không có tình trạng khai thác thủy sản bằng các nghề cấm có tính chất hủy diệt như giã cào, xiếc điện, kích điện hay hóa chất… Đêm xuống, bãi triều ở vùng biển Quảng Thắng luôn tấp nập và rộn rã tiếng nói cười.

Nguồn: Theo VOV
Vui lòng ghi rõ nguồn thuysan247.com khi sao chép bài viết này.
Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác về email [email protected].
Nhấn nút "quan tâm" nếu bạn muốn nhận thông tin cập nhật từ chúng tôi trên Zalo.

Bình luận bài viết